Thầy Tư Lữ
8:54', 3/11/ 2006 (GMT+7)

Xét về tài khuấy nước chọc trời, tung hoành ngang dọc cứu dân giúp nước, Nguyễn Lữ không bằng hai anh. Nhưng ông là người thành tín, nhân hậu. Thuở thiếu thời ông thích bơi qua sông Côn, chơi chọi gà. Lớn lên, được theo hai anh học văn, học võ với thầy Giáo Hiến. Thân thể không cường tráng, ông chỉ học quyền, được thầy dốc tâm truyền cho môn Miêu quyền, đánh đỡ mềm dẻo, lui tới nhẹ nhàng. Nhờ đó sau này, ông mới sáng tạo ra Hùng kê quyền.

Nguyễn Lữ được người dân tộc thiểu số ở miền núi từ Quảng Ngãi đến Phú Yên mến phục, gọi là thầy Tư Lữ. Do vậy, Nguyễn Nhạc đã cử ông vượt đèo cao, suối sâu Trường Sơn đi về phía nam hàng tháng thuyết phục vua Lửa, vua Nước; rồi lại đi vận động các buôn làng ở Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc đứng về phía nhà Tây Sơn. Nguyễn Lữ cũng là người khéo trù liệu việc hậu cần. Để chuẩn bị dấy nghĩa, Nguyễn Nhạc giao cho ông cùng với Nguyễn Thung và Bùi Thị Xuân lo việc kinh tế, tài chính. Nguyễn Lữ cũng là người thông thạo thủy chiến, nên về sau, vua Thái Đức giao cho cầm binh thuyền vượt biển, đánh trong nam ngoài bắc. Thuở ấy, vịnh Thị Nại còn ăn sâu vào đất liền, tương truyền căn cứ thủy binh của quân Tây Sơn buổi đầu đóng ở Chợ Dinh ngày nay, do ông trực tiếp chỉ huy. Mùa xuân năm 1775, Tây Sơn Vương cử ông và Phan Văn Lân đem thuyền binh vào đánh chiếm Gia Định. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chạy về Trấn Biên (Biên Hòa). Nguyễn Lữ cho Phan Văn Lân chở lương thực và vũ khí lấy được về Quy Nhơn, một mình ở lại giữ thành. Năm 1783, Nguyễn Lữ được phong làm Tiết chế, cùng với Nguyễn Huệ đem binh thuyền đánh đuổi Nguyễn Ánh chạy qua Xiêm, và để Trương Văn Đa ở lại giữ Gia Định. Tình hình phương nam tạm yên.

Tới năm 1786, vua Thái Đức cử Nguyễn Huệ làm tiết chế đem quân ra đánh chiếm Phú Xuân; sai Nguyễn Lữ cùng đô đốc Nguyễn Văn Lộc đưa thuyền binh tiếp ứng. Hạ xong Phú Xuân, Nguyễn Lữ cùng Võ Văn Nhâm, Nguyễn Văn Lộc tiến quân ra đánh chiếm các doanh trại quân Trịnh từ Phú Xuân đến sông Gianh. Cả vùng Thuận Hóa thuộc về Tây Sơn.

Dẹp yên trong nam ngoài bắc, vua Thái Đức xưng hiệu Trung ương Hoàng Đế, phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương vào trấn thủ Gia Định (1787). Hơn một năm sau, Nguyễn Ánh từ Xiêm về chiếm lại được Gia Định. Đông Định Vương chạy về Quy Nhơn tạ lỗi với anh, rồi về thăm cố hương. Từ đấy không ai biết Vương đi đâu nữa.

  • Song Lộc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chùa Hang  (31/10/2006)
Đầm Thị Nại  (30/10/2006)
Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn  (27/10/2006)
Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương  (20/10/2006)
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Người soạn luật cho nhà Tây Sơn  (13/10/2006)
Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn   (09/10/2006)
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)