Đánh tan ba vạn quân Thanh tinh nhuệ trấn giữ phòng tuyến Ngọc Hồi, áo bào còn vương khói súng, vua Quang Trung cưỡi voi tiến vào Thăng Long thì đã thấy Đô đốc Long từ cổng thành xuống ngựa dẫn quân ra đón. Đô đốc Long là ai mà đến ngày nay, các nhà viết sử vẫn còn nhiều tranh cãi?
Theo truyền thuyết còn lưu truyền ở Bình Định, Đô đốc Long vốn người họ Đặng, tên Văn Long, người làng Đại An, huyện Tuy Viễn. Tổ tiên mấy đời của ông làm nghề rèn, giỏi rèn đúc vũ khí. Thuở nhỏ, Long tỏ ra là người thông minh, mạnh mẽ, thâm trầm, tinh thông trường quyền, lại biết thầy Trương Văn Hiến rất giỏi miên quyền nên tìm đến học. Thấy Long là người có chí, giáo Hiến đem hết bí quyết truyền dạy cho. Sau 5 năm tập luyện, Long trở thành người giỏi cả hai môn quyền thuật này và được người đương thời gọi là “Đặng vô địch”. Long lại có sức mạnh phi thường, dùng cánh tay đỡ được bánh xe nặng, nên còn được suy tôn là “Đặng thiết tý” (người họ Đặng có cánh tay sắt).
Nhân một lần Nguyễn Huệ về Đại An tìm thợ đưa lên An Khê rèn vũ khí, hai người gặp nhau. Phục tài Nguyễn Huệ, Long liền đưa tặng cây đại đao quý cất giữ mấy năm qua và theo lên An Khê mở xưởng rèn vũ khí cho nghĩa quân. Đến khi Quang Trung đại phá quân Thanh, Đô đốc Long mới xuất hiện trong cánh hữu quân, gồm kỵ binh và tượng binh, có nhiệm vụ đánh chiếm đồn Khương Thượng. Ông đốc suất kỵ binh đi tiên phong, Đô đốc Bảo đem tượng binh tiếp ứng. Đô đốc Long dẫn tiền quân đi tắt, đang đêm đánh úp, chiếm gọn hai đồn Yên Quyết và Nhơn Mục. Bị đánh bất ngờ, quân Thanh không chống cự nổi. Sầm Nghi Đống hoảng sợ dẫn 100 thân binh chạy tới Loa Sơn (gò Đống Đa) thì cùng đường, cả tướng lẫn quân phải thắt cổ tự vẫn. Nghe tin dữ, Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt, không kịp mặc áo giáp, cưỡi ngựa tháo chạy, vứt cả sắc phong, ấn tín dọc đường. Đô đốc Long dẫn quân tiến vào Thăng Long như vào chỗ không người. Tới trưa ngày mồng 5, ông dẫn quân ra đón vua Quang Trung tiến vào Thăng Long giữa cờ hoa rợp phố phường mừng mùa xuân đại thắng.
Ngày vua Quang Trung qua đời, Cảnh Thịnh lên ngôi, ông lại giúp ông vua trẻ dẹp yên tàn quân nhà Lê lăm le quấy phá Thăng Long. Nhưng rồi Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, hãm hại người trung, là người trung nghĩa, ông xin từ chức. Bùi Đắc Tuyên vốn biết Đô đốc Long chẳng ưa gì mình, nên tâu vua cho ông về quê. Thế là vị danh tướng gác đao cung, trở về quê hương, dựng chòi làm rẫy trên Nam Sơn, thỉnh thoảng mới về thăm làng.
Nhà Tây Sơn sụp đổ, dân làng chẳng thấy vị tướng về thăm quê nữa. Phải chăng mây khói, hoa lá rừng Nam Sơn đã che chở cho ông sống trọn đời với quê hương.
|