Bánh tráng
9:5', 1/2/ 2006 (GMT+7)

Bánh tráng có từ lâu lắm, tương truyền khi dẫn quân thần tốc tiến ra Bắc người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã nghĩ ra cách để chế ra thứ lương khô quân vừa ăn vừa hành quân, không phải nấu nướng... Có lẽ ban đầu bánh tráng chỉ có một thứ nhưng nay thì bánh tráng đã phát triển dễ chừng có đến vài chục loại.

Ngày trước ở Bình Định, hầu như một gia đình nào ở nông thôn cũng đều có lò bánh tráng. Khi tráng bánh, người ta thường chọn một ngày thật nắng; tráng, phơi cả ngày; để dành ăn dần tới vài tháng. Mùa đông, khi chợ búa khó khăn, thứ lương khô này rất quan trọng.

 

                   Nghề truyền thống. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

Tráng cho xong chiếc bánh rất đơn giản. Nhưng để cái bánh vừa tròn vừa đều, kích cỡ, dày mỏng xêm xêm nhau lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Chỉ múc nhiều hoặc ít bột một tý, chiếc bánh sẽ to nhỏ không đều. Tráng không đều tay, chiếc bánh sẽ không tròn hoặc chỗ dày, chỗ mỏng… Chiếc bánh được vớt ra bằng chiếc que tre, trải tấm bánh vừa tráng xong lên vỉ cũng vậy. Động tác này chỉ được phép làm một lần, nếu đặt sai vị trí, gỡ ra đặt lại thì chiếc bánh sẽ bị rách. Khi phơi, làm sao cho bánh không bị cong cũng là một bí quyết. Những chiếc bánh tráng phơi khô, xếp lại một chồng được ràng (buộc) bằng dây chuối, vậy là được một ràng bánh tráng.

Ở Bình Định, bất cứ một cuộc giỗ chạp nào, trên bàn thờ cũng có đôi bánh tráng nướng. Các buổi tiệc, kể cả nhiều bữa ăn thường nhật, bánh tráng luôn là món "khai vị". Ăn bánh tráng cũng…khó lắm. Bánh tráng mỏng, nhúng nước xong, bẻ làm đôi hoặc làm tư. Một tấm bánh tráng nhúng cõng một miếng bánh tráng nướng. Ôi, cái âm thanh giòn rụm của bánh nướng giòn giòn như một thứ đặc sản âm thanh không phải ở đâu cũng có. Rồi là rau sống (mà rau sống Bình Định dễ có đến…hơn hai chục loại lá), sang trọng hơn thì đặt thêm miếng thịt luộc thái mỏng, thêm miếng bánh hỏi (cũng là đặc sản Bình Định)… Quấn thật đều tay, không to không nhỏ, chỉ vừa miệng ăn. Cuốn bánh này chấm với nước mắm Gò Bồi bỏ ít tỏi, ớt giã thật cay… Trời ơi là ngon!

Bây giờ người ta chế ra đến vài chục loại bánh tráng mè, bánh tráng mặn, bánh tráng nước dừa. (Ở xứ dừa Hoài Nhơn, người ta dùng nước cốt dừa thay nước lã để pha bột). Gần đây còn có cả bánh tráng... vuông, tráng bằng máy. Không có nắng vẫn làm được vì có thể dùng lò sấy. Loại bánh này dùng để xuất khẩu.

Bánh tráng Bình Định bây giờ đã có mặt trên cả nước. Người Bình Định nặng lòng với quê hương nên dù có xa xứ đi đâu, cũng vẫn mang theo nghề làm bánh tráng. Ở các bến xe, ga tàu của Bình Định, bánh tráng được bày bán rất nhiều; bánh tráng dừa được bày bán hai bên quốc lộ I đoạn Bồng Sơn- Tam Quan, như là một món quà Bình Định gởi đi cả nước.

Cách đây không lâu, Khách sạn bốn sao Sài Gòn-Quy Nhơn đặt Cơ sở bánh tráng Tư Nam ở Hoài Nhơn cung cấp cho nhà hàng. Vậy là, bánh tráng Bình Định đã "chen" được vào những nhà hàng sang trọng. Nhiều khách Tây, khách Tàu nghe chuyện cái bánh tráng thủ công gật gù thích thú và đặt khách sạn mua giùm để làm quà… Người ta không chỉ mua bánh tráng đâu nhé, người ta mua cả truyền thuyết ông vua - chiếc bánh - xứ dừa huyền thoại mà nhân viên khách sạn kể cho khách nghe đấy. Giá trị của ràng bánh bây giờ ngoài giá trị vật chất còn có cả giá trị tinh thần.

  • Oanh Lâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngàn dặm Huyền Trân   (28/01/2006)
Bãi võ đầu xuân   (28/01/2006)
Văn bia kỷ niệm chó và tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu  (27/01/2006)
Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn  (25/01/2006)
Anh hùng với giai nhân  (24/01/2006)
Đô đốc Long quê ở đâu ?  (22/01/2006)
Sắc màu Ba na  (20/01/2006)
Bang giao Đại Việt triều Tây Sơn   (18/01/2006)
Chất Bình Định trong thơ Xuân Diệu  (16/01/2006)
Nguyễn Huệ đánh tan "Tứ Chiêu"  (12/01/2006)
Làng rèn Thạnh Xuân  (10/01/2006)
Ai tư vãn, bằng cớ mối tình sâu nặng Ngọc Hân - Nguyễn Huệ   (08/01/2006)
Gỏi sứa  (05/01/2006)
Ngô Thì Nhậm - Một trí thức lỗi lạc vào nửa cuối thế kỷ XVIII  (03/01/2006)
Mắm ruột miền Trung  (01/01/2006)