Chợ Cát nay thuộc địa phận thôn Tân Thạnh, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, nằm cách quốc lộ 1 1 km về phía Tây và ga Tam Quan khoảng 2 km về phía Tây-Nam. Nơi đây vào ngày 20 tháng 7 năm 1949 đã diễn ra một trận đánh lớn giữa bộ đội chủ lực quân khu V với quân đội viễn chinh Pháp. Chiến thắng Chợ Cát đã gây được tiếng vang lớn lúc bấy giờ và mảnh đất bình dị này đã đi vào lịch sử như một di tích ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bước sang năm 1949, quân Pháp ngày càng lúng túng bị động trên khắp các chiến trường. Để giảm bớt áp lực của quân ta trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên, quân Pháp quyết định liều lĩnh mở các cuộc hành binh đánh vào hậu phương của ta. Tam Quan là một vùng trù phú lại nằm trên một đầu mối giao thông quan trọng, có ga xe lửa và hệ thống kho tàng, nên trở thành mục tiêu tấn công của địch.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 20 tháng 7, Pháp cho tàu chiến bất ngờ đổ quân lên bờ biển Tam Quan. Chúng chia thành ba mũi tiến công. Mũi thứ nhất với lực lượng một tiểu đoàn đổ bộ lên Bãi Ngang thuộc xã Hoài Thanh, rồi từ thôn Lâm Trúc, qua Gò Tháp, Tăng Long, Đại Hóa vượt quốc lộ 1, chiếm Chợ Cát, xây dựng công sự dã chiến, án ngữ mặt Tây Nam ga Tam Quan. Mũi thứ hai gồm 1 đại đội đổ bộ lên Vĩnh Tuy, thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) chiếm đèo Bình Đê rồi thọc xuống ga Chương Hòa, đốt phá các đầu máy và toa xe lửa. Sau đó tiến vào cướp phá hai thôn Tân Định, Tân Thành. Mũi thứ ba là mũi chính diện đổ bộ lên khu vực Thiện Chánh, Trường Xuân rồi tiến thẳng đến ga Tam Quan,dự định sẽ hợp điểm với cánh quân thứ nhất.
Trước những đợt tấn công ồ ạt của địch, lực lượng tại chỗ của ta lúc đó có đại đội 8 thuộc trung đoàn 120, một đại đội bộ đội địa phương huyện Hoài Nhơn và dân quân du kích các xã Tam Quan, Hoài Hảo, Hoài Châu và Hoài Thanh đã linh hoạt phân tán thành các đơn vị nhỏ, phục kích chặn đánh địch khắp nơi, gây cho chúng những tổn thất nặng nề, nhất là ở các thôn Tân Thành, Phước Lộc và thị trấn Tam Quan. Đúng lúc đó, tiểu đoàn 50 thuộc trung đoàn 210 vừa hành quân từ Bắc Tây Nguyên về, đang đóng ở xã Hoài Xuân. Đại đội 51, đơn vị chủ công của tiểu đoàn, được lệnh gấp rút hành quân tiếp ứng cho các lực lượng tại chỗ. Từ Hoài Xuân theo đường liên xã, đại đội 51 tiến ra Hoài Hảo thì đụng độ với tiểu đoàn địch đang chốt giữ ở đó. Bất chấp sự chênh lệch về lực lượng và hỏa lực, các chiến sĩ trong đại đội đã chiến đấu dũng cảm với tinh thần quyết tử. Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Quân ta bị thương vong nặng. Đồng chí đại đội trưởng hy sinh tại chỗ. Quân địch cũng bị tổn thất nặng nề.
Không chịu nổi những đợt tấn công quyết liệt của bộ đội ta, tiểu đoàn địch đã phải rút về co cụm tại ga Tam Quan. Quân ta tiến hành pháo kích bằng đạn cối vào các nơi đóng quân của địch làm cho chúng tiếp tục bị thương vong. Cùng lúc đó, lực lượng lớn của trung đoàn 210 do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy đang trên đường hành quân đến Tam Quan chi viện.
Đứng trước nguy cơ có thể bị tiêu diệt hoàn toàn, quân địch đã phải cầu cứu tàu chiến ngoài biển bắn pháo yểm trợ và rạng sáng ngày 21 tháng 7, chúng phải tháo chạy ra bãi biển Thiện Chánh (Tam Quan Bắc), lên tàu rút lui, bỏ dở trận càn vừa mới triển khai. Trong chiến thắng Chợ Cát - Tam Quan này, ta đã tiêu diệt 200 tên địch, trong đó có 1 trung úy và 2 thiếu úy.
Chiến thắng Chợ Cát là một mốc son đánh dấu bước trưởng thành của quân và dân Bình Định trong cuộc kháng chiến 9 năm. Chiến thắng còn là niềm tự hào của đảng bộ và nhân dân xã Hoài Hảo và các xã khác trong huyện Hoài Nhơn, những người đã trực tiếp tham gia và làm nên chiến thắng này. Di tích hiện chỉ là một tấm bia, nhưng dưới lòng đất thân thương đã từng có 50 chiến sĩ anh dũng đã vĩnh viễn nằm lại. Họ mãi mãi sống trong lòng dân. Ký ức dân địa phương về chiến thắng này còn đậm nét như chuyện vừa mới xảy ra. Họ lưu truyền nhau cả một bài thơ về chiến công này, trong đó có đoạn:
Hai mươi giặc đến Tam Quan
Hai mốt có Vệ quốc đoàn đánh ngay
Giặc đến giặc buộc phải đi
Toàn dân kháng chiến giặc gì cũng tan.
. Theo Địa chí Bình Định
|