Bến Trường Trầu
11:25', 26/12/ 2006 (GMT+7)

Cây Me cũ, bến Trầu xưa

Không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm…

Câu ca rất đỗi quan thuộc với người Bình Định, và nay cũng đã trở nên quen thuộc với nhân dân cả nước, đã thành lời của một bài hát về quê hương Tây Sơn… Trở về Kiên Mỹ, quê hương thứ ba của dòng họ Nguyễn Tây Sơn, nơi sinh trưởng của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, đến thăm điện Tây Sơn, thăm cây me , thăm giếng nước xưa và cùng đến thăm bến Trường Trầu…

Bến Trường Trầu vốn là một bến buôn bán trầu lớn bên bờ sông Kôn, xưa thuộc xóm Trầu, thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay là xóm Hưng Hòa (đội 7), khối I, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Từ thị trấn Phú phong, qua cầu Kiên Mỹ theo tả ngạn sông Kôn về phía Đông khoảng 300m là tới bến Trường Trầu.

Kiên Mỹ là một làng hình thành từ công cuộc khẩn hoang, từ bao giờ thì không thật rõ. Do ở một vị trí có nhiều thuận lợi nên kinh tế Kiên Mỹ sớm phát triển theo hướng kết hợp đa ngành. Vẫn nông nghiệp làm gốc nhưng các nghề thủ công và buôn bán cũng được mở mang với các xóm cổ mang tên các nghề thủ công và buôn bán. Xóm Rèn (sau đổi là Mỹ Ngọc, Mỹ Đại, Hưng Nguyên) chuyên rèn dao, cuốc, thuổng và các dụng cụ bằng sắt để trao đổi với đồng bào Thượng. Xóm Đậu (sau đổi là Mỹ Tu, Hưng Bửu) chuyên làm bún và các loại bánh hỏi, bánh tráng, bánh ướt. Xóm Chợ (sau đổi là Mỹ Trung, Hưng Trung) chuyên nghề buôn bán, đủ các mặt hàng. Xóm Ươm (sau đổi là Mỹ Hóa, Hưng Hóa) chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi. Xóm Mía (sau đổi là Hưng Thạnh) chuyên làm mía và nấu đường, nấu mật. Và xóm Trầu (sau đổi là Mỹ Hòa, Hưng Hòa) xưa có bến Thường Trầu bên bờ sông Kôn buôn bán rất tấp nập. Theo ký ức dân gian thì xóm Trầu là xóm phồn thịnh nhất của Kiên Mỹ thời bây giờ.

Trầu và cau là những sản phẩm nổi tiếng của cả hai vùng Tây Sơn Thượng và Hạ đạo. Trầu có hai loại: trầu nguồn do đồng bào Thượng trồng trên Tây Nguyên là loại trầu ngon nhất, trầu hương trồng ở miền xuôi kém ngon hơn. Cau cũng có hai loại: Cau chuột trồng ở Tây Nguyên quả nhỏ nhưng ngon, cau nước trồng trong vườn miền xuôi, quả to nhưng vị khôn ngon bằng. Trầu và cau từ Tây Sơn Thượng đạo được hàng đoàn người Thượng gùi sau lưng theo đường bộ hoặc chở bằng một loại thuyền nan nhỏ gọi là sõng đem xuống bến Trường Trầu bán về đổi lấy muối, đồ sắt và các sản phẩm khác. Người ta tính trầu theo cách cứ 10 lá là một xếp, 10 xếp là một thiên, 10 thiên là một giàng.

Trầu cau được tập kết tại Kiên Mỹ, tại bến Trường Trầu rồi từ đây theo các đường thủy bộ chuyển đi khắp mọi nơi. Kiên Mỹ, bến Trường Trầu trở thành điểm trung chuyển trong quan hệ trao đổi buôn bán giữa miền núi rừng cao nguyên và miền đồng bằng, ngoài sản phẩm quan trọng nhất là trầu cau, còn có rất nhiều mặt hàng khác.

Tương truyền rằng ông Hồ Phi Phúc khi còn cư trú bên quê vợ ở làng Phú Lạc, ngoài nghề nông, còn tham gia buôn bán miền xuôi, miền ngược. Việc ông chuyển sang cư trú bên Kiên Mỹ là có nhiều lý do, nhưng trong đó có một lý do quan trọng là vì nơi đây rất thuận tiện cho việc buôn bán. Buôn trầu cau là một nghề phổ biến ở vùng Tây Sơn và Hồ Phi Phúc cũng tham gia buôn bán mặt hàng này. Đến thời các con ông, việc buôn bán trầu cau vẫn được duy trì và có phần mở rộng hơn, đặc biệt là với Nguyễn Nhạc. Tư liệu lịch sử cùng với truyền thuyết dân gian đều xác nhận sự kiện này. Vì thế mà nhân dân Kiên Mỹ cũng như nhiều vùng xung quanh đến nay vẫn quen gọi Nguyễn Nhạc là anh Hai Trầu (cũng như gọi Nguyễn Huệ là chú Ba Thơm, vì thuở nhỏ ông có tên là Thơm, và gọi Nguyễn Lữ là thầy Tư Lữ, vì ông có thời đi tu).

