Chuyện tình của một vị tướng
8:58', 1/12/ 2006 (GMT+7)

Lê Văn Hưng vốn quê ở làng Kiên Dõng, huyện Tuy Viễn. Nhà nghèo, cha mẹ lại đau yếu nên thuở nhỏ ông ít được học hành, phải chăn trâu cắt cỏ thuê để kiếm sống, làm lụng vất vả kiếm tiền thuốc thang cho cha mẹ. Hưng vốn tính dũng cảm, nhanh nhẹn, một mình đánh thắng mười trẻ chăn trâu trong vùng. Về sau, Hưng được một nhà sư ở Thiên Thai Tự truyền dạy võ nghệ. Hưng lại thường tụ tập các trai tráng quen thân, tổ chức thành toán cướp chuyên đi vào Phú Yên hay các huyện xa, cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo. Sau vì đánh chết một tay cường hào ức hiếp dân, Hưng bị truy lùng, trốn lên An Khê và theo Nguyễn Nhạc.

Buổi đầu ứng nghĩa, Hưng chỉ là lính mộ. Sau, ông được cử làm đội trưởng rồi thăng dần lên. Tới ngày khởi nghĩa, Hưng đã là đề đốc, đứng sau đô đốc Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng. Khi nhà Tây Sơn mở rộng địa bàn về phía Nam, Hưng cầm binh trấn giữ Diên Khánh, đánh đuổi quân Nguyễn Ánh nhiều lần, quân Nam gọi ông là “Lê vô địch”. Về sau, Hưng theo vua Quang Trung ra Phú Xuân, khi nhà vua qua đời, ông tiếp tục phò tá Cảnh Thịnh, vinh quang tột bực.

Người ta kể rằng, thuở chưa thành danh, còn phiêu bạt chốn giang hồ, Hưng thường qua lại nhà cự phú họ Dương. Nhà này có cô tớ gái xinh đẹp, tên là Ngọc Bích. Nàng cảm mến Hưng, Hưng thương phận nàng, hai người thề thốt nặng lời. Trước khi chia tay lên đường tụ nghĩa, Hưng tặng nàng chiếc nhẫn vàng và hẹn 5 năm sau, tới ngày này, sẽ về cưới nàng làm vợ. Thế rồi, do mải chinh chiến, tới ngày hẹn, Hưng không thấy về. Ngọc Bích sầu muộn, lặng lẽ nhịn ăn mà chết. Đang cầm quân trấn giữ Diên Khánh, được tin Hưng buồn khôn xiết. Có người giúp Hưng gọi hồn nàng về. Hồn người xưa nói: mười ba năm sau tái ngộ làm hầu thiếp.

Tới thời Hưng làm Chủ sự Bộ Binh ở Phú Yên, nhân sinh nhật Hưng, một thương nhân họ Phan do tri ân quan Chủ sự, đã tặng một ca kỹ tuyệt thế giai nhân, cũng tên Ngọc Bích. Hưng bàng hoàng khi thấy nàng phảng phất giống Ngọc Bích ở nhà họ Dương xưa. Nhớ lại lời cầu hồn ở Diên Khánh, Hưng thầm nghĩ đây là chuyện hy hữu trên đời, hạnh phúc hiếm có.

Là người trung thực, thẳng thắn, Lê Văn Hưng ngày càng thấy rõ lòng dạ Bùi Đắc Tuyên, nên ra mặt phản ứng. Để hãm hại Hưng, Tuyên tâu vua cử Hưng mang quân vào đánh chiếm Phú Yên. Sau chiến thắng, Lê Văn Hưng về Phú Xuân báo tiệp, thì bị Tuyên quy tội chưa có lệnh vua đã rút, ý muốn tạo phản. Vua Cảnh Thịnh mới 15 tuổi, biết đâu phải trái, y lời Tuyên tâu, sai chém. Ngô Văn Sở và Trần Văn Kỷ can mãi không được.

Nghe tin dữ, Ngọc Bích khóc than khôn xiết. Nàng lập bàn thờ tế chồng, rồi lấy dải lụa hồng Hưng tặng ngày đón nàng về dinh, treo cổ tự vẫn.

  • Song Lộc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tân phủ Càn Dương  (28/11/2006)
Gò Đá Đen  (27/11/2006)
Nguyễn Nhạc và gươm thần Pra Khan  (24/11/2006)
Dấu tích Chiêm đô trên đất Bình Định  (20/11/2006)
Có một “Triệu Tử Long” thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Núi Bà - Đá Vọng Phu  (16/11/2006)
Người làm nên trận thắng oanh liệt cuối cùng cho nhà Tây Sơn   (10/11/2006)
Phế tích hai tháp Tân Kiều, Chà Rây  (09/11/2006)
Ăn hàu ghềnh đá  (07/11/2006)
Thầy Tư Lữ  (03/11/2006)
Chùa Hang  (31/10/2006)
Đầm Thị Nại  (30/10/2006)
Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn  (27/10/2006)
Chiến mã đưa chủ tướng về cố hương  (20/10/2006)
Đảo Yến Quy Nhơn  (19/10/2006)