Đại tư mã Ngô Văn Sở là một vị tướng nổi tiếng dưới thời Quang Trung, người trực tiếp chỉ đạo phái đoàn của “Vua Quang Trung” giả sang Trung Quốc năm 1790 để làm công tác ngoại giao…
Ngô Văn Sở còn có tên là Ngô Hồng Chấn và Ngô Văn Tàng, xuất thân từ một dòng họ lớn, nhiều đời làm tướng ở Trảo Nha, Thạch Hà, Nghệ An. Từ con đường nào, lúc nào mà ông đến với phong trào Tây Sơn thì chưa ai biết. Nhưng nói đến công cuộc phá Nguyễn, diệt Trịnh, đánh đuổi Mãn Thanh xâm lược, thống nhất đất nước và giữ yên 13 trấn Bắc Hà dưới thời Nguyễn Huệ - Quang Trung, thì không thể không nói đến vai trò của Ngô Văn Sở.
Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân mang quân ra Nghệ An, hợp sức cùng Võ Văn Nhậm tiến ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh và các thế lực Lê - Trịnh chống đối, Ngô Văn Sở tỏ ra là một tướng cầm quân dũng cảm, mưu lược, đánh đâu thắng đấy. Khi Ngô Văn Sở tiến đến sông Thanh Quyết (ở cách huyện Gia Viễn 18 dặm về phía bắc), Nguyễn Hữu Chỉnh đem hết quân ở Thăng Long và tướng các đạo hơn 3 vạn, đóng ở bờ bắc sông Thanh Quyết đắp lũy cố thủ. Lại sai Hữu Du mang hơn 500 chiến thuyền đóng ở cửa sông đối nhau với quân Tây Sơn.
Đêm, quân Tây Sơn ngầm lặn xuống nước dùng thừng dài buộc thuyền của Hữu Du kéo sang bờ nam. Quân trong thuyền kinh sợ chạy trốn, tranh nhau nhảy xuống nước, bị quân Tây Sơn lấy sạch thuyền và vũ khí, Nguyễn Hữu Chỉnh không chống cự nổi, bị bắt, giết. Lê Chiêu Thống phải bỏ chạy khỏi Thăng Long. Triều Lê đến đây bị xóa bỏ hẳn. Võ Văn Nhậm lại tỏ ra kiêu ngạo, có ý mưu phản, đầu tháng 5/1788, Nguyễn Huệ đem quân ra diệt Nhậm, phong cho Ngô Văn Sở làm Đại tư mã thống lĩnh quân đội, tổng quản mọi công việc ở Bắc Hà. Các tác giả sách Hoàng Lê nhất thống chí cho biết: Từ khi ấy, trên rừng dưới biển hễ có ai dám ngang ngạnh, Sở chỉ cần sai một viên tì tướng đi đánh là dẹp tan được ngay. Các phủ huyện có đệ án kiện giấy tờ lên thì Sở cứ theo việc mà xử không để ứ đọng.
Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào xâm lược nước ta. Bấy giờ Ngô Văn Sở với cương vị là chủ soái ở Bắc Hà đã sáng suốt nghe theo ý kiến của Ngô Thì Nhậm, chủ động và hết sức mau lẹ, mưu trí thực hiện cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng. Lại lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, chuẩn bị chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi để Quang Trung từ Phú Xuân đem đại quân ra đánh một đòn sấm sét vào bọn xâm lược, đuổi chúng và bọn phản quốc ra khỏi bờ cõi. Kế hoạch rút quân khỏi Thăng Long, lui về giữ Tam Điệp được vua Quang Trung cho là hoàn toàn đúng và đánh giá rất cao: “Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng dân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng, kế ấy là rất đúng...”.
Trong chiến dịch tổng tấn công quân Thanh, Quang Trung chia binh lực ra làm 5 đạo. Đạo Trung quân do Quang Trung thân hành chỉ huy, có Đại tư mã Ngô Văn Sở, nội hài Phan Văn Lân làm tướng tiên phong đánh vào mũi Hà Hồi, Ngọc Hồi. Đây là hướng tấn công chính sẽ quyết định toàn bộ cục diện chiến dịch. Ngô Văn Sở có sáng kiến cho làm những cái “mông xung”, trong đựng cỏ rơm, cao 5 thước, dài 15 thước, hễ ra trận thì mang đi che đằng trước chống tên đạn. Trong trận công thành tháng Giêng năm Kỷ Dậu lịch sử đó, những cái “mông xung” mộc rơm ấy đã trở nên nổi tiếng không kém gì voi trận và hỏa hổ làm khiếp đảm quân xâm lược.
Sau khi đánh tan quân Thanh xong, Quang Trung trở về Phú Xuân, lại giao cho Ngô Văn Sở ở lại coi giữ hết thảy việc quân việc nước ở Bắc Hà. Trong đó có việc đối ngoại với phương Bắc là vấn đề quan trọng hàng đầu để tránh cơn tức giận của vua Càn Long nhà Thanh đang định đem binh mã 9 tỉnh tiếp tục cuộc chiến tranh với nước ta. Nhờ có Ngô Thì Nhậm, người “làm chủ về giao thiệp với Trung Quốc”, hai nước đã giảng hòa với nhau. Để tỏ tình giao hảo giữa hai nước, vua nhà Thanh mời vua nước Nam sang Yên Kinh dự lễ “bát tuần khánh thọ” (của Càn Long). Thế là một phái đoàn Việt Nam gồm 150 người, do Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung, cùng với Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn... khởi hành từ Bắc thành đi Yên Kinh.
Việc Ngô Văn Sở cùng đi với “quốc vương” trong đoàn sứ bộ, làm cho Càn Long đặc biệt chú ý. Vì Càn Long biết rõ Ngô Văn Sở là đại thần trụ cột của Tây Sơn, lại trực tiếp coi giữ toàn quyền ở Bắc Hà. Về chuyện ta đưa vua Quang Trung giả sang Yên Kinh, triều đình Mãn Thanh cũng biết rõ song cứ vờ xem như là thật. Đương nhiên họ cũng hiểu rằng nhân vật chủ chốt nhất, có quyền lực nhất nằm trong đoàn sứ bộ là Ngô Văn Sở. Do đó Ngô Văn Sở được vua Thanh trọng vọng, ưu đãi khác thường. Sau khi vua Quang Trung mất, Ngô Văn Sở vẫn trấn giữ Bắc Hà, được thăng chức Đại đổng lý, tước quận công. Dưới quyền cai quản của ông, tình hình các trấn ở miền Bắc ổn định, đi dần vào nề nếp. Ông thi hành nhiều chính sách tích cực, coi trọng văn học, mở khoa thi để thu dụng kẻ sĩ, đặt chức Huấn khoa để xét hỏi kẻ gian trong châu huyện... nên có uy tín lớn đối với nhân dân.
Nhưng cũng từ sau khi vua Quang Trung mất, triều đình Cảnh Thịnh lâm vào tình trạng lục đục, phân bè chia cánh sát hại lẫn nhau, Ngô Văn Sở bị đẩy đến cái chết thảm khốc. Năm 1795, ông bị quyền thần Vũ Văn Dũng lập mẹo bắt đưa về Phú Xuân, rồi vu cho ông có mưu phản, đóng cũi nhốt đem dìm xuống sông Hương - Huế...
|