Hơn 200 năm trước Nguyễn Nhạc sẵn sàng mở cửa
9:11', 7/2/ 2006 (GMT+7)

Năm 1778, một người Anh làm việc cho chính quyền Anh quốc ở Bengale (Ấn Độ) tên là Chapman, đã sang Việt Nam để tìm cách đặt quan hệ thương mại.

Trong chuyến đi này ông đã được vua Nguyễn Nhạc tiếp kiến ở Quy Nhơn. Hồi ký của ông được công bố lần đầu trên tờ Asiatic Annuel Register (Niên giám Á Châu) năm 1801. Sau đây là một đoạn trong hồi ký miêu tả cuộc gặp gỡ tại triều đình Nguyễn Nhạc lúc ấy:

"Ngay sau khi hạ neo (trong vịnh Quy Nhơn), tôi cử một thanh niên mà tôi dùng làm thư ký, đến chào viên quan trấn cảng và trình với ông ta rằng tàu này thuộc chính quyền Anh quốc ở Bengale, nhiệm vụ duy nhất của nó là đặt quan hệ hữu hảo và thương mại giữa hai nước.

Ngày hôm sau, đích thân viên quan lên tàu đem theo một con heo tặng chúng tôi. Đó là một con người rất dễ ưa, trạc 50 tuổi. Qua trung gian của ông, tôi quan hệ với một người em trai của Nguyễn Nhạc và vị phò mã, người đang nắm quyền tể tướng. Ông này đồng ý tiếp tôi tại nhà của viên quan trấn cảng.

Ngôi nhà này rất rộng, mái lợp rạ; hai bên cửa có 12 vệ binh mặc sắc phục màu xanh lơ, đội mũ bằng da hoặc bằng giấy có sơn trang trí hoa và huy chương, họ tỏ ra rất có kỷ luật. Ông tể tướng ngồi vắt chân chữ ngũ trên một cái bục, đó là một người trẻ tuổi gương mặt rất dễ chịu. Ông đứng dậy khi nhìn thấy tôi và mời tôi cùng đoàn tùy tùng an tọa trên những chiếc ghế đặt xung quanh ông.

Sau khi thăm hỏi xã giao, ông muốn biết tôi có những lễ vật gì để ra mắt chúa thượng. Tôi trình cho ông tể tướng xem một cặp súng ngắn, vài miếng vải…

Ba ngày sau, tôi nhận được một chỉ dụ tiếp kiến chính thức của Nguyễn Nhạc do nhiều viên quan đem đến một cách long trọng. Họ yêu cầu tàu treo cờ kết hoa và một cái lọng được giương lên che đạo dụ trong khi tuyên đọc và tôi phải đứng dậy để tiếp chỉ.

Sau khi mọi nghi thức được chấp hành, chỉ dụ được mở ra, tuyên đọc và trao tận tay tôi. Các viên quan không quên lưu ý tôi rằng những người đưa đến ân sủng của Nhà vua vui lòng nhận một món thưởng cho công lao của họ. Tôi đãi họ rượu vang và mứt và ước định rằng ngay tối hôm ấy, tôi sẽ lên bờ ngủ tại nhà của quan trấn cảng để sáng hôm sau tới hoàng cung.

Chúng tôi tiếp tục hành trình, đến 8 giờ sáng hôm sau thì hoàng thành hiện ra trước mắt. Tường thành phía đông dài nửa dặm (một dặm khoảng 1,1 km) không thấy có đại bác, lỗ châu mai, tháp canh gì cả. Cũng không thấy có lính canh ở cổng và trên tường thành. Chúng tôi đợi một khắc (15 phút) thì được qua cổng. Đi tiếp qua nửa dặm ruộng lúa thì đến ngôi nhà của quan tể tướng. Ông mời chúng tôi ăn trầu, xem các lễ vật và hứa với chúng tôi là Hoàng thượng sẽ cho triều kiến vào hôm sau.

