Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn
13:34', 9/10/ 2006 (GMT+7)

Làng Phú Lạc xưa thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Phú Lạc nằm cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 2 km về phía Tây Bắc. Từ thị trấn Phú Phong theo hướng Bắc qua cầu Kiên Mỹ đến cầu Vôi rồi lại rẽ hướng Tây là tới làng.

Phú Lạc hiện nay phía Bắc giáp với xã Bình Tân, phía Đông giáp thôn Kiên Long (cùng xã Bình Thành), phía Tây giáp xã Tây Giang, phía Nam và Đông Nam giáp làng Kiên Mỹ (thuộc thị trấn Phú Phong). Sông Kôn chảy qua địa phận làng.

Phú Lạc là một làng được thành lập từ khá sớm. Ban đầu có ba xóm là Phú Thọ Chính, Phú Thọ Nam và Phú An, sau có thêm hai xóm là Phú Xuân và Mỹ Thọ, sau Cách mạng tháng Tám lại có thêm hai xóm mới nữa là Chơm Tự và Bình Đồn. Những dòng họ tiền hiền của làng là Lê, Mai, Nguyễn Công, sau này nhập cư thêm các họ Hồ, Dương, Cao, Trần.

Nằm trên các vùng bán sơn địa, địa hình Phú Lạc có hai phần rõ rệt. Phía Bắc là rừng núi chiếm già nửa diện tích, phía Nam là dân cư và đồng ruộng. Dân chủ yếu sống bằng nghề nông, từ xưa đã xây dựng được các đập nước từ suối nhỏ vào đồng điền, như đập Ông Phó do người họ Mai lập nên, đập Ông Mùa do người họ Lê xây dựng, đồng thời tham gia làm các đập Lộc Đỗng, Kiền Kiền (cuối thế kỷ 18), đập Văn Phong sau này. Ngoài ra còn có thêm nghề trồng dâu nuôi tằm, một số người buôn bán chạy chợ.

Tổ bốn đời của các lãnh tụ Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ vốn họ Hồ quê ở Nghệ An, khoảng giữa thế kỷ 17 bị quân Nguyễn bắt vào Đàng Trong cùng với nhiều người khác rồi chia về khai phá đất đai lập ra ấp Tây Sơn thuộc huyện Tuy Viễn phủ Quy Ninh, sau đổi là Quy Nhơn.

Ấp Tây Sơn là quê hương khẩn hoang đầu tiên của dòng họ Tây Sơn trên đất Đàng Trong. Đến đời thứ ba là Hồ Phi Phúc lấy vợ là bà Nguyễn Thị Đồng người thôn Phú Lạc, ấp Kiên Thành. Hồ Phi Phúc chuyển về cư trú bên quê vợ. Phú Lạc trở thành quê hương thứ hai của dòng họ Tây Sơn.

Theo ký ức của nhân dân địa phương thì tổ tiên bà Nguyễn Thị Đồng là một trong những người đầu tiên có công khai phá lập ra làng Phú Lạc. Về sau con cháu cư trú tập trung ở xóm Phú Thọ Chính. Đầu thế kỷ 19, với chính sách khủng bố gay gắt của Nguyễn Ánh nên dòng họ này bị thất tán hầu hết.

Ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng đã lập nghiệp, sinh sống ở Phú Lạc một thời gian. Tại đây ông bà có 3 mẫu 6 sào ruộng. Ngoài ra, tương truyền ông Hồ Phi Phúc còn có thời chở đò và buôn bán miền xuôi, miền ngược. Về sau, ông bà lại chuyển sang làng Kiên Mỹ cũng thuộc ấp Kiên Thành (nay thuộc thị trấn Phú Phong. Đây là quê hương thứ ba của dòng họ Tây Sơn ở Đàng Trong và là nơi sinh trưởng của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Nguyễn Ánh sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn đã thi hành chính sách trả thù tàn bạo. Phú Lạc bị tàn phá, đặc biệt là những di vật liên quan đến gia đình các lãnh tụ Tây Sơn. Vì thế hiện nay ở Phú Lạc chỉ còn lại một số di tích chủ yếu dưới dạng phế tích ít ỏi về nhà Tây Sơn.

Di tích Gò Lăng thuộc đất xóm Phú Thọ Chính, giáp với Phú Thọ Nam. Tương truyền đây là nền nhà và vườn của ông bà Hồ Phi Phúc. Di tích kiên trúc ở đây đã bị hủy hoại, dấu vết còn lại là một nền nhà bằng phẳng và mảnh vườn rộng khoảng 2 sào. Trên mảnh vườn còn một số cây cổ thụ. Trước đây, khi đào đất người ta còn thấy những tảng đá có khắc hoa văn hình hoa thị và một số gạch ngói vỡ.

Cạnh gốc cây thị có một ngôi miếu nhỏ, thường gọi là miếu Sơn Quân, tức là miếu thờ thần núi. Miếu này có trước cả đình Phú Lạc, ban đầu chỉ bằng tranh nứa vách đất, quay hướng Nam, sau hư hỏng mới làm lại, tường xây lợp ngói vảy, quay hướng Đông. Năm 1945 ông Mai Quang người bản thôn đứng ra tu sửa lại một lần nữa. Theo một số cụ già cao tuổi người địa phương thì miếu Sơn Quân, về hình thức là thờ sơn thần nhưng trên thực tế là để thờ ông bà Hồ Phi Phúc. Trước đây, nhất là thời kỳ đầu nhà Nguyễn, hàng năm vào Tết thanh minh nhân dân phải tổ chức cúng tế ở miếu dưới hình thức vật niệm. Về sau này việc cúng tế được công khai, đến nay vẫn tiếp tục duy trì.

