Hồ Hoa Huệ - Nữ chưởng môn độc nhất vô nhị
14:18', 17/2/ 2006 (GMT+7)

Xin được nói ngay đó là Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ - chưởng môn môn phái Tinh Võ Đạo. Bà tên thật là Nguyễn Thị Kim Xoa, sinh năm 1944, quê nội là đất võ Tây Sơn (Bình Định).

1.

Võ sư Hồ Hoa Huệ và các môn sinh người Ý tại bờ biển Rosolyna.

Từ một cô bé mồ côi cha, lăn lộn bán trà đá ở bến phà Mỹ Thuận, giờ đây Hồ Hoa Huệ đã có sự nghiệp kinh doanh vững vàng, có môn phái riêng, có võ đường hiện đại bậc nhất Việt Nam (ở đường Lâm Văn Bền, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM). Bà từng 4 năm liền đọat ngôi vô địch kỹ thuật võ cổ truyền toàn quốc... Đặc biệt, nữ võ sư này còn trải qua nhiều năm trời "hành hiệp" mang võ Việt Nam "xuất khẩu" qua 15 nước châu Âu và châu Phi. Để có được sự nghiệp vững vàng như vậy, ít ai biết rằng võ sư Hồ Hoa Huệ phải trải qua một tuổi thơ cực nhọc, vất vả.

Võ sư Hồ Hoa Huệ vốn sinh ra ở miền Nam. Mồ côi cha năm lên 2 tuổi. Sau đó bà được ông nội đưa về Tây Sơn (Bình Định) nuôi dưỡng. Đến năm lên 10 thì ông nội chỗ dựa lớn nhất của bà lúc đấy qua đời.

Mất chỗ dựa cô bé Huệ phiêu bạt lên Tây Nguyên và may mắn gặp một thầy võ quê gốc Tây Sơn nhận làm con nuôi và truyền nghề. Được một thời gian, bà theo chị trở về Sài Gòn. Được ít lâu bà theo mẹ xuôi về Mỹ Tho. Nhưng rồi cuộc sống buộc bà phải lộn ngược lên Sài Gòn, di chuyển chỗ ở liên tục từ quận 4, qua quận 8, xuống quận 10... Cái cực của đời bà là phải dịch chuyển rất nhiều. Nhưng đó cũng là duyên may vì nhờ đó bà được gặp, được thọ giáo những võ sư kỳ tài, nhiều môn phái.

Rủi rong như thế đến năm 30 tuổi thì bà đã đứng ra mở một lò võ ở đất Tiền Giang. Và đến năm 41 tuổi, khi quay trở lại TP.HCM, bà đã chính thức ra mắt môn phái Tinh Võ Đạo do mình sáng lập.

2.

Thường thì các võ sư đều nghèo. Bởi vậy, việc nữ võ sư Hồ Hoa Huệ trở thành một phụ nữ giàu có, quý phái, nuôi sống nghiệp võ còn chứng tỏ rằng bà không chỉ có những "tuyệt chiêu" trên võ đài mà ngay cả trong cuộc sống, kinh doanh bà cũng rất am tường! Có thời gian bà kinh doanh vàng bạc, có kẻ đồn rằng võ của Hồ Hoa Huệ là "võ mua". Không cần phải thanh minh, bà âm thầm đăng ký đi thi và trở thành đương kim vô địch kỹ thuật hạng tuổi 50 - 60 võ cổ truyền Việt Nam suốt 4 năm liền từ 1996 đến 1999. "Mình luôn tự tin, ngay cả kinh doanh cho đến luyện võ cũng vậy, cái nào muốn là phải làm cho bằng được", bà nói.

Chưởng môn Hồ Hoa Huệ và các môn sinh tại võ đường Tinh Võ Đạo.

