Thăm quê hương Bùi Thị Xuân
8:43', 9/2/ 2006 (GMT+7)

               Nữ tướng Bùi Thị Xuân

Hàng năm cứ đến mồng năm Tết Nguyên đán, hàng vạn người Bình Định và khách bốn phương trẩy hội về Tây Sơn, quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ để dự lễ hội Đống Đa lịch sử.

Lễ hội được tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung nằm trên khuôn viên nhà cũ của Tây Sơn tam kiệt tại làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện lỵ huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 40km.

Khách hành hương đến đây, trước là tưởng nhớ đến công đức của Tây Sơn tam kiệt, sau nữa là tham quan các di tích lịch sử có liên quan đến nhà Tây Sơn, trong đó có từ đường nữ đô đốc Bùi Thị Xuân.

Từ thị trấn Phú Phong đi ngược Quốc lộ 19 về hướng Đông chừng 1.000m là đến thôn Phú Huề thuộc xã Bình Phú. Trên quốc lộ, một tấm biển to lớn chỉ lối vào từ đường Bùi Thị Xuân hiện ra trước mắt. Rẽ tay trái, theo con đường đất đi vào làng chừng vài trăm mét là đến khuôn viên từ đường nữ tướng.

Đó là một ngôi nhà ngói xinh xắn, ba gian, bên trong toàn gỗ lim, bàn thờ chính đặt ở gian giữa. Đôi câu đối, chân đèn, tranh Bùi Thị Xuân... Phía trước sân có tấm bia cao chừng một mét ghi công đức của bà. Đây là từ đường chánh phái họ Bùi. Còn từ đường thứ phái họ Bùi ở gần đó, là một ngôi nhà đúc hai tầng kiến trúc hiện đại, nơi thờ tự đặt ở trên gác, có hai bức đại tự "Bùi từ đường" và "Quang tiền liệt". Theo con cháu cho biết thì từ đường thứ phái đã có từ trước và mới được sửa sang lại.

Tại quê hương của bà Bùi Thị Xuân còn lưu lại một số di tích và truyền thuyết gắn liền với gia đình và cuộc đời của nữ dũng tướng như Vườn Dinh, Gò Đình và Trường Võ.

Tương truyền Vườn Dinh là dinh của Bùi Thị Xuân ở phía sau nhà thờ chánh phái. Vườn Dinh từ lâu là bãi đất công của làng và là đất hoang không được sử dụng. Vườn Dinh là khu đất cao có nhiều cây cổ thụ sau này bị san bằng để xây dựng trường học, chung quanh có trồng nhiều cây dừa, râm mát để các cháu vui chơi.

Tại Quốc lộ 19, nơi rẽ vào từ đường, đi ngược về hướng Đông chừng vài trăm mét thì đến Gò Đình. Gò nằm bên tay trái quốc lộ. Tương truyền, ngày xưa nơi đây là chỗ dạy voi trận của nữ tướng. Gò Đình nổi lên giữa cánh đồng trũng của dòng họ Bùi, đến thời nhà Nguyễn, Minh Mạng cho sung công ruộng gọi là "ngụy điền". Sở dĩ là Gò Đình vì ngày xưa có đình lớn chung cho bảy xã của huyện Tuy Viễn.

Từ Gò Đình đi về hướng Đông chừng 500 mét thì đến cầu Đồng Sim. Cầu bắc qua suối Đồng Sim, nằm trên Quốc lộ 19. Bên kia cầu, về phía tay phải, có một khu đất trồng hoa màu rộng đến 2 ha, mang tên Trường Võ. Tương truyền nơi đây, ngày xưa là chỗ luyện quân và luyện voi chiến của nữ tướng, trước khi biên chế thành đội ngũ.

Hình ảnh nữ đô đốc uy dũng trong bộ võ phục như hiện về cùng với ba quân trong tâm tưởng khách tham quan:

Hoa đào đôi má thắm tươi

Lưng cài song kiếm, tay thời cầm thương

Rúc còi phá vỡ màn sương

Một đoàn chiến tượng thẳng đường xông pha

Toán trên lại, toán dưới qua

Chia thành đội ngũ năm, ba rõ ràng...

(Cân quắc anh hùng truyện)

Đầu xuân, về thăm quê hương vị nữ dũng tướng nhà Tây Sơn như để ôn lại truyền thống thượng võ của đất Bình Định năm xưa: Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi đi quyền...

. Theo báo Cần Thơ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hơn 200 năm trước Nguyễn Nhạc sẵn sàng mở cửa  (07/02/2006)
Nhà Tây Sơn và việc thượng tôn pháp luật  (05/02/2006)
Bánh tráng  (01/02/2006)
Ngàn dặm Huyền Trân   (28/01/2006)
Bãi võ đầu xuân   (28/01/2006)
Văn bia kỷ niệm chó và tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu  (27/01/2006)
Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn  (25/01/2006)
Anh hùng với giai nhân  (24/01/2006)
Đô đốc Long quê ở đâu ?  (22/01/2006)
Sắc màu Ba na  (20/01/2006)
Bang giao Đại Việt triều Tây Sơn   (18/01/2006)
Chất Bình Định trong thơ Xuân Diệu  (16/01/2006)
Nguyễn Huệ đánh tan "Tứ Chiêu"  (12/01/2006)
Làng rèn Thạnh Xuân  (10/01/2006)
Ai tư vãn, bằng cớ mối tình sâu nặng Ngọc Hân - Nguyễn Huệ   (08/01/2006)