Hé mở hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung ?
15:35', 10/2/ 2006 (GMT+7)

Từ năm 1928 đến nay, ở Huế đã khơi dậy một vấn đề khoa học lý thú là việc đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung. Đã có nhiều học giả và các nhóm nghiên cứu độc lập vào cuộc và một số tư liệu đã được công bố. Tuy nhiên, đến nay khu di tích lăng mộ Vua Quang Trung chính xác nằm ở đâu vẫn còn là một ẩn số.

Chữ Khuân mà ông Trần Đại Vinh nêu ra để so sánh.

Mới đây, trong năm 2005, hai học giả Hồng Phi và Nương Nao tại Thanh Hóa, đã có một phát hiện mới và công bố tư liệu có liên quan đến lăng mộ Vua Quang Trung, tiếp sau đó, tác giả Lê Duy Kha có bài viết lóe lên tia hy vọng tìm thấy Đan Lăng đăng trên An Ninh Thế Giới (số 519, ra ngày 7-1-2006) đã hâm nóng lại vấn đề này và ngày 8-2, Hội khoa học lịch sử (KHLS) Thừa Thiên - Huế, đã tổ chức một buổi tọa đàm Hướng đi tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung.

Tham dự buổi tọa đàm có hầu hết các học giả, các nhà nghiên cứu đã từng có công trình nghiên cứu về lăng mộ Vua Quang Trung ở Huế (có công trình đã công bố và có nhiều nghiên cứu chưa công bố). Đặc biệt, đến tham dự buổi tọa đàm có hai tác giả Hồng Phi và Nương Nao là những người mới phát hiện bài thơ Kiến Quang Trung linh cữu của tác giả Lê Triệu (1771-1846) trong tập Liên Khê Nam hành tạp vịnh và công bố trên Tạp chí Xưa và Nay (số 245, tháng 10-2005).

Theo hai tác này, Lê Triệu (tên thường gọi là Cả Triệu, tự Ôn Phủ, hiệu Liên Khê, người thôn Thụy Liên, xã Đại Trung; nay là xã Hoàng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), là một nhà Nho không đỗ đạt nhưng tài hoa và phẩm cách rất được người đời ca tụng. Ông viết bài thơ này trong một chuyến vào Nam, vào khoảng năm 1807-1808, sau khi lăng mộ Vua Quang Trung đã bị Vua Gia Long khai quật. Bài thơ đã được hai tác giả này phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ. Phần phiên âm, xin được trích:

Trấp niên sất sá tẩu phong vân
Như thử anh hùng cổ hãn văn
Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt
"Khuân Sơn" họa tại bách niên phần
Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận
Cô phụ đường đường bách xích thân
Quang cảnh nhất ban thành phấn mị
Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần

(Nguyên bản chữ Hán đã mờ xin được in kèm để bạn đọc tham khảo)

Ở bài thơ này, ở câu thứ tư có chữ đầu mà hai tác giả trên không xác định được rõ ràng nên chỉ phỏng đoán đó là chữ Khuân (xem ảnh nguyên bản bài thơ trên chỗ khoanh tròn). Và từ phỏng đoán này, hai tác giả đã liên hệ với các sử liệu khác để dẫn đến một giả thuyết là nơi mai táng Vua Quang Trung thuộc Khuân Sơn (một ngọn núi ở đầu nguồn thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Nguyên tác bài thơ bằng chữ Hán của tác giả Lê Triệu, vừa được hai nhà nghiên cứu Hồng Phi và Nương Nao sưu tầm và công bố.

Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều ý kiến khác nhau về tự dạng của chữ Hán này. Ông Trần Đại Vinh cho rằng đây không phải là chữ Khuân, vì trong chữ Hán, chữ khuân (xem ảnh) có nghĩa là cái kho, được dùng để chỉ Khuân Sơn, ở đầu nguồn huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế được viết khác, bên ngoài là bộ vi, bên trong là bộ hòa).