Cũng theo dân gian truyền tụng thì ở cạnh nhà ông bà Hồ Phi Phúc có một cây bồ đề to lớn. Anh em Tây Sơn mỗi khi về thăm quê ngoại thường buộc ngựa tại đây.

Di tích Phú Lạc nằm trên đất xóm Phú Thọ, vốn chỉ có một gian hai chái. Cạnh đình là chùa, sau đình là lẫm (kho). Vào năm 1947 thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến đình, chùa, lẫm đều đã bị phá hủy. Di tích Đình Phú Lạc được xây dựng lại năm 1999. Người dân Phú Lạc cho biết: Đình trước đây bề ngoài là nơi thờ thành hoàng để che mắt chính quyền nhà Nguyễn, nhưng trên thực tế là thờ “Ba ngài Tây Sơn”. Hàng năm vào ngày 15 tháng 11 âm lịch, làng tổ chức lễ tế hiệp “Ba ngài” dưới danh nghĩa cúng thường tân (cơm mới). Làng trích 3 mẫu 6 sào ruộng công nguyên là ruộng của ông bà Hồ Phi Phúc bị nhà Nguyễn tịch thu, làm tự điền, hoa lợi trừ phần thù lao cho người cày cấy còn lại để chi dùng cho buổi tế lễ. Buổi lễ cúng “Ba ngài” không có văn tự, vị tiên chỉ “mật cáo” mời hương hồn “Ba ngài” về.

Di tích Hố Huyệt nằm dưới chân núi Hòn Một thuộc dãy núi ngang phía Nam sông Kôn, nay thuộc xã Bình Tường (huyện Tây Sơn). Tương truyền đây là hai nấm mộ ông bà Hồ Phi Phúc, Nguyễn Thị Đồng. Sau khi Tây Sơn thất bại, triều đình Nguyễn phái quân về đây quật phá. Dấu tích còn lại nay là hai hố huyệt cách nhau gần một mét.

Di tích khu Trường Dược còn gọi là Gò Trường Dược, nằm ở phía hữu ngạn suối Bà Trung phía tây Phú Lạc. Hiện nay khu Trường Dược chỉ còn là gò đất có diện tích hơn 2 mẫu dùng trồng trọt. Tương truyền xưa kia đây là nơi quân Tây Sơn luyện thuốc súng. Trước đây còn có vết tích nhà kho, nay không còn dấu vết gì .

Dấu tích vật chất Tây Sơn ở Phú Lạc chỉ có vậy. Tuy nhiên, trong lòng người Phú Lạc, dấu ấn về nhà Tây Sơn vẫn được ghi khắc và truyền lưu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người dân Phú Lạc tự hào về mảnh đất đã sinh ra người mẹ của các lãnh tụ Tây Sơn, của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung. Sách vở viết về bà Nguyễn Thị Đồng quá ít, quá sơ sài nhưng chắc chắn rằng người mẹ Phú Lạc này đã nuôi lớn các lãnh tụ Tây Sơn không chỉ bằng dòng sữa ngọt ngào mà còn cả tinh thần đấu tranh bất khuất chống cường quyền áp bức.

Trước đó, truyền rằng Phú Lạc cũng là nơi đã sinh ra người mẹ của chàng Lía, lãnh tụ một phong trào khởi nghĩa chống Nguyễn vào đêm trước của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Hình ảnh một chàng Lía nhân hậu, thương người nghèo khổ, dám đứng lên chống áp bức vẫn khắc sâu trong ký ức người Phú Lạc. Chuyện chàng Lía, vè chàng Lía khá phổ biến ở đây.

Sau này vào cuối thế kỷ 19, quê hương Phú Lạc lại sinh ra Mai Xuân Thưởng, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương chống Pháp. Mai Xuân Thưởng là người đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước bất khuất của cha ông. Tài liệu của người Pháp vào cuối thế kỷ 19 là E.Navelle cho biết, khi Mai Xuân Thưởng nổi dậy chống Pháp thì chính quyền Nguyễn còn khép  tội ông mưu đồ khôi phục nhà Tây Sơn. Nhà sử học Charles Fourniau, bằng nhiều nguồn tài liệu còn xác định Mai Xuân Thưởng là hậu duệ của Tây Sơn, khi bị Pháp bắt ông công khai tự nhận là dòng dõi Nguyễn Nhạc.

Chuyện trên thực sự đến đâu còn cần phải xác minh nhưng rõ ràng ý chí, tinh thần Tây Sơn đã được các thế hệ người Phú Lạc kế thừa.                                                            

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)
Thầy hiệu trưởng trường Trung học Cách mạng đầu tiên  (12/09/2006)
Huyện đường Bình Khê  (11/09/2006)
Từ Côn Sơn kết bè vượt biển  (08/09/2006)
Chàng Lía và căn cứ Truông Mây  (07/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (05/09/2006)
Số lùi số tới  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Dấu tích thành Thị Nại  (03/09/2006)