Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương
13:14', 20/10/ 2006 (GMT+7)

Võ Đình Tú là một trong những khai quốc công thần của nhà Tây Sơn. Thuở thiếu thời, ông từng được một nhà sư mang lên Thiên Thai Tự dạy văn, luyện võ trong mười năm. Trải qua bao gian nguy trên đường chinh chiến, Nguyễn Huệ đã khen ngợi: “Đình Tú có tài văn võ, ngày sau là bề tôi rường cột !”. Ngoài võ nghệ siêu quần, ông còn có biệt tài bắn cung, đánh thiết côn trên mình ngựa, trăm người không địch nổi. Phục tài ông, Bùi Thị Xuân từng tặng ông lá cờ đào thêu bốn chữ “Thiết côn vô địch”.

Thời gian ở Phú Xuân, có nhà hào phú tặng ông một con ngựa hồng đuôi dài đen mượt, vóc to lớn. Ông yêu quý ngựa như con, luyện nó thành chiến mã giỏi, chạy nhanh như gió, suốt ngày không đổ mồ hôi. Những ngày rảnh việc, ông xuống tàu ngựa săn sóc, vuốt ve chiến mã. Thấy bóng dáng chủ tướng, ngựa vẫy đuôi, hí vang.

Để giúp Bắc Bình Vương rảnh tay giải quyết việc Bắc Hà, Võ Đình Tú tình nguyện vào trấn thủ Quảng Nam, không cho Nguyễn Ánh đem quân ra đánh úp. Suốt thời gian quân Tây Sơn phải ổn định tình hình rối ren ngoài Bắc, kể cả khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, đưa quân thần tốc đại phá quân Thanh, Đình Tú phòng vệ chặt mặt Nam, vỗ về dân chúng yên một cõi.

Sang thời vua Cảnh Thịnh, Võ Đình Tú giữ một lòng chính trực. Không những ông không để cho Bùi Đắc Tuyên lôi kéo vào phe cánh của y, mà còn giải quyết bất hòa, nối lại tình thân giữa Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng. Sau khi Bùi Đắc Tuyên bị diệt, để bảo vệ đất thang mộc, triều đình thăng ông làm Tham tri Bộ binh chuyên coi việc quân ở Quy Nhơn và Phú Yên - nơi phải đối đầu thường xuyên với Nguyễn Ánh. Vào tới nơi, biết tin Nguyễn Ánh điều quân ra Diên Khánh, rắp tâm đánh chiếm Quy Nhơn, ông ra lệnh cho các tướng đem quân bố phòng nghiêm ngặt biên giới phía nam và ven biển. Tàu thuyền thám thính của Nguyễn Ánh nhiều lần bị thủy quân Tây Sơn bắt gọn hay đánh đuổi chạy về Nam.

Thế rồi, theo gió mùa, Nguyễn Ánh đưa đại quân ra đánh phá cửa Thị Nại, định ào ạt xông lên hạ thành Quy Nhơn. Đang kinh lý việc quân, được tin cấp báo, ông liền đem quân xuống Thị Nại giữa lúc kịch chiến đang diễn ra, quân Nam từ tàu thuyền liều lĩnh nhảy lên đất liền. Võ Đình Tú xông vào trận địa, tả xung hữu đột. Thiết côn của ông vung tới đâu là quân địch ngã tới đấy. Biết chưa thể đánh chiếm Quy Nhơn, Nguyễn Ánh bèn cho thu quân. Giữa lúc quân Tây Sơn thừa thắng xông lên truy đuổi địch quân tán loạn chạy xuống biển, bất ngờ, một viên đạn từ thuyền bắn lên. Võ Đình Tú trúng đạn, gục đầu ôm chặt mình ngựa. Biết chủ tướng lâm nạn, chiến mã hí lên một hồi dài thảm thiết rồi tung vó vượt qua làn đạn, theo đường cái quan chạy về quê hương chủ tướng ở Phú Phong. Về tới cố hương, ngựa lăn ra chết, Võ Đình Tú cũng đã qua đời, nhưng tay chân còn ôm chặt mình ngựa.

Tin dữ bay về triều, Cảnh Thịnh nói trong nước mắt: “Nay ta mất một cột chống trời ở phương Nam nữa rồi...”.

  • Song Lộc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Người soạn luật cho nhà Tây Sơn  (13/10/2006)
Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn   (09/10/2006)
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)
Thầy hiệu trưởng trường Trung học Cách mạng đầu tiên  (12/09/2006)
Huyện đường Bình Khê  (11/09/2006)
Từ Côn Sơn kết bè vượt biển  (08/09/2006)
Chàng Lía và căn cứ Truông Mây  (07/09/2006)