Bàu Sấu
16:48', 6/12/ 2006 (GMT+7)

Một trong những căn cứ của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng được xây dựng ở núi Kỳ Đồng (nay thuộc ba thôn Tây Đức, Đại An và Thiết Tràng, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn). Tại địa phương núi còn có tên gọi là Bà Lam. Giống như những hòn độc sơn ở quanh vùng, núi Kỳ Đồng không cao lắm, chỉ chừng gần trăm thước. Bên trên toàn sỏi đá, không có cây lớn. Khắp nơi chỉ toàn sim mua mọc thành từng bụi um tùm. Hình thế núi dài thoai thoải. Nếu nhìn từ phía Tây lại, dải núi như nối liền với các gò đồng nhấp nhô tạo thành dáng một con rồng đang uốn khúc. Có lẽ bởi hình thù như vậy nên những người có con mắt phong thủy gọi núi này là Thanh Long (Rồng Xanh). Núi nằm sát bờ phía Tây sông La Vĩ, nhìn qua bờ bên kia là thành cổ Đồ Bàn.

Dưới chân núi phía Tây có một bàu nước rộng và sâu, tên chữ là Ngạc Đàm, tục danh gọi là Bàu Sấu. Nhân dân địa phương giải thích sỡ dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia trong bàu có cá sấu. Lâu ngày, trải qua nhiều trận lụt,cá sấu theo nước bỏ đi nơi khác. Bàu Sấu cũng là nơi nổi tiếng có nhiều cá, nhất là cá chép. Cá chép ở đây rất lớn và có màu sắc lạ. Vảy ánh như đồng và đôi mắt thì đỏ rực. Mặc dù núi Kỳ Đồng được coi là một trong "Tứ Linh", tọa lạc ven một bàu nước rộng mênh mông nên được gán cho hình tượng "Thanh long ẩm thủy" (Rồng xanh uống nước) và Ngạc Đàm cũng có thể được gọi là một thắng cảnh đẹp trong vùng, nhưng Bàu Sấu nổi tiếng và đi vào sử sách là vì nơi đây đã diễn ra một sự kiện bi hùng, gắn liền với tên tuổi của vị nguyên soái anh hùng Mai Xuân Thưởng.

Đầu năm 1887, quân Pháp phối hợp với quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy đã tiến công trên quy mô lớn vào các căn cứ của nghĩa quân Cần Vương. Do chênh lệch về lực lượng và vũ khí, nhiều vị trí hiểm yếu bị mất vào tay giặc. Trước tình thế ấy, Mai Xuân Thưởng quyết định tổ chức một trận sống mái với quân thù. Ông đã chọn Bàu Sấu làm nơi bày trận. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã chiến đấu vô cùng dũng cảm với quân địch suốt hai ngày đêm. Cuối cùng vì quân địch quá đông lại được yểm trợ bằng hỏa lực mạnh, nghĩa quân không chống đỡ nổi. Quân ta bị tổn thất lớn. Ngay cả chủ soái Mai Xuân Thưởng cũng bị trọng thương. Ông đã phải cùng với tàn quân mở đường máu rút lui về mật khu Linh Đổng, quyết chí xây dựng lại lực lượng chờ ngày phản công.

Nhưng ý chí phục thù của Mai nguyên soái đã không thực hiện được. Quân thù đã thẳng tay đàn áp, dìm dân trong bể máu. Chúng đã không từ các thủ đoạn hèn hạ, bắt giam mẹ già của Mai Xuân Thưởng. Ông đã sa vào tay giặc ngày 4 tháng 5 năm 1887 và hơn một tháng sau bị xử trảm. Trong bài văn tế người anh hùng họ Mai có đoạn viết:

Đuối tay kinh tế, hàng văn thân bóng khép Đồng Hưu.

Kết trận thư hùng, đoàn nghĩa sĩ máu trôi Bàu Sấu.

Bàu Sấu đã trở thành nơi chứng kiến trận chiến quyết tử cuối cùng của Mai Xuân Thưởng cùng các chiến binh yêu nước. Di tích đồn lũy tại căn cứ Kỳ Đồng, Bàu Sấu sau này đã bị thực dân Pháp cho san phẳng, không còn để lại dấu vết gì, nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm vì độc lập của tổ quốc của những người con anh dũng sẽ được ghi tạc mãi mãi trong lòng dân.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa  (01/12/2006)
Chuyện tình của một vị tướng  (01/12/2006)
Tân phủ Càn Dương  (28/11/2006)
Gò Đá Đen  (27/11/2006)
Nguyễn Nhạc và gươm thần Pra Khan  (24/11/2006)
Dấu tích Chiêm đô trên đất Bình Định  (20/11/2006)
Có một “Triệu Tử Long” thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Núi Bà - Đá Vọng Phu  (16/11/2006)
Người làm nên trận thắng oanh liệt cuối cùng cho nhà Tây Sơn   (10/11/2006)
Phế tích hai tháp Tân Kiều, Chà Rây  (09/11/2006)
Ăn hàu ghềnh đá  (07/11/2006)
Thầy Tư Lữ  (03/11/2006)
Chùa Hang  (31/10/2006)
Đầm Thị Nại  (30/10/2006)
Người mở đường Trường Sơn thời Tây Sơn  (27/10/2006)