Sau khi xây dựng xong kinh thành Phú Xuân, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tuần du phương Nam. Chúa dừng lại mấy ngày ở Quy Nhơn nghe Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên tâu bày tình hình. Nguyễn Văn Tuyết (người Nhơn Ân, huyện Tuy Viễn), biết tin, bèn cảm khái nói với người thân tín: tôi muốn trừ khử tên bạo chúa hại nước hại dân này.
Nói là làm. Đêm ấy, Tuyết vận đồ đen, mặt bịt kín, phi thân vào thành lần tìm tới nơi Võ Vương ngủ. Quan sát kỹ quanh lầu, thấy chỗ nào cấm binh cũng gươm giáo lăm lăm, gác vòng trong vòng ngoài. Biết liều lĩnh nhảy vào ra tay, thể nào cũng lộ, khó lòng trốn thoát, nên Tuyết lặng lẽ quay ra. Bỗng nghe tiếng ngựa hý rất hùng tráng, bèn ghé mắt nhìn thì thấy một con ngựa cao lớn, đuôi dài đang đứng trong chuồng. Biết là ngự mã, Tuyết nhảy vào chuồng mở chốt, đóng cương, dắt ngựa ra cửa rồi quất roi phi như bay về phía rừng. Về sau, có người cho Tuyết biết, đó là ngựa Xích Kỳ thuộc giống hãn huyết, một đêm có thể chạy 5, 6 trăm dặm, là cống vật của vua Cao Miên tặng Chúa. Võ Vương rất yêu nó, nên đi tuần phương Nam mới đem theo. Mất ngựa, Chúa tiếc lắm, may có Trương Phúc Loan theo hầu lựa lời tâu bày, Nguyễn Khắc Tuyên mới thoát tội. Chúa đi rồi, mấy ngày sau trong dinh Nguyễn Khắc Tuyên thấy dòng chữ lớn “Người đoạt ngựa của Chúa là Văn Tuyết ở Tuy Viễn”. Xem xong, Tuyên sợ quá, dặn tả hữu đừng tiết lộ, việc mới yên.
Những ngày lẩn tránh lệnh truy nã ở các thôn ấp, nghe dân kêu than bao nỗi uất ức do Tri huyện Tuy Viễn gây nên. Tuyết đùng đùng nổi giận. Đêm đến, Tuyết tìm đến phòng ngủ, chặt đầu tên quan tham. Khi vượt tường thoát thân, bị lính canh phát hiện truy đuổi, Tuyết ruổi ngựa chạy lên Tây Sơn thì gặp Nguyễn Nhạc, cùng tới Chiêu Anh Quán tụ nghĩa. Từ đấy, Tuyết gia nhập nghĩa quân. Nhờ chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, Tuyết được anh em nhà Tây Sơn xem như ruột thịt và được phong làm Đại Đô đốc.
Sang thời vua Cảnh Thịnh, Đại Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cầm binh trấn giữ vùng biên thùy phía đông. Phú Xuân thất thủ, Vua Cảnh Thịnh chạy ra Thăng Long, ông trở thành tướng trụ cột của triều đình Tây Sơn trên đất Bắc. Đến khi vua mang quân 4 trấn vào đánh Nhật Lệ - Trấn Ninh, ông và vợ là nữ tướng Trần Thị Lan ở lại giữ Thăng Long. Nhưng rồi cố gắng cuối cùng của nhà Tây Sơn cũng thất bại, vợ chồng ông phò giá Vua qua sông Nhị Hà, chạy lên phía Bắc. Đô Đốc Tuyết xả thân cản giặc, trúng đạn tử thương. Trần phu nhân và Thái hậu Bùi Thị Nhạn rút gươm chống cự đến cùng, nhưng khi thấy vua bị bắt, cả hai quyết không để quân thù làm nhục, liền quay gươm tự vẫn.
Thế là vợ chồng vị tướng kiệt xuất của nhà Tây Sơn đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giữ trọn lời thề trong buổi tế cờ khởi nghĩa ba mươi năm về trước. Để tránh sự trả thù tàn bạo của Gia Long, con cháu ông về sau mai danh ẩn tích. Gần đây, mới biết được có đền thờ Đại Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết ở TP. Hồ Chí Minh.
|