Khu vườn nhà của Tăng Bạt Hổ
16:59', 8/12/ 2006 (GMT+7)

Tăng Bạt Hổ, một người con ưu tú của quê hương Bình Định. Quê ông là làng An Thường, nay thuộc xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, nằm cách huyện lỵ Hoài Ân khoảng 3 km về phía Đông Bắc, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 90 km về phía Tây Bắc. Làng An Thường xưa có nghề dệt vải truyền thống, thợ dệt tập trung ở xóm Cửi. Chính tại nơi đây Tăng Bạt Hổ đã cất tiếng khóc chào đời.

Tăng Bạt Hổ tự là Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, tên thật là Tăng Doãn Văn, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1858, chỉ mấy tháng trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đầy những biến động dữ dội, tuổi trẻ Tăng Bạt Hổ đã phải chứng kiến cảnh nhà Nguyễn hèn nhát từng bước đầu hàng rồi dâng toàn bộ đất nước ta cho thực dân Pháp.

Là một người thông minh lại sớm có lòng yêu nước và ý chí cứu dân, cứu nước nên ngay khi còn là một thiếu niên mười bốn tuổi, năm 1872, Tăng Bạt Hổ đã tham gia chiến đấu chống Pháp trong hàng ngũ tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc. Vụ binh biến đêm 22 tháng 5 Ất Dậu (1885) ở kinh thành Huế của phái chủ chiến do Nguyễn Văn Trường, Tôn Thất Thuyết cầm đầu thất bại, vua Hàm Nghi xuất bôn hạ chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu cùng nhân dân đứng lên kháng chiến chống Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Tăng Bạt Hổ ra sức chiêu tập anh hào, rèn đúc vũ khí xây dựng chiến khu chống Pháp tại vùng núi Kim Sơn, quê hương ông.

Kim Sơn (huyện Hoài Ân) là một vùng rừng núi có địa thế hiểm trở. Tại đ   ây, lực lượng kháng chiến của Tăng Bạt Hổ được tập hợp. Ở Bình Định bấy giờ phong trào kháng chiến chống Pháp phát triển mạnh và dần dần quy tụ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng. Tăng Bạt Hổ đã liên kết với lực lượng của Mai Nguyên soái và được giao nhiệm vụ giữ mặt trận phía bắc Bình Định. Ông cho quân cùng với Bùi Điền xây dựng và củng cố thêm khu Chóp Chài (Phù Mỹ) và hai đồn tại đèo Phủ Cũ và đèo Bình Đê.

Thực dân Pháp và triều đình Nguyễn cử Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc, hai tên đại Việt gian, đem quân đàn áp phong trào kháng chiến ở Bình Định. Đầu năm 1886 Tăng Bạt Hổ cử hai tướng là Bùi Điền và Đỗ Duyệt đem quân giao chiến với Nguyễn Thân nhưng bị thất bại trước thế lực của địch. Ông tiếp tục chiêu mộ thêm nghĩa binh, củng cố thêm các đồn lũy. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra giữa nghĩa quân với quân của Nguyễn Thân. Cuối cùng mặc dù chiến đấu hết sức dũng cảm và gây cho địch nhiều tổn thất, trước thế mạnh của địch, hầu hết các chiến lũy của nghĩa quân đều bị phá vỡ. Đầu năm 1887 Nguyễn Thân kéo đại quân triệt phá mật khu Kim Sơn, vây bắt Tăng Bạt Hổ. Mặc dù âm mưu của Nguyễn Thân không thực hiện được nhưng do quân ít, vũ khí thô sơ nên cuối cùng nghĩa quân tan rã. Các nghĩa sĩ tản mát rồi nương náu tại các bản làng đồng bào Tây Nguyên.

Sau khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Tăng Bạt Hổ vượt núi sang Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Nhật theo nghề hàng hải, làm thủy thủ cho tàu buôn, vì thế có điều kiện quan sát văn minh của các nước. Năm 1903 ông về nước, năm sau ông đưa đường cho Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính sang Nhật Bản, tổ chức phong trào Đông Du. Năm 1905 ông về nước đem theo bài văn Khuyến thanh niên du học của Phan Bội Châu truyền bá, cổ động. Dưới chiếc áo thầy thuốc ông đi khắp nơi liên lạc tìm người cùng chí hướng. Năm 1906 trên đường từ Nam ra Huế ông lâm bệnh nặng rồi mất trên một chiếc thuyền trên sông Hương. Các đồng chí chôn cất ông ở đất Nam Giao.

Họ Tăng ở An Thường sống tập trung tại xóm Cửi, trước đây họ có nhiều gia đình làm nghề dệt vải. Nay tại xóm Cửi vẫn còn một khu đất rộng khoảng 2.400m2, trước cơ ngơi nhà thờ Tăng Bạt Hổ cùng nhiều di tích, sự kiện gắn với tuổi ấu thơ và những hoạt động cứu nước của ông. Khu vườn này, qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, hầu như không để lại một dấu vết vật chất nào liên quan đến Tăng Bạt Hổ, đã biến thành vườn trồng hoa màu, thành nhà ở (vẫn của một số gia đình họ Tăng). Nhưng chính ở nơi đây, tuổi thơ của Tăng Bạt Hổ đã đi qua. Sát khu vườn này, ở mạn Tây Bắc trước có một ngôi miếu cổ thờ thần, thường gọi là miếu An Hòa, hàng năm dân làng tổ chức cúng lễ rất long trọng. Cạnh miếu có một cây sộp cổ thụ. Truyền rằng Tăng Bạt Hổ có một khẩu súng lục tự tạo thường đem cất giấu dưới gốc cây này. Nhà Tăng Bạt Hổ được xây dựng trong vườn. Miếu An Hòa, cây sộp cổ thụ, nhà thờ nay đều đã không còn. Tuy nhiên, trong ký ức người dân An Thường, hình ảnh một khu vườn có nhiều gắn bó với Tăng Bạt Hổ vẫn in dấu đậm nét. Nhân dân vẫn gọi đây là khu vườn nhà thờ Tăng Bạt Hổ.

Đến An Thường nay, đến vườn xưa khó tránh khỏi chút cảm giác bùi ngùi trước bao biến cố vật đổi sao dời. Nhưng dù có thế nào đi nữa thì đây vẫn mãi mãi là khu đất thiêng trong lòng người An Thường, lòng người Hoài Ân.

. Theo Địa chí Bình Định

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vỡ mộng bá vương  (08/12/2006)
Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long  (07/12/2006)
Bàu Sấu  (06/12/2006)
Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa  (01/12/2006)
Chuyện tình của một vị tướng  (01/12/2006)
Tân phủ Càn Dương  (28/11/2006)
Gò Đá Đen  (27/11/2006)
Nguyễn Nhạc và gươm thần Pra Khan  (24/11/2006)
Dấu tích Chiêm đô trên đất Bình Định  (20/11/2006)
Có một “Triệu Tử Long” thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Núi Bà - Đá Vọng Phu  (16/11/2006)
Người làm nên trận thắng oanh liệt cuối cùng cho nhà Tây Sơn   (10/11/2006)
Phế tích hai tháp Tân Kiều, Chà Rây  (09/11/2006)
Ăn hàu ghềnh đá  (07/11/2006)
Thầy Tư Lữ  (03/11/2006)