Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn
8:11', 27/10/ 2006 (GMT+7)

Trần Quang Diệu là danh tướng trụ cột của nhà Tây Sơn. Ông quê gốc Ân Tín, huyện Hoài Ân. Hợp sức cùng ba anh em Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, Trần Quang Diệu sát cánh cùng Nguyễn Huệ qua bao trận đánh chớp nhoáng trong Nam ngoài Bắc, làm cho quân chúa Nguyễn, chúa Trịnh khiếp kinh.

Năm 1786, vua Thái Đức phong Nguyễn Huệ làm tiết chế, mang quân ra đánh chiếm Phú Xuân, mở đầu việc tiêu diệt tập đoàn phong kiến chúa Trịnh. Một khó khăn đặt ra là muốn chiếm Phú Xuân phải đánh tan tuyến phòng ngự kiên cố của quân Trịnh ở đèo Hải Vân. Đường lên xuống cửa ải này là độc đạo, một bên núi cao, một bên biển sâu. Trước trận đánh quan trọng này, Nguyễn Huệ bàn riêng với Trần Quang Diệu: phải đánh cho địch không kịp trở tay, Phú Xuân không kịp đưa quân ứng cứu. Rồi Nguyễn Huệ giao cho Trần Quang Diệu đưa trượng binh và bộ binh từ rừng núi phía Tây thành Hoàng Đế, mở đường rừng, hành quân cấp tốc ra thượng lưu sông Lê (Trà Khúc), vòng qua phía Tây đèo Hải Vân, rồi chia làm hai cánh. Một cánh bất ngờ thọc sâu xuống vùng Phú Lộc phía Nam Huế, bao vây chặt đèo Hải Vân từ mặt Bắc. Quân Tây Sơn trong đánh ra, ngoài đánh vào, tiêu diệt toàn bộ quân Trịnh trấn giữ đèo, kể cả chủ tướng Hoàng Nghĩa Hồ. Cánh thứ hai tiếp tục bí mật luồn rừng, phối hợp với thủy quân đánh chiếm Phú Xuân, buộc phó tướng Hoàng Đình Thể phải tự vẫn trên bành voi, bắt chủ tướng Phạm Ngô Cầu giải về Quy Nhơn.

Trong chiến thắng Phú Xuân, các dân tộc miền núi phía Tây Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam như Ba na, H’rê… đã góp sức dẫn đường, cùng nghĩa quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Trần Quang Diệu mở đường Trường Sơn.

Về sau, vua Quang Trung phong Trần Quang Diệu làm Đại Tổng trấn bình định miền Tây. Ông lại đem quân theo đường Trường Sơn, đánh chiếm Trấn Ninh, bắt tù trưởng Cheo Nam, Cheo Kiêu, dẹp Triệu Cao ở Quy Hợp, chém Tả súy Phan Dung và Hữu súy Phan Siêu. Quân Xiêm sang giúp bị đánh chạy tán loạn.

Thời vận đổi thay, cũng chính trên đường mòn Trường Sơn do Trần Quang Diệu đã mở, vào khoảng tháng 4 năm 1802, biết tin vua Cảnh Thịnh đại bại ở Nhật Lệ, ông cùng Võ Văn Dũng đưa tượng binh theo đường Trường Sơn ra Nghệ An giúp vua. Nhưng mọi cố gắng của vị dũng tướng đã không thành, ông bị quân Gia Long bắt cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân.

  • Tĩnh Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương  (20/10/2006)
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Người soạn luật cho nhà Tây Sơn  (13/10/2006)
Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn   (09/10/2006)
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)
Thầy hiệu trưởng trường Trung học Cách mạng đầu tiên  (12/09/2006)
Huyện đường Bình Khê  (11/09/2006)
Từ Côn Sơn kết bè vượt biển  (08/09/2006)