Nguyễn Nhạc mua trầu cau của đồng bào Thượng rồi dùng thuyền xuôi sông Kôn đem xuống bán ở bến Trầu (thôn Phú Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), hoặc theo một con kênh đào vào bán ở chợ An Thái (thị tứ An Thái thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) hoặc xuôi xuống tận Đập Đá (thị tứ Đập Đá, huyện An Nhơn). Tương truyền, cạnh bến Trường Trầu xưa Nguyễn Nhạc có dựng một ngôi nhà để chứa trầu và làm quán trọ cho khách buôn trầu. Sau khi nhà Tây Sơn mất, nhân dân Kiên Mỹ có dựng trên nền nhà đó một ngôi miếu để thờ anh em Tây Sơn, gọi là miếu Vĩnh Thọ (còn gọi là miếu Cây Gòn vì có cây gòn to). Về sau thực dân Pháp dùng làm kho chứa lương thực, rồi phá hủy. Mãi tới năm 1963 có ba vị khất sĩ người Nam Bộ cùng dân địa phương xây dựng trên nền miếu cũ một ngôi chùa nhỏ lợp tranh, năm 1967 mới xây gạch, gọi là chùa Tịnh Xá.

Bến Trường Trầu đã có ảnh hưởng to lớn đến Nguyễn Nhạc cũng như các anh em Tây Sơn. Do những hoạt động buôn bán này mà anh em Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Nhạc có quan hệ giao tiếp với nhiều vùng và nhiều tầng lớp xã hội. Nguyễn Nhạc thường qua lại vùng Thượng đạo, có quan hệ mật thiết với các dân tộc ít người Tây Nguyên và giao lưu buôn bán với các chợ, bến, thị tứ vùng đồng bằng. Điều này giúp cho ông mở rộng tầm nhìn, lối nghĩ, thấuhiểunỗi bất bình thống khổ của các tầng lớp nhân dân và dễ dàng vận động liên kết các lực lượng khởi nghĩa.

Hơn hai trăm năm đã trôi qua, sông Kôn đã bao lần đổi dòng. Ở nơi ngày xưa là bến Trường Trầu mực nước sâu thăm thẳm khiến thuyền ghe chở hàng hóa có thể ghé sát bờ một cách dễ dàng, thì nay đã bị bồi lấp, vào mùa khô nhìn xuống chỉ là một bãi cát trắng ven sông… Bến không còn nhưng cái tên Bến Trường Trầu thì đã đi vào lịch sử, đã được khắc sâu trong ký ức dân gian và sẽ sống mãi với thời gian như chính sự nghiệp lẫy lừng của người anh hùng cờ đào áo vải Tây Sơn.

Đến Kiên Mỹ nay, trước bến Trầu xưa, nhìn về xa xăm nơi hai đầu sông Kôn mà lòng thấy bồi hồi xao xuyến. Ký ức như được đánh thức để trở về với hơn hai trăm năm trước cùng chứng kiến cảnh nơi đây tấp nập trên bến dưới thuyền, những xấp trầu xanh biếc, những buồng cau nở nang, và cả cái không khí hối hả chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn từ bến Trường Trầu.

. Theo Địa chí Bình Định

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đoạt thành đón vua vào Thăng Long  (22/12/2006)
Lăng Mai Xuân Thưởng  (20/12/2006)
Chiến thắng Chợ Cát  (15/12/2006)
Người đoạt ngựa của Chúa  (15/12/2006)
Chiến thắng Phù Ly  (12/12/2006)
Nơi thành lập chi bộ Hồng Lĩnh  (10/12/2006)
Khu vườn nhà của Tăng Bạt Hổ  (08/12/2006)
Vỡ mộng bá vương  (08/12/2006)
Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long  (07/12/2006)
Bàu Sấu  (06/12/2006)
Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa  (01/12/2006)
Chuyện tình của một vị tướng  (01/12/2006)
Tân phủ Càn Dương  (28/11/2006)
Gò Đá Đen  (27/11/2006)
Nguyễn Nhạc và gươm thần Pra Khan  (24/11/2006)