Tân phủ Càn Dương
11:2', 28/11/ 2006 (GMT+7)

Tháng 9 năm 1773 quân Tây Sơn từ vùng Tây Sơn hạ đạo tiến đánh phủ thành Quy Nhơn (thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn) giành thắng lợi vang dội. Chiến thắng này mở đường cho phong trào Tây Sơn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngay sau khi hạ được phủ thành Quy Nhơn, thừa thắng Nguyễn Nhạc dẫn quân đánh chiếm các kho Càn Dương và Đạm Thủy, biến toàn bộ phủ Quy Nhơn thành căn cứ địa vững chắc của nghĩa quân Tây Sơn, mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào.

Xét thấy phủ thành cũ ở thôn Châu Thành không còn phù hợp với những yêu cầu mới, Nguyễn Nhạc sau khi chiếm được kho Càn Dương đã cho xây dựng ở nơi đây một phủ thành mới, gọi là Tân phủ Càn Dương. Vị trí kho Càn Dương và Tân phủ Càn Dương của quân Tây Sơn thuộc thôn Trường Thạnh, trước đây thuộc tổng Trung An, huyện Phù Cát, sau thuộc tổng Chánh Lộc, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, nay thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Núi Càn Dương là một hệ thống núi non trùng điệp kéo dài suối từ ven biển gần Cửa Thử cho đến tận gần Quốc lộ 1 hiện nay. Thôn Trường Thạnh nằm sát chân núi Càn Dương. Đến khoảng đầu đời Gia Long, phủ lỵ Quy Nhơn không đóng ở thôn Trường Thạnh nữa mà dời tới phường Vĩnh Phú, huyện Phù Ly, nay thuộc xã Cát Thắng (Phù Cát), cách Tân phủ Càn Dương khoảng 3 km về phía Tây. Điều này cùng với thời gian và nhiều biến động tự nhiên xã hội khác, làm cho dấu tích của Tân phủ Càn Dương xưa bị mai một đi nhiều.

Tại di tích Tân phủ Càn Dương còn có các dấu vết công trình như:

Nền Dinh: Nơi quân Tây Sơn cho xây dựng dinh thự chính của Tân phủ Càn Dương. Trên nền Dinh hiện còn nhiều gạch gói vụn, phế tích của dinh thự bị tàn phá, song không còn vết tích nguyên vẹn của bất kỳ một công trình kiến trúc nào.

Nền Kho (Gò Kho) nằm cách Dinh 200m về phía Đông Nam, nơi xưa kia quân Tây Sơn đã cho xây dựng một hệ thống kho tàng khá lớn. Hòn Đá Đài: Một quả núi cao nhất thuộc một dãy núi đá nhỏ án ngữ phía Tây và Tây Nam khu vực phủ lỵ xưa. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì, tương truyền xưa kia trên đỉnh núi này nghĩa quân đặt đài quan sát.

Lũy đất: Phủ lỵ được bảo vệ bằng một hệ thống lũy đất đắp khá kiên cố bao lấy mặt Đông Nam. Đó là một bức tường hình cánh cung, chạy suốt từ mỏm núi phía đông phủ lỵ cho đến tận nơi gặp suối. Chiều dài của lũy đo được là 300m. Lũy được đắp cao so với mặt đất phía ngoài. Mặc dù đã bị vạt thấp để canh tác và có lẽ cũng đã bị gió mưa xói mòn, mặt lũy vẫn còn cao hơn mặt bằng ngoài lũy tới 4m. Mặt lũy hiện còn khá rộng, đo được 7m, và chỉ cao hơn nền phía trong của lũy 0,8m. Từ đây nền được bạt thoải dần vào trong. Cấu trúc lũy như vậy rất thuận tiện cho việc di chuyển của các chiến sĩ lên xuống mặt lũy.

Trại lính: Dấu vết trại lính nằm sát chân núi phía Đông Bắc phủ lỵ, di tích còn lại là bậc tam cấp bằng đá của ba công trình kiến trúc cũ, chiều dài trung bình của mỗi bậc dài khoảng 5m và bậc nọ cách bậc kia 0,4m.

