Đảo Yến Quy Nhơn
9:45', 19/10/ 2006 (GMT+7)

Gọi là "đảo" nhưng thực ra xứ sở của loài chim yếu nằm trên bán đảo Phương Mai. Dãy Triều Châu ăn ra biển, trải dài chừng 15 km, tạo thành những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp với tên gọi thật ngộ nghĩnh: Hòn Mai, hòn Chóp Vung, núi Cột Cờ, Núi Đen… và trong số đó, ngọn núi án ngữ phía Nam mang tên Hòn Yến.

Cứ mỗi mùa xuân đến tiết trời ấm áp, chim yến rủ nhau từng đàn đông nghịt đến đây làm tổ. Chính vì vậy mà mũi đất tận cùng của bán đảo cũng được gọi là Mũi Yến.

 

Công nhân khai thác yến sào.

 

Bán đảo Phương Mai như một con khủng long khổng lồ nằm che chắn sóng to gió lớn cho thành phố Quy Nhơn. Thiên nhiên nơi đây vừa tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, vừa ban tặng cho con người một kho báu mà không phải nơi nào cũng có. Đó là yến sào (tổ chim yến) - một đặc sản cao cấp được cả thế giới ưa chuộng.

Đảo yến trước đây thuộc địa phận hai thôn Xương Lý và Hương Mai. Phía Nam thôn Xương Lý là đầm Nha Phiên, phía Bắc là thôn Hưng Lương (cả hai thôn này đều nằm trong xã Nhơn Lý). Những người sinh cơ lập nghiệp đầu tiên tại Xương Lý thuộc dòng họ Nguyễn quê gốc ở Nghệ An, cho đến nay đã được 10 đời. Thôn Hương Mai chính là 4 thôn Hải Giang, Hải Đông, Hải Nam và Hải Minh, nay thuộc xã Nhơn Hải.

Trước năm 1955, Nhơn Lý và Nhơn Hải thuộc tổng Trung An, huyện Phù Cát, sau năm 1955 cắt về huyện Tuy Phước, hiện nay thuộc thành phố Quy Nhơn.

Đảo yến là một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn bởi những hang động thiên tạo có tuổi hàng vạn năm với những hòn đá có nơi cao tới cả trăm mét. Lòng hang động hiểm trở, cheo leo là nơi thích hợp cho loài chim yến đến làm tổ. Trên đảo yến có tất cả 30 hang lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở hai xã Nhơn Hải và Nhơn Lý. Trong mỗi hang nhỏ như hang Rừng Cao, hang Dơi, hang Ba Nghé, hang Cạn, hang Hẹp, hang Hầm Xe, hang Phanh… hàng năm cũng có thể thu được từ 100 đến 300 tổ yến. Còn những hang lớn như hang Cả, hang Đôi Trong, hang Đôi Ngoài, hang Hích, hang Sức Khỏe, hang Nghìm, hang Luông, hang Khô, hang Cân, hang Cỏ…, đặc biệt là những hang có cửa quay về hướng đông hoặc Đông-Nam, thoáng mát, trần hang có nguồn nước ngọt rịn nhỏ qua khe đá, bên dưới là sóng biển dập dềnh, hàng năm có thể thu được 14 đến 15 ngàn tổ.

Nếu có dịp đến đảo yến vào mùa Xuân, ta sẽ thấy từng đàn chim yến bay rợp trời, gọi nhau ríu rít. Mặc dù sống theo bầy đàn như vậy nhưng chim yến lại là loài sống thành từng đôi với nhau không hề nhầm lẫn. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, trên đảo yến Quy Nhơn chủ yếu có hai loài: Yến cỏ và Yến sào.

Yến cỏ thân hình lớn hơn yến sào, làm tổ bằng cỏ, rác lấy từ các mỏm núi. Yến sào mới là loài chim quý. Loài yến này có thân hình nhỏ như chim sẻ nhưng bay rất khỏe. Chúng kiếm ăn bằng cách vừa bay vừa đớp mồi trên biển. Người ta nói loài yến sào có thể bay 10 giờ liên tục không nghỉ. Chúng làm tổ không phải bằng cây cỏ mà bằng chính nước dãi của mình. Mỗi ngày một ít, chim yến tự tiết ra nước dãi, kéo thành sợi, quây lại làm tổ. Sau một thời gian, tổ yến khô đi trông giống như những chiếc vành tai gắn chặt vào trần hang vách đá. Khi hoàn thành tổ vừa đủ để nằm lọt thân mình, yến bắt đầu sinh sản.

Tổ yến là một nguồn lợi từ xưa đã được nhân dân địa phương biết đến. Theo các tài liệu lịch sử, nghề khai thác yến sào ở Bình Định có từ lâu đời. Đến thế kỷ 19, trong mục nói về sản vật Bình Định, sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: "Yến sào sản ở các đảo ngoài biển, có thuế, hàng năm mỗi người phải nộp 10 cân".