Vì thế tự dạng trên chắc chắn không phải chỉ Khuân sơn này. Đối chiếu với câu trên trong bối cảnh của bài thơ, ông Trần Đại Vinh cho rằng tác giả đang dùng hai điển tích cổ vì ở trên tác giả viết "Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt" (Một âm mưu đầu độc của Hàm Đan đã làm trôi chảy hàng ngàn vạn xương cốt". Vì vậy câu tiếp sau có thể tác giả cũng dùng một điển tích, điển cố nào đó mà tạm thời chúng ta chưa xác định được.

Từ lập luận này tác giả cho rằng tác giả Lê Triệu đã mượn những điển tích để chuyển tải tâm trạng của mình. Vì vậy ở đây chưa hẳn đã là một địa danh cụ thể để tìm.

Khác với lập luận của ông Trần Đại Vinh, ông Trần Viết Điền (cũng qua đoán tự dạng cho rằng đây là chữ Ngụy (trong Ngụy Vương tức Tào Tháo). Tuy nhiên, phỏng đoán này cũng không được đồng tình nhiều, vì chữ Ngụy mà triều Gia Long dùng chỉ cho triều Tây Sơn là ngụy tặc.

Một học giả khác thì cho rằng trong Khang Hy từ điển có thấy chữ Xước (hơi giống chữ này ở phần bên phải) nhưng cũng chỉ là phỏng đoán...

Buổi tọa đàm kết thúc nhưng ẩn ngữ trong bài thơ của Lê Triệu vẫn chưa được hé mở. Vì vậy, câu chuyện có phải Khuân Sơn là nơi mai táng lăng mộ Vua Quang Trung hay không vẫn chưa được giải quyết.

PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên - Huế, gút lại: Lăng mộ Vua Quang Trung đã bị Vua Gia Long khai quật và tiêu hủy để trả thù, nhưng chắc chắn di tích ấy phải còn. Tuy nhiên, nó ở đâu là nhiệm vụ của tất cả những người làm khoa học lịch sử phải tìm. Theo chính sử của triều Nguyễn ghi lại, lăng mộ của Vua Quang Trung nằm ở phía nam sông Hương (Hương Giang chi Nam). Hiện nay, theo một số nghiên cứu cá nhân ở Huế, thì có 6 điểm đang được quan tâm, đó là núi Ngọc Trản (có điện Hòn Chén); núi Kim Phụng; khu vực Bình An (gần chùa Vạn Phước và Thiền Lâm); lăng Ba Vành (khu vực Thiên An); khu vực Bình Điền (xã Bình Điền, huyện Hương Trà) và núi Chóp Vung, gần đường tráng Huế.

Trước mắt Hội KHLS Thừa Thiên - Huế tạm thời chưa "dấn thân" vào vấn đề này và các nhà nghiên cứu đã có công trình cứ tiếp tục nghiên cứu độc lập. Đến tháng 6-2006 này, Hội KHLS Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục mở một cuộc hội thảo để nghe các nhà nghiên cứu báo cáo kết quả của mình.

Và theo PGS-TS Đỗ Bang, cuộc tọa đàm đã lóe lên nhiều tia sáng cho hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung, vị anh hùng dân tộc. Hy vọng một tương lai không xa di tích lăng mộ Vua Quang Trung sẽ được tìm ra.

. Theo Bùi Ngọc Long (Thanh Niên)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tĩnh lặng Sơn Long  (10/02/2006)
Thăm quê hương Bùi Thị Xuân  (09/02/2006)
Hơn 200 năm trước Nguyễn Nhạc sẵn sàng mở cửa  (07/02/2006)
Nhà Tây Sơn và việc thượng tôn pháp luật  (05/02/2006)
Bánh tráng  (01/02/2006)
Ngàn dặm Huyền Trân   (28/01/2006)
Bãi võ đầu xuân   (28/01/2006)
Văn bia kỷ niệm chó và tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu  (27/01/2006)
Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn  (25/01/2006)
Anh hùng với giai nhân  (24/01/2006)
Đô đốc Long quê ở đâu ?  (22/01/2006)
Sắc màu Ba na  (20/01/2006)
Bang giao Đại Việt triều Tây Sơn   (18/01/2006)
Chất Bình Định trong thơ Xuân Diệu  (16/01/2006)
Nguyễn Huệ đánh tan "Tứ Chiêu"  (12/01/2006)