Phế tích hai tháp Tân Kiều, Chà Rây
11:17', 9/11/ 2006 (GMT+7)

Móng tháp Bình Lâm. Ảnh: B.P

Phế tích tháp Tân Kiều thuộc thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn). Tháp vốn được xây dựng trên một khu đất rộng, cao hơn các vùng xung quanh. Nhân dân địa phương thường gọi là Tháp Lở. Căn cứ vào nền móng và vật liệu xây dựng còn lại có thể hình dung Tân Kiều vốn là một quần thể kiến trúc tương đối lớn, ngoài tháp chính còn có những công trình kiến trúc phụ và cả một hệ thống tường bao bọc xung quanh. Trong đống gạch đá trên nền tháp vẫn có thể nhận ra một bệ thờ trong lòng tháp.

Cũng trên địa phận xã Nhơn Mỹ, tại xóm Lai Nghi cách đây không lâu, do nước sông xói lở và nhân dân đào đắp để xây dựng đã làm xuất lộ một tầng văn hóa dày trên dưới 1m. Dựa vào đó các nhà nghiên cứu đã phát hiện được một trung tâm sản xuất gốm Champa lớn. Khu di tích nằm dọc theo bờ Bắc sông Kôn dài trên 1.000m, rộng trên 200m. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở đây dấu vết 3 lò nung và vô số mảnh gốm, sản phẩm phế thải với loại hình, kiểu dáng rất phong phú. Có thể thấy đủ loại sản phẩm, từ đồ gốm gia dụng như chậu, thạp, nồi, bát, đĩa… đến vật liệu xây dựng như ngói mũi hài, các điểm góc trang trí.

Rất có thể những sản phẩm gốm ở đây đã được sử dụng trong các công trình kiến trúc Champa ở Bình Định. Phần lớn đồ gốm được sản xuất bằng kỹ thuật khá cao. Xương gốm cứng, men dày màu dày, bóng với nhiều sắc độ khác nhau. Phần lớn đồ gốm Lai Nghi được trang trí đẹp bằng kỹ thuật tạo hoa văn phong phú. Có sản phẩm hoa văn vẽ chìm rồi phủ men, có loại hoa văn đắp nổi. Cũng có không ít đồ gốm hoa văn được tạo bằng khuôn. Đề tài trang trí cũng hết sức đa dạng. Có hình rồng, chim, thú, mặt Kala. Đặc biệt những trang trí cánh sen kết dải, hoa lá uốn lượn tự do trông rất sinh động, đẹp mắt. Bên cạnh đó, còn có loại hoa văn sóng nước biến ảo, nhịp nhàng. Rất có thể Lai Nghi là trung tâm sản xuất gốm lớn và quan trọng nhất ở Đại Châu thời kỳ Vijaya.

 

Tháp Phước Lộc (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn). Ảnh: B.P

 

Còn phế tích tháp Chà Rây ở xã Nhơn Lộc, còn được gọi là tháp Hòn Nóc, nằm trên một khu đồi cao thuộc thôn Trảng Long. Dấu tích để lại là ba lò gạch lớn, vốn là vật liệu xây dựng của ba ngôi tháp đứng cạnh nhau đã bị sụp đổ. Tháp chính được xây dựng trên đỉnh đồi, móng rộng trên 10m. Hai tháp còn lại được xây cân đối hai bên nhưng ở nền sân thấp hơn nền tháp chính khoảng 3-4m. Người ta đã tìm thấy trong đống phế tích không ít mảnh tượng, phù điêu và các điểm trang trí góc.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ăn hàu ghềnh đá  (07/11/2006)
Thầy Tư Lữ  (03/11/2006)
Chùa Hang  (31/10/2006)
Đầm Thị Nại  (30/10/2006)
Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn  (27/10/2006)
Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương  (20/10/2006)
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Người soạn luật cho nhà Tây Sơn  (13/10/2006)
Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn   (09/10/2006)
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)