Núi Bà - Đá Vọng Phu
14:10', 16/11/ 2006 (GMT+7)

Ở vào phía Nam đầm Đạm Thủy, nằm trọn trên địa phận huyện Phù Cát, choán một diện tích ước chừng trên bốn chục cây số vuông, sừng sững một quần thể núi non mà từ bao đời nay được coi là danh sơn của Bình Định. Đó là núi Bà (Bà sơn).

Trong các sách cổ, núi Bà còn có tên chữ là Phô Chinh đại sơn. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: "Núi Bà ở phía đông nam huyện Phù Cát, có tên nữa là Phô Chinh, thế núi cao hùng vĩ, đỉnh núi có phiến đá lớn, bằng phẳng như cái mâm, chân núi có khối đá sừng sững như hình người, dân địa phương lập đền thờ, đảo vũ thường nghiệm".

Quần thể núi Bà có tới trên sáu chục ngọn cao, thấp khác nhau, trong đó nổi bật lên là hòn Hang Rái ở phía đông bắc, hòn Hèo ở phía Đông - Nam và đỉnh cao nhất, tới gần 900m, là hòn Chuông (Chung sơn) ở phía Tây. Nhìn từ xa, hòn Chuông có hình tròn trặn, trội vượt hẳn lên trông như hình một quả chuông úp. Nếu nhìn toàn cảnh núi Bà thì thấy vùng quanh hòn Chuông tương đối bằng phẳng, giống như một cái chiêng đồng úp sấp mà núm chiêng chính là hòn Chuông. Có lẽ bởi dáng núi như vậy mà người ta đã đặt tên chữ cho núi Bà là Phô Chinh đại sơn (nghĩa là núi lớn bày chiêng).

Quần thể núi Bà trùng trùng, điệp điệp trông xa như liền mạch, kết khối, nhưng tới gần thì xen giữa các sơn khối nhấp nhô là những thung lũng cây cối tốt tươi, bốn mùa được tưới mát bởi hàng chục khe, suối từ trong nguồn chảy ra. Dân trong vùng cư ngụ, làm ăn sinh sống trong các thung lũng này. Do vị thế hiểm trở, đường đi tới các thung lũng và qua lại giữa các thôn ấp phải vượt qua những đèo lởm chởm đá tai mèo với những cái tên đèo Nhở ở phía Bắc, đèo Lớn (hay còn gọi là đèo Tố Mộ) ở phía Nam, đèo Mũi Đá Giăng ở phía Đông…

Núi cao án ngữ gió biển khiến cho những động cát phía Đông dồn lại, lâu ngày nổi lên thành truông, vun lên thành gò. Địa hình đèo núi, cát đống mà thiên nhiên tạo ra như những khó khăn, thử thách với con người sinh sống ở đó, nhưng với tính tình lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, người Bình Định đã thể hiện chúng trong ca dao một cách trữ tình, nên thơ. Một trong những áng ca dao như thế còn lưu lại đến ngày nay là lời đối đáp của một đôi trai gái. Người con gái hát:

Anh về em cũng muốn theo,

Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm.

Chàng trai an ủi, vỗ về người yêu:

Đá dăm anh đã lượm rồi,

Còn truông cát nóng em bồi bùn non.

Núi Bà uy nghi, huyền diệu với bao điều kỳ bí mà mỗi nơi chốn, mỗi cái tên đều có một sự tích. Ở địa phận thôn Chánh Oai, trên một ngọn núi cao, có hai khối đá, một cao, một thấp trông tựa hình người. Từ phía biển nhìn vào giống như một người đàn bà tay dắt đưa con đang ngóng nhìn ra phía khơi xa. Dân địa phương gọi đó là hòn Vọng Phu. Tác phẩm như có hồn của tạo hóa đã khiến con người phải động lòng. Khối đá xanh đứng hoài dưới nắng mưa, thi gan cùng năm tháng đã biểu tượng cho lòng chung thủy của nghĩa vợ chồng trong tâm thức dân gian. Nó cũng giống như hòn Tô Thị gần Tam Thanh xứ Lạng. Có điều sự tích vợ ngóng chờ chồng thì mỗi nơi một khác. Nàng Tô Thị ở Lạng Sơn phải chia lìa với chồng do loạn lạc, chiến tranh. Chồng nàng chẳng biết đang phải trấn thủ, lưu đồn nơi nào mà biệt âm vô tín, khiến cho nàng phải bồng con ngóng đợi cho đến ngày hóa đá.

Hòn Vọng Phu ở Bình Định lại là hóa thân của một phụ nữ gặp cảnh đời éo le. Sự tích kể lại rằng, từ thuở xa xưa có một gia đình chỉ sinh được hai người con, một trai, một gái. Lúc còn nhỏ tuổi, người anh lỡ tay làm người em bị vỡ đầu, máu ra lênh láng. Sợ quá, người con trai bỏ nhà trốn đi biệt xứ. Thế rồi năm tháng qua đi, sự đời trớ trêu lại se kết họ nên duyên vợ chồng. Hạnh phúc giản dị và êm đềm đã đến với họ, nhất là sau khi hai người sinh hạ được một đứa con. Nào ngờ đến một ngày nọ, người chồng tình cờ phát hiện ra rằng người vợ chính là em gái ruột của mình.

Đau đớn và ân hận đến khôn cùng, người chồng đành lặng lẽ bỏ đi không một lời giã biệt. Không mảy may hay biết về duyên cớ ra đi của chồng, người phụ nữ thương nhớ khôn nguôi mới dắt con lên ngọn núi ngóng trông cho đến khi hóa thành đá. Có lẽ chẳng mấy ai tin vào tính xác thực của sự tích huyền thoại này, nhưng nó cứ được truyền từ đời này qua đời khác như một lời nhắc nhở và gửi gắm vào đó sự cảm phục đức thủy chung, một phẩm hạnh có thực của người phụ nữ Việt Nam.

Núi Bà được biết đến nhờ thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú và những nơi linh địa, nhưng sự nổi tiếng của quần thể núi này phần nhiều lại do những gì con người làm ra. Núi Bà đã chứng kiến tất cả những bước thăng trầm của lịch sử quê hương, còn mang trong mình biết bao di tích lịch sử. Nơi đây còn giữ lại những phế tích cổ kính từ thuở Bình Định còn là Chiêm đô, những dấu ấn đậm nét của phong trào Tây Sơn quật khởi và đặc biệt là chứng tích một căn cứ cách mạng quan trọng trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong lòng người dân Bình Định, núi Bà dường như đã trở thành một trong những biểu tượng của quê hương, của niềm tin và lòng tự hào.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người làm nên trận thắng oanh liệt cuối cùng cho nhà Tây Sơn   (10/11/2006)
Phế tích hai tháp Tân Kiều, Chà Rây  (09/11/2006)
Ăn hàu ghềnh đá  (07/11/2006)
Thầy Tư Lữ  (03/11/2006)
Chùa Hang  (31/10/2006)
Đầm Thị Nại  (30/10/2006)
Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn  (27/10/2006)
Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương  (20/10/2006)
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Người soạn luật cho nhà Tây Sơn  (13/10/2006)
Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn   (09/10/2006)
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)