Ngay 6 giờ sáng hôm sau, chúng tôi được thông báo rằng Nhà vua đang đợi. Lập tức chúng tôi đi theo người dẫn đường và sau khi đi một dặm, chúng tôi nhìn thấy lâu đài. Chúng tôi được yêu cầu dừng lại, tháo bỏ vũ khí trước khi đi tiếp. Trước mặt cung vua dàn hai hàng quân, mỗi hàng 100 người trong tư thế chiến đấu, vũ trang giáo mác kích, với những lá cờ tung bay. Hai khẩu thần công bằng đồng rất dài chĩa nòng ra ngoài bờ tường.

Các lễ vật của chúng tôi được bày trên một bệ đất cát trước mặt cung vua. Một viên quan hướng dẫn chúng tôi cung cách chào Hoàng thượng: phải quỳ dập đầu xuống đất 3 lần. Nhưng chúng tôi thấy làm như thế có vẻ quá hạ mình nên chỉ cúi mình 3 lần theo kiểu Anh. Sau khi trèo 12 bậc chúng tôi lên đến điện chầu, đó là một phòng rộng, ba mặt trong, mặt cuối có tường lát ván, ngai vua đặt trên bệ cao mấy bậc. Điện chầu lợp ngói, xây cất theo kiểu nhà người Đàng Trong được chống đỡ bởi những hàng cột bằng gỗ quý. Nhà vua ngự trên một chiếc ngai có tay sơn đỏ và trang trí đầu rồng. Trước mặt ngài đặt một chiếc bàn phủ nệm bọc lụa đỏ thêu vàng, ngài tỳ tay lên đó.

Bên phải ngai vua là hoàng đệ, ngồi trên một chiếc ghế đẩu. Tôi để ý thấy bên tay trái cũng có một chiếc ghế tương tự, để trống, người ta bảo tôi rằng đó là chỗ của một hoàng đệ khác, lúc này ông ta đang có mặt ở Đồng Nai. Phía sau chỗ của hai hoàng đệ, là các quan ngồi trên những hàng ghế dài khác nhau, tùy theo địa vị của họ trong triều.

Nhà vua mặc một áo bào dài bằng lụa màu vàng sẫm, thêu đầu rồng bằng chỉ vàng. Ngài đội một mũ vải bó lấy đầu, phía sau cao lên, phía trước trang trí vài viên đá quý. Trên chỏm mũ là một viên đá đỏ lớn, được đính vào mũ bởi một sợi dây bằng đồng thau, khiến nó vươn cao lên quá chỏm mũ vài pouce (khoảng 10cm.). Mỗi khi nhà vua cử động viên đá đong đưa phát ra ánh sáng rực rỡ. Các quan thì mặc áo lụa dài màu sắc khác nhau, có thêu rồng và mũ của họ thêu hoa bằng chỉ vàng, chỉ bạc. Họ đeo những cái đai rộng bằng dạ đỏ chói, có móc vàng cẩn mã não màu hồng.

Nhìn chung, điện chầu có vẻ sang trọng mặc dù thiếu nhiều thứ tạo thành sự cao quý và tráng lệ thường thấy ở hoàng gia các nước phương Đông như kim cương, thảm, kẻ hầu người hạ… Song sự chỉnh tề và cách trang hoàng ở đây cho ta cảm tưởng về một ông vua hùng mạnh và được tôn kính. Trước mặt ngai vua, đặt một ghế dài, chúng tôi ngồi trên đó cùng với quan tể tướng.

Tôi thưa với Hoàng thượng rằng tôi chỉ được chính quyền Anh quốc ở Bengale cử đến để đề nghị lập quan hệ thương mại và hữu hảo giữa hai nước. Nhà vua đáp rằng: ông đã nghe tiếng đồn về những thành tích của người Anh, rằng nước này đã vượt qua tất cả những nước khác về số lượng tàu bè và tài năng của thủy thủ, nhưng đã lợi dụng ưu thế đó để tấn công, chiếm đoạt và cướp bóc mọi tàu thuyền trên biển. Ngài nói sẽ vui lòng cho phép người Anh vào buôn bán tại các hải cảng miễn là họ tôn trọng uy quyền của ngài.