Bàu tắm voi: Nơi tắm voi của quân Tây Sơn, ở cách nền Dinh không xa. Bàu này nay đã cạn. Đáy bàu thỉnh thoảng người ta vẫn đào được từng đoạn dây chão rất chắc.

Bắt đầu bằng việc đánh chiếm kho Càn Dương, quân Tây Sơn đã nhanh chóng nhận ra vị trí chiến lược của nơi này và gấp rút chuyển phủ lỵ Quy Nhơn về đây. Sách Đại Nam nhất thống chí nhận xét: "Phủ mới này cùng thành Quy Nhơn hai bên làm thế nương tựa lẫn nhau". Nhận xét như vậy là hoàn toàn có cơ sở. Tân phủ Càn Dương có dãy núi Càn Dương trùng điệp ở mặt bắc kéo dài cho tới tận biển có dãy núi đá nhỏ án ngữ phía Tây và Tây Nam nơi quân Tây Sơn đặt đài quan sát này có thể nhìn xa về phía biển tới Cửa Thử. Qua núi Càn Dương từ đây cũng có thể tiếp cận tới kho Đạm Thủy (nay thuộc xã Cát Minh cùng huyện Phù Cát) hoặc tới tận Đề Gi. Và đặc biệt là hệ thống sông núi rất tiện cho việc giao thông. Phía sau khu dinh thự (nền Dinh) sát chân núi Càn Dương có một con suối lớn. Con suối này chảy men theo núi về phía đông chừng 100m thì rẽ xuống phía Nam hòa với một con suối khác chảy từ hướng Đông Bắc lại rồi cùng chảy ra sông Cây Bông. Con suối cạnh phủ xưa rất sâu và rộng. Sông Cây Bông xưa cũng là một con sông khá lớn. Vì thế mà thuyền bè xưa có thể từ biển qua Cửa Thử vào sâu trong đất liền, qua sông Cây Bông rồi theo hệ thống suối lớn tiến sát vào cạnh phủ. Từ phủ mới này có thể đến thành Hoàng Đế bằng cả đường bộ và đường thủy.

Như vậy Tân phủ Càn Dương là một vị trí trọng yếu trong hệ thống phòng thủ ven biển của quân Tây Sơn. Nó vừa là một căn cứ thủy bộ kết hợp để tập kết và làm căn cứ xuất phát cho nghĩa quân, vừa là nơi được dùng làm phủ lỵ. Phủ thành này được quân Tây Sơn sử dụng một cách hiệu quả trong suốt thời gian tồn tại của phong trào. Nơi đây chứng kiến cảnh quân Tây Sơn sau trận toàn thắng san bằng phủ thành Quy Nhơn ào ào xông tới phá toan cánh cửa các kho tàng của chúa Nguyễn lấy thóc gạo chia cho dân nghèo. Hai mươi năm sau, năm Quý Hợi (1793) cũng chính nơi đây lại chứng kiến những trận đánh ác liệt của quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh.

Bên cạnh nền Dinh có một ngôi chùa lớn tên là Bảo Lâm tự. Nhân dân quen gọi là chùa Phủ Ao (vì chùa này được xây dựng ngay cạnh nền dinh của Phủ Ao, tên gọi dân gian của Tân phủ Càn Dương). Chùa vốn gọi là chùa Bảo Phong được xây cất từ lâu ở trên núi, khoảng ngang với hòn đá Chẹt đi lên. Đến những năm 70 của thế kỷ 19 mới được dời đến vị trí hiện nay.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gò Đá Đen  (27/11/2006)
Nguyễn Nhạc và gươm thần Pra Khan  (24/11/2006)
Dấu tích Chiêm đô trên đất Bình Định  (20/11/2006)
Có một “Triệu Tử Long” thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Núi Bà - Đá Vọng Phu  (16/11/2006)
Người làm nên trận thắng oanh liệt cuối cùng cho nhà Tây Sơn   (10/11/2006)
Phế tích hai tháp Tân Kiều, Chà Rây  (09/11/2006)
Ăn hàu ghềnh đá  (07/11/2006)
Thầy Tư Lữ  (03/11/2006)
Chùa Hang  (31/10/2006)
Đầm Thị Nại  (30/10/2006)
Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn  (27/10/2006)
Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương  (20/10/2006)
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)