Chùa Hang
10:58', 31/10/ 2006 (GMT+7)

Trong một nhánh núi thuộc dải Trường Sơn ăn ra biển, ở địa phận thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ có một khối núi đá mang tên Lí Thạch, giữa lưng chừng núi là danh thắng tên gọi Thạch Cốc tự (chùa hang Đá), sau này còn có một tên khác là Thiên Sanh Thạch tự (Chùa đá trời sinh), nhưng trong dân gian tên gọi phổ biến là Chùa Hang.

Gọi là chùa vì nơi đây có sư trụ trì và đặt bàn thờ Phật chứ thật ra Chùa Hang là một danh thắng thiên tạo.

 

Ở khu vực chùa Hang có một ao nước nhỏ (nhưng dân gian vẫn quen gọi là giếng) chưa bao giờ cạn. Ảnh: Viết Thọ

 

Núi Lí Thạch nằm giữa một vùng đồng lúa bao la, vườn cây xanh mướt. Đi theo con đường quanh co, khúc khuỷu, tạo bởi các bậc đá nhấp nhô tự nhiên đã được tu chỉnh bởi bàn tay con người, lên tới lưng chừng núi có một khoảng sân nhỏ không mấy bằng phẳng. Đó chính là cửa hang. Hang quay về phía đông. Ngay trên vòm cửa có một tảng đá cong cong hình mu rùa ở mặt trên và tương đối bằng phẳng ở mặt dưới, dày tới gần 2m chạy dài đến hơn 10m, nhô ra phía trước 5-6m, tạo thành một mái che tự nhiên.

Không biết tự bao giờ chùa có những phiến đá tự nhiên ghép lại hình thù giống như cái bàn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, chùa có tới 15 cái bàn vuông, phía trong 3, phía hữu 5, phía tả 5 và tả hữu ngoài cửa mỗi bên một cái, đều có bậc đá. Phía trên chùa có một lỗ thông ra sườn núi, phía dưới chùa có lối đi đến chùa Bắc Hộ.

Đi vào trong, lòng hang rộng chừng 5m, sâu khoảng 20m. Bàn thờ Phật được đặt trang trọng ở phần giữa hang. Trong cảnh tĩnh mịch, âm u, hang biến thành một Phật đường thâm nghiêm, huyền bí. Phía trước bàn thờ Phật có một nhánh hang nhỏ thông xuống phía dưới. Dân gian truyền rằng nhánh hang này thông ra tận biển. Dân địa phương kể lại rằng: đã có người thử lấy một quả dừa khô đem khắc vào làm dấu rồi thả vào hang, ít lâu sau người ta tìm lại được đúng quả dừa ấy ở ngoài mép nước ven biển (?).

Hang có đường thông ra tới biển thì thật là khó tin vì từ chùa Hang tới bãi biển gần nhất cũng tới gần 20km, nhưng quả dừa khô lăn xuống mép nước hồ Khánh Hội ở phía Tây núi Chùa là chuyện hoàn toàn có khả năng. Chẳng biết thực hư ra sao nhưng những câu chuyện đầy vẻ kỳ bí ấy đã tôn thêm vẻ linh thiêng của chùa.

Phía sau bàn thờ, đường vào hang càng đi càng hẹp lại, đến chỗ chỉ vừa một người lách qua là đường thông lên núi. Muốn ngắm nhìn cảnh sắc ngoạn mục có thể trèo lên mái hiên ở cửa hang. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra cả bốn phía, vừa thấy cảnh đá núi nhấp nhô, hiểm trở, vừa thấy được ruộng đồng bát ngát lại bao quát được cả cảnh biển, trời bao la, xa thẳm đến tận chân trời.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầm Thị Nại  (30/10/2006)
Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn  (27/10/2006)
Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương  (20/10/2006)
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Người soạn luật cho nhà Tây Sơn  (13/10/2006)
Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn   (09/10/2006)
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)
Thầy hiệu trưởng trường Trung học Cách mạng đầu tiên  (12/09/2006)