Tổ yến cũng có nhiều loại. Yến sào màu đỏ hoặc hồng rất quý và đắt giá nhất, yến quan tai to có màu trắng ngà, yến thiên tai mỏng và nhỏ, và yến bãi là loại chất lượng kém nhất.

Lấy tổ yến là một nghề nguy hiểm. Trước đây, ngoài lòng dũng cảm, nghề này còn có những bí quyết mang tính cha truyền con nối. Ngày nay nghề này đã được quản lý và để hạn chế tai nạn trong quá trình khai thác, người làm nghề được huấn luyện kỹ thuật cẩn thận. Tuy nhiên, muốn trở thành người khai thác giỏi, ngoài kiến thức và kinh nghiệm còn phải có tinh thần vững vàng, sự bình tĩnh gan dạ và động tác khéo léo.

Để có thể lấy tổ yến trên vách và trần hang, người ta bắc các giàn giáo bằng tre liên kết lại với nhau. Người khai thác có thể đi lại trên giàn giáo như những chiếc cầu vắt vẻo dọc ngang. Có những hang cao, giàn giáo phải dùng đến 300 cây tre. Những cột dọc phải nối từ 4 đến 5 cây tre mới lên tới đỉnh. Cách lấy tổ yến cũng hết sức công phu. Tai nào xa không với tay được, người ta dùng gậy đầu đóng đinh gim vào tổ để lấy ra. Vào những khi khí hậu khô hanh, trước khi lấy còn phải dùng nước phun vào tổ yến cho mềm để tránh bị vụn nát.

Trước kia, nghề khai thác yến hoàn toàn tự phát và người làm nghề phải đóng thuế cao nên khi vào vụ, người ta ra sức tận thu, nguồn lợi thiên nhiên này đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt. Ngày nay, do ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển nguồn lợi, công việc khai thác phải tuân thủ theo một lịch trình nghiêm ngặt. Tháng Giêng, tháng Hai là mùa yến làm tổ sinh sản, sau đó một tháng mới được thu hoạch vụ đầu. Vụ thứ hai phải chờ đến khi chim con cứng cáp biết bay đi kiếm mồi mới thu hoạch. Vụ thứ ba khai thác ít, chủ yếu chỉ dưỡng cho đàn yến có điều kiện tăng trưởng bầy, đàn. Đến nay sản lượng yến thu hoạch hàng năm của Bình Định ước khoảng hơn 700kg. Đây là một mặt hàng xuất khẩu đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho tỉnh.

Đến với đảo yến, du khách không những được chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục bên ngoài, nếu có dịp vào sâu trong hang, khách còn có dịp đắm mình trong khung cảnh hoành tráng, kỳ vĩ do thiên nhiên tạo nên. Trên các vách đá, xen lẫn những giọt nước tí tách rơi là những chấm trắng li ti tựa như một bầu trời đầy sao của những đêm hè, các tổ yến đan khít vào nhau thành một chuỗi dài, đâu đó các chú yếu đang xòe cách hà hơi ấm cho con, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim con chíp chiu đòi mẹ mớm mồi. Tiếng sóng, tiếng nước rơi, tiếng vỗ cách, tiếng chim yến kêu… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một âm hưởng kỳ lạ khiến cho ta cảm giác như đang lạc bước vào chốn thiên cung.

Đảo yến không chỉ có yến và phong cảnh đẹp mà nơi đây còn có những di tích lịch sử văn hóa từ thời vương quốc Chămpa qua triều Tây Sơn đến nhà Nguyễn sau này. Đến đảo yến du khách sẽ có dịp được ghé thăm Chùa Phật Lồi, nơi có pho tượng Chàm huyền bí,  được chiêm ngưỡng núi Tam Tòa với những di tích liên quan đến Uy Minh vương Lý Nhật Quang thời Lý và các chiến binh Tây Sơn thế kỷ 18, thấy tận mắt pháo đài Hổ Ky với những lỗ đặt súng thần công, dấu tích còn sót lại của những công trình phòng thủ bờ biển được các bậc tiền nhân dựng lên.

Như một bức tranh nghệ thuật hoàn mỹ với những dáng vẻ thiên nhiên vừa hư vừa thực, đảo yến là nơi du khách không thể bỏ qua nếu có dịp đến thăm thành phố Quy Nhơn.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Người soạn luật cho nhà Tây Sơn  (13/10/2006)
Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn   (09/10/2006)
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)
Thầy hiệu trưởng trường Trung học Cách mạng đầu tiên  (12/09/2006)
Huyện đường Bình Khê  (11/09/2006)
Từ Côn Sơn kết bè vượt biển  (08/09/2006)
Chàng Lía và căn cứ Truông Mây  (07/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (05/09/2006)