Võ sư Quốc Cường - Người ăn bóng đèn, nuốt rắn sống
10:32', 19/2/ 2006 (GMT+7)

Võ sư Quốc Cường nuốt rắn lục.

Tháng 10-2005, Ban tổ chức chương trình những chuyện lạ Việt Nam - tìm kiếm những kỷ lục guinness Việt Nam do VTV3 chủ trì đã quyết định trao giải thưởng kỷ lục vàng cho võ sư Quốc Cường (quê gốc ở Hoài Nhơn - Bình Định) với nội dung “màn trình diễn ấn tượng nhất”. Trước đó, Vietbooks cũng đã xác lập kỷ lục cho vị võ sư này với tư cách là người có nhiều pha biểu diễn lạ lùng nhất Việt Nam.

Quốc Cường bảo rằng, suốt mấy mươi năm "hành hiệp", đời anh mới chỉ có ba lần "sướng" là được ra Hà Nội mà không tốn tiền, lại còn có bao thư mang về, cả ba lần đều nằm trong chương trình của VTV3. Anh kể: "Lần thứ nhất tôi dự kiến ăn 20 cái bóng đèn neon, nhưng mới ăn có 6 cái cả trường quay vỗ tay rào rào và không cho ăn nữa. Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai được mời đến kiểm tra sức khỏe, thấy tôi bình thường đã kết luận là chuyện lạ". Lần đó, Quốc Cường nhận tổng cộng 40 cuộc điện thoại của khán giả VTV3. Nhưng theo anh, cảm động nhất là có những giọng nữ thút thít khóc, bảo rằng "Anh ơi, tiền được bao nhiêu mà anh đánh đổi mạng sống như vậy".

Lần thứ hai ra Hà Nội, Quốc Cường chuyển sang nuốt... rắn sống! Ở TP.HCM, anh đã chuẩn bị 20 con rắn lục xanh mang theo nhưng đến phi trường Tân Sơn Nhất làm thủ tục thì bị "vịn". Đến khi anh cầu cứu và VTV3 can thiệp thì mới được phép mang rắn lên máy bay, với điều kiện phải... may miệng và đóng thùng. Lại phải kêu cứu thêm một lần nữa mới đưa được thứ "đạo cụ" kỳ lạ ấy ra đến Hà Nội. Anh định nuốt sống một lượt 4 con nhưng gặp thời tiết lạnh, cả 20 con rắn đều lờ đờ sắp chết nên phương án "bấm đui" cho chúng chui tọt vào miệng bị phá sản, Quốc Cường phải chuyển sang... nuốt sống một lúc 2 con. Và cũng chỉ mới được 2 con thì được lệnh ngừng lại vì "như thế là quá lạ rồi". Lần thứ ba, Quốc Cường ra Hà Nội để nhận kỷ lục vàng, anh bảo: "Đó là vinh dự mà suốt mấy mươi năm qua tôi không dám mơ tới".

Võ sư Quốc Cường tại trường quay của hãng truyền hình Nhật Bản.

Khi chương trình nuốt rắn được phát trên kênh VTV4. Một hãng truyền hình lớn của Nhật sau khi xem đã cử đại diện sang Việt Nam mời anh sang Nhật Bản biểu diễn hai pha ăn bóng đèn và nuốt rắn. Lần này, anh không phải mang "đạo cụ" theo vì bóng đèn thì nước nào cũng sẵn có còn rắn thì phía Nhật đã chuẩn bị. Nhưng chính chuyến đi này lại là chuyến đi nhớ đời vì khi bước vào trường quay, thay vì rắn lục thường thì Ban tổ chức đã trình ra một con rắn lục đuôi đỏ. "Rắn đuôi đỏ nếu