Gò Đá Đen
14:6', 27/11/ 2006 (GMT+7)

Gò Đá Đen là một địa điểm luyện tập và xuất binh của nghĩa quân Tây Sơn, trước kia thuộc địa phận thôn Kiên Mỹ ấp Kiên Thành, phủ Quy Nhơn, nay thuộc địa phận khối I thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Di tích hiện nay nằm cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 500m về phía bắc.

Kiên Mỹ không chỉ là nơi gắn bó với các lãnh tụ Tây Sơn từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành mà còn là một trong những căn cứ buổi đầu của phong trào Tây Sơn. Năm 1771 sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn thượng đạo. Năm 1773, từ thượng đạo nghĩa quân tiến xuống giải phóng vùng Tây Sơn hạ đạo và đóng chỉ huy sở ở ấp Kiên Thành mà trung tâm là thôn Kiên Mỹ.

Đây là một quyết định sáng suốt, nhất là trong những ngày đầu khi cuộc khởi nghĩa mới được phát động, lực lượng còn chưa mạnh. Một mặt vì đây là mảnh đất quê hương của các lãnh tụ nghĩa quân, nhưng mặt khác cũng rất quan trọng, là vị trí thuận lợi của Kiên Mỹ. Nằm dưới chân đèo An Khê bên tả ngạn sông Kôn, Kiên Mỹ là một đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện. Từ Kiên Mỹ có thể theo đường bộ qua An Khê, theo đường thủy ngược sông lên vùng đồng bào Thượng, hoặc xuôi xuống vùng đồng bằng, ra đến ven biển.

Sau một thời gian ngắn củng cố thêm lực lượng, từ ấp Kiên Thành nghĩa quân tiến xuống đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, tạo nên một bước ngoặt trong toàn bộ tiến trình phát triển của cuộc khởi nghĩa. Thôn Kiên Mỹ - ấp Kiên Thành với tư cách là đại bản doanh, điểm xuất phát của nghĩa quân tiến xuống giải phóng vùng đồng bằng, có một vị trí hết sức quan trọng.

Trên đất Kiên Mỹ nay vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử gắn bó với các lãnh tụ Tây Sơn cũng như đối với cả phong trào Tây Sơn. Ngoài cây me cổ thụ, giếng nước xưa, bến Trường Trầu, còn có vườn Dinh, vi Tập Binh, vi Cấm Cố, gò Đá Đen, gò Cứt Cu…

Vườn Dinh ở phía đông khu Bảo tàng Quang Trung hiện nay, tương truyền là doanh trại trung tâm, tức sở chỉ huy của quân Tây Sơn.

Vi Tập Binh ở phía bắc vườn Dinh, tương truyền là khu vực đóng quân.

Vi Cấm Cố tương truyền là trại giam tù binh.

Gò Đá Đen và gò Cứt Cu ở phía bắc khu Bảo tàng Quang Trung hiện nay, tương truyền là nơi luyện tập của nghĩa quân.

Gò Đá Đen là một bãi đất cao và rộng. Đây vốn là một khu rừng hoang có diện tích ước khoảng 5 ha chạy dài từ Phú Lạc đến giáp Bầu Đáo. Giữa gò nổi lên một tảng đá rất lớn có màu đen nhánh, vì thế mà nhân dân gọi gò này là gò Đá Đen.

Thời gian, chiến tranh, sự trả thù của nhà Nguyễn, cũng một phần vì nghĩa quân dừng lại ở đây không lâu, nên nay những dấu tích gắn với hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn, ngoài những địa danh được ký ức dân gian lưu giữ, hầu như không còn gì. Khu vực bãi bãi đất gò Đá Đen bị thu hẹp chỉ còn khoảng 2 ha, do nhân dân đào đất đóng gạch, lấy đá xây dựng nhà. Tảng đá đen lớn cũng bị ghè đẽo nham nhở.

Trở về mảnh đất phát tích của phong trào Tây Sơn, một phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử nước ta, đến thăm Bảo tàng Quang Trung, được nhìn những hiện vật quý giá, được nghe những lời thuyết minh truyền cảm, nhưng sẽ còn thấm thía hơn, hấp dẫn hơn, sinh động hơn nếu được tận mắt đến thăm những di tích ngoài thuộc địa và nghe các cụ già kể về sự tích bến Trường Trầu, về vườn Dinh, vi Tập Binh, vi Cấm Cố, gò Đá Đen.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Nhạc và gươm thần Pra Khan  (24/11/2006)
Dấu tích Chiêm đô trên đất Bình Định  (20/11/2006)
Có một “Triệu Tử Long” thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Núi Bà - Đá Vọng Phu  (16/11/2006)
Người làm nên trận thắng oanh liệt cuối cùng cho nhà Tây Sơn   (10/11/2006)
Phế tích hai tháp Tân Kiều, Chà Rây  (09/11/2006)
Ăn hàu ghềnh đá  (07/11/2006)
Thầy Tư Lữ  (03/11/2006)
Chùa Hang  (31/10/2006)
Đầm Thị Nại  (30/10/2006)
Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn  (27/10/2006)
Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương  (20/10/2006)
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Người soạn luật cho nhà Tây Sơn  (13/10/2006)