Người soạn luật cho nhà Tây Sơn
8:14', 13/10/ 2006 (GMT+7)

Lê Công Miễn là danh sĩ nổi tiếng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần. Ông sinh năm 1740, quê ở làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước trong một gia đình khá giả có truyền thống nho giáo. Thuở nhỏ, ông cùng anh ra Phú Xuân học. Ông học giỏi có tiếng, uyên bác kinh điển. Bình sinh, phàm các sách kinh, thư, tử, sử không sách nào là không đọc.

Năm 1775, sau khi đánh chiếm Thuận Hóa, để cai trị vùng đất mới, biết ông là danh sĩ, chúa Trịnh cho sứ giả mời ông ra cộng tác. Nhưng ông lựa lời từ chối rồi lặng lẽ tìm đường về quê. Lúc này, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ được hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc cho người mang lễ vật đến mời ông ra giúp sức. Trước đại nghĩa của nhà Tây Sơn và thái độ cầu hiền của Tây Sơn Tam Kiệt, ông vui vẻ nhận lời. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, năm 1784, vua Thái Đức cử ông làm Hàn lâm thị độc, giữ nhiệm vụ “mật trực thụ thư” tức giảng sách cho nhà vua.

Sang thời Cảnh Thịnh, năm 1795, ông được triệu ra Phú Xuân. Ông vua trẻ cử ông giữ chức Đô sát viện Đô ngự sử, chức quan chuyên xem xét tình hình chính sự và sai dạy ở kinh diên. Không bao lâu, ông lại được cử làm Thượng thư Bộ hình.

Trong thời gian làm Thượng thư Bộ hình, ông xét thấy trước khi lên ngôi hoàng đế, vua Quang Trung đã ra lệnh cho các quan tư pháp và tham chính viện soạn bộ luật mới để cai quản thần dân. Nhưng do chiến tranh và nhiều công việc bề bộn khác, bộ luật này chưa hoàn thành. Nay trước tình hình chính sự bất nhất, quan lại tham nhũng hoành hành, ông tâu lên vua xin soạn luật cho nhà Tây Sơn. Ông dày công tham chước mọi điều trong luật Hồng Đức thời Lê, luật nhà Thanh, để soạn thảo luật Tây Sơn. Bộ luật gồm ba quyển, biên chép cẩn thận. Soạn xong, chưa kịp đưa ra thi hành, thì ông lâm trọng bệnh, qua đời ngày 24-12-1800, khi vừa tròn 60 tuổi.

Dưới triều Nguyễn Gia Long, dẫu phải đối phó với sự lục soát gắt gao của quan quân, con cháu ông vẫn giữ được nguyên vẹn bộ luật này. Nhưng rồi trong kháng chiến chống Mỹ, bộ luật và các giấy tờ viết bằng chữ Hán khác được cất giấu trong khám thờ, con cháu ở lại giữ nhà do không biết chữ Hán, không biết đó là di sản văn hóa quý báu của tổ tiên để lại, đã lấy ra làm giấy cuốn thuốc lá hết.

Bộ Hình thư do Thượng thư Bộ hình nhà Tây Sơn Lê Công Miễn biên soạn tuy không còn nhưng gia phả họ Lê ở làng Luật Chánh do Lê Đại Cang làm quan cho triều Nguyễn viết năm 1836 dưới triều Minh Mạng, vẫn biên chép rất rõ rằng: “Khi làm hình quan, thường lúc nhàn rỗi ở nhà, tham chước điều lệ của triều Thanh và thời Hồng Đức, soạn ra bộ Hình Thư”.

  • Tĩnh Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn   (09/10/2006)
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)
Thầy hiệu trưởng trường Trung học Cách mạng đầu tiên  (12/09/2006)
Huyện đường Bình Khê  (11/09/2006)
Từ Côn Sơn kết bè vượt biển  (08/09/2006)
Chàng Lía và căn cứ Truông Mây  (07/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (05/09/2006)
Số lùi số tới  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)