Dấu tích Chiêm đô trên đất Bình Định
13:51', 20/11/ 2006 (GMT+7)

Nghiên cứu khoa học ngày nay cho biết rằng cư dân lâu đời của dải đất miền Trung, trong đó có Bình Định, là chủ nhân một nền văn hóa được đặt tên là văn hóa Sa Huỳnh. Những dấu vết đầu tiên của nền văn hóa này lần đầu tiên được biết đến nhờ các cuộc khai quật của một nhà khảo cổ học nữ, bà Labarre, vào năm 1909. Sau đó, năm 1924, H. Parmantire tập hợp lại, cho công bố trên tạp chí của trường Viễn Đông Bác Cổ.

 

Theo quan điểm của các chuyên gia, văn hóa Sa Huỳnh thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, có niên đại vào giữ thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên. Tuy nhiên, tổ tiên của chủ nhân nền văn hóa này là ai? Những dạng thức văn hóa nào đã phát triển lên thành Sa Huỳnh? Đang là những câu hỏi lớn đặt ra cho giới khảo cổ học tiếp tục đi sâu nghiên cứu.

Vào cuối những năm 70, một số cuộc khai quật khảo cổ được tiến hành trên đất Bình Định đã có những đóng góp quan trọng. Kết quả khai quật các di chỉ ở Long Thạnh và Bình Châu vào năm 1978 đã hé mở những khả năng hiểu sâu thêm về thời kỳ tiền Sa Huỳnh. Di chỉ Long Thạnh được đoán định vào sơ kỳ thời đại đồ đồng thau, có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500-4.000 năm. Đây là di chỉ khảo cổ liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh sớm nhất mà khoa học biết đến. Di chỉ Bình Châu ở vào giai đoạn muộn hơn, thuộc Trung kỳ đồng thau, cũng cách ngày nay tới trên dưới 3.000 năm.

Vào cuối năm 1979, trên một trảng cát gần đầm Trà Ổ có tên gọi Truông Xe (thuộc xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ), các nhà khảo cổ lại phát hiện thêm một di chỉ thuộc thời kỳ tiền Sa Huỳnh. Trong tầng văn hóa, người ta tìm thấy những mảnh gốm màu nâu đỏ, nâu xám, xương gốm có lẫn cát và vỏ nhuyễn thể với trang trí chủ yếu là văn thừng, khắc vạch, chấm vải và một ít ô trám. Đó là mảnh vỡ của các bình, lọ và nắp vò. Phân tích kỹ thuật cho thấy những loại gốm này độ nung không cao. Ngoài gốm, trong di chỉ còn tìm được rìu đá, đục, bàn mài và chày nghiền. Dựa vào loại hình và kết cấu địa tầng, có thể đoán định niên đại của di chỉ này vào khoảng 3.000 năm.

Không nghi ngờ gì nữa, cách đây vào trên dưới 4.000 năm, trên đất Bình Định ngày nay đã có người cổ sinh sống. Họ là một trong những nhóm cư dân xây nền đắp móng cho văn hóa Sa Huỳnh. Rất có thể đó chính là những nhóm người thuộc bộ lạc Dừa mà các bi và truyện cổ dân gian Chàm đã nhắc đến.

Vào năm 111 trước Công nguyên, sau khi đánh bại nước Nam Việt của họ Triệu, giành quyền cai trị nước Âu Lạc, nhà Hán đã cho quân tiến sâu xuống phương Nam, chiếm lấy địa bàn cư trú của bộ lạc Dừa, lập ra quận Nhật Nam. Trong suốt thời gian gần 3 thế kỷ, nhân dân vùng này đã cùng chung cảnh ngộ với dân Việt hai quận Giao Chỉ và Cửu Châu, bị đô hộ bởi chính quyền Hán tộc ở Giao Châu và cũng đã nhất tề nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Cuối thế kỷ thứ II, đời Sơ Bình (190-193), nhân Trung Quốc có loạn, nhân dân bộ lạc Dừa, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên, đã nổi dậy chống lại ách cai trị của chính quyền đô hộ, lập ra một quốc gia độc lập có tên gọi trong các thư tịch cổ Trung Quốc là Lâm ấp, sau này được gọi là Champa trong các bi cổ. Kết hợp với những cư dân ở phía Nam đèo Cù Mông, thuộc bộ lạc Cau, từ đầu thế kỷ thứ VI đến đầu thế kỷ thứ VIII, dưới vương triều Gangaraja, Champa bước vào giai đoạn phát triển khá mạnh mẽ. Lúc này kinh đô của Champa được xây dựng tại thành phố Indrapura (thành phố Sư tử). Các nhà nghiên cứu cho rằng kinh đô đó tương ứng với Trà Kiệu, một địa điểm gần bờ nam sông Thu Bồn, thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là thời kỳ ưu thế chính trị thuộc về bộ phận quý tộc phía Bắc. Ở phía Tây kinh thành (tương đương với vùng Mỹ Sơn), một thánh địa lớn được xây dựng.

Nhưng từ giữa thế kỷ VIII, quyền lực dần chuyển về tay các quý tộc Nam Champa và kinh đô cũng được chuyển vào Panduranga (Phan Rang). Chính vì vậy mà lịch sử Champa giai đoạn từ giữa thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ IX thường được gọi là thời kỳ trị vì của vương triều Panduranga. Một trung tâm tôn giáo mới cũng được xây dựng ở Kauthara (Nha Trang), được gọi là Po Nagar (đền thờ quốc Vương).

Sang đến giữa thế kỷ IX, ưu thế chính trị lại một lần nữa thuộc về Bắc Champa. Một thành phố mới mang tên thần Indra (Indrapura) lại được xây dựng ở phía Bắc làm kinh đô. Địa điểm kinh đô mới này thuộc địa phận làng Đồng Dương (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), trên bờ sông Ly Ly (một nhánh sông Thu Bồn), cách Trà Kiệu khoảng 15km về phía Đông - Nam.

Sau khi vương triều Indrapura chấm dứt vào khoảng năm 982-983, kinh đô được dời chuyển vào Vijaya (Chà Bàn). Từ đây, vùng đất Bình Định xưa trở thành đế đô của vương quốc Champa và phát triển phồn thịnh cho đến tận năm 1471. Trong thời gian trên dưới năm thế kỷ, biết bao thăng trầm của lịch sử đã diễn ra trên vùng đất này.

Champa là quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh Ấn Độ. Nhưng bằng sức lao động và óc sáng tạo, người Champa cổ đã kết hợp nhiều yếu tố tiếp thu được với bản sắc riêng của mình tạo nên một nền văn hóa độc đáo. Trên đất Bình Định nay còn để lại không ít di tích của một thời vàng son, mà điển hình là hệ thống tháp cổ với 8 cụm tháp gồm 14 ngôi tháp độc đáo và bí ẩn.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có một “Triệu Tử Long” thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Núi Bà - Đá Vọng Phu  (16/11/2006)
Người làm nên trận thắng oanh liệt cuối cùng cho nhà Tây Sơn   (10/11/2006)
Phế tích hai tháp Tân Kiều, Chà Rây  (09/11/2006)
Ăn hàu ghềnh đá  (07/11/2006)
Thầy Tư Lữ  (03/11/2006)
Chùa Hang  (31/10/2006)
Đầm Thị Nại  (30/10/2006)
Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn  (27/10/2006)
Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương  (20/10/2006)
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Người soạn luật cho nhà Tây Sơn  (13/10/2006)
Làng Phú Lạc - quê ngoại các lãnh tụ Tây Sơn   (09/10/2006)
Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi  (03/10/2006)