Sự kiện nữ võ sư Hồ Hoa Huệ liên tiếp nắm giữ huy chương vàng võ cổ truyền Việt Nam đã gây sự chú ý của làng võ không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Mùa thu năm 1998 và mùa hè năm 2000, nhận lời mời đích danh của Hiệp hội quốc tế võ đạo Việt Nam tại châu Âu và Ma Rốc nữ võ sư Hồ Hoa Huệ khăn gói bước vào cuộc xuất dương "hành hiệp". Nhà báo Phương Tấn, Chủ biên tạp chí Sổ tay võ thuật người được phân công làm trưởng đoàn của chuyến xuất dương kể rằng - tại Pháp, sau khi xem nữ võ sư Hồ Hoa Huệ đi những đường "đại đao Lý Thường Kiệt", giáo sư Trần Văn Khê đã đánh rơi chiếc gậy vì xúc động lao tới ôm chầm tán dương bà hết lời.

Còn tại Nice, một thành phố biển lộng lẫy của nước Pháp, sau khi bà xuất hiện thì võ sư Trần Hoài Ngọc, chưởng môn phái Cửu Long võ đạo đã bái tổ dâng luôn kiếm lệnh của môn phái mà ông đã gầy dựng trước đó 18 năm cho bà điều hành. Tại Thụy Sĩ, võ sư Huỳnh Đại Hải cũng đã mời bà đứng lớp một khóa huấn luyện các thế chiến đấu kéo dài 45 ngày cho 42 vệ sĩ chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ tại các ngân hàng...

3.

Đến thời điểm này ngồi "cộng sổ" lại thì bà đã đưa võ cổ truyền Việt Nam đến hàng chục võ đường của 15 nước châu Âu và hàng loạt các tỉnh, thành của Ma Rốc. Đặc biệt sau những lần bà "lưu dạy" như thế, các môn sinh nước ngoài đã lũ lượt tìm đường sang Việt Nam để được thọ giáo thầy nhiều hơn. Bà kể: "Võ đường ở đường Nguyễn Tiểu La lúc đó còn quá nghèo, chật chội, nên tôi quyết tâm tích lũy và xây cho được cái võ đường hoành tráng, hiện đại như mình mơ ước để khi môn sinh nước ngoài nhìn vào họ không dám coi thường". Bây giờ thì quyết tâm của bà đã có kết quả.

Tại võ đường của Tinh Võ Đạo, hằng năm cứ đến mùa hè là người ta lại thấy từng nhóm thanh niên nước ngoài lũ lượt về tập dượt, tu nghiệp võ thuật. "Trong con mắt họ, võ cổ truyền Việt Nam có một điều gì đó huyền bí, thiêng liêng lắm. Họ muốn khám phá những điều bí ẩn của võ thuật Việt Nam mà cha ông họ kể lại", bà kể.

Hiện nay Hồ Hoa Huệ là ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam. Nhiều người còn biết bà là tác giả của hơn 200 bài... vọng cổ, đặc biệt trong đó có tuyển tập Bến nước hẹn hò mà các danh ca lừng danh như Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ... từng thể hiện ngọt lịm. Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ quả thật rất đa tài.

. Theo TNO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hé mở hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung ?  (10/02/2006)
Tĩnh lặng Sơn Long  (10/02/2006)
Thăm quê hương Bùi Thị Xuân  (09/02/2006)
Hơn 200 năm trước Nguyễn Nhạc sẵn sàng mở cửa  (07/02/2006)
Nhà Tây Sơn và việc thượng tôn pháp luật  (05/02/2006)
Bánh tráng  (01/02/2006)
Ngàn dặm Huyền Trân   (28/01/2006)
Bãi võ đầu xuân   (28/01/2006)
Văn bia kỷ niệm chó và tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu  (27/01/2006)
Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn  (25/01/2006)
Anh hùng với giai nhân  (24/01/2006)
Đô đốc Long quê ở đâu ?  (22/01/2006)
Sắc màu Ba na  (20/01/2006)
Bang giao Đại Việt triều Tây Sơn   (18/01/2006)
Chất Bình Định trong thơ Xuân Diệu  (16/01/2006)