Sau khi xác nhận điều thứ nhất và thanh minh điều thứ hai, rằng đó là thông tin bịa đặt của những kẻ đố kỵ với sự thịnh vượng của nước Anh, Nhà vua tuyên bố người Anh được quyền buôn bán tại các hải cảng với điều kiện họ phải đóng thuế 7.000 quan đối với tàu ba cột buồm, 4.000 cho tàu hai cột và 2.000 cho các tàu nhỏ hơn. Rồi ngài lui vào tư thất, và lập tức cho gọi chúng tôi vào trong đó. Ngài đã bỏ triều phục để mặc một chiếc áo choàng không có tay bằng lụa đỏ. Mọi lễ nghi được dẹp bỏ cho cuộc nói chuyện thoải mái. Nhà vua nhắc lại với chúng tôi rằng, ngài có lòng biệt đãi với người Anh và thành thật muốn thắt chặt quan hệ với họ. Ngài còn nói thêm: trước mặt triều thần, ngài đòi tàu bè của Anh phải đóng thuế vào cảng, đó chỉ là làm theo thể thức, nhưng để chứng tỏ rằng tình hữu hảo với người Anh, ngài sẽ không bao giờ đòi hỏi những khoản ấy, và sẽ ban cho chúng tôi mọi ân sủng trong quyền lực của ngài.

Ngài liệt kê những sản vật của vương quốc như hồ tiêu, quế, gỗ quý, ngà voi, thiếc và nhiều thứ khác mà dân của ngài không có trình độ để khai thác giá trị. Ngài đặt riêng tôi mua cho ngài một con ngựa hồng với bất cứ giá nào, và yêu cầu gửi ngay theo con tàu đầu tiên sẽ tới Đàng Trong.

Chúng tôi cáo lui sau khi uống trà và ăn trầu. Tối hôm ấy, tôi nhận được ba vương điệp: bức thứ nhất, đóng ấn chỉ lớn nêu lên những điều kiện để tàu bè của chúng tôi được vào buôn bán trong các hải cảng Đàng Trong, hai bức thư kia đóng ấn chỉ nhỏ, một bức miêu tả chi tiết con ngựa hồng mà Hoàng thượng muốn mua, bức kia là tín chỉ cho phép thăm tất cả các hải cảng của vương quốc.

Ngày hôm sau, 26-7-1778, chúng tôi rời vương thành để về Quy Nhơn. Trên đường đi chúng tôi còn có dịp thấy nhà vua nằm trên một chiếc cáng đỏ, màu sắc chỉ có một mình vua được dùng. Nghe tin xấu từ Đồng Nai nơi hạm đội của ngài đang đóng, nhà vua phải thân hành ra giữa vịnh Quy Nhơn để làm lễ an tai."

(Theo Annales des Voyages de la géographie et de l'histoire - Paris 1809, Hoàng Ly lược dịch)

. Theo Bình Định nguyệt san năm 1998

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà Tây Sơn và việc thượng tôn pháp luật  (05/02/2006)
Bánh tráng  (01/02/2006)
Ngàn dặm Huyền Trân   (28/01/2006)
Bãi võ đầu xuân   (28/01/2006)
Văn bia kỷ niệm chó và tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu  (27/01/2006)
Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn  (25/01/2006)
Anh hùng với giai nhân  (24/01/2006)
Đô đốc Long quê ở đâu ?  (22/01/2006)
Sắc màu Ba na  (20/01/2006)
Bang giao Đại Việt triều Tây Sơn   (18/01/2006)
Chất Bình Định trong thơ Xuân Diệu  (16/01/2006)
Nguyễn Huệ đánh tan "Tứ Chiêu"  (12/01/2006)
Làng rèn Thạnh Xuân  (10/01/2006)
Ai tư vãn, bằng cớ mối tình sâu nặng Ngọc Hân - Nguyễn Huệ   (08/01/2006)
Gỏi sứa  (05/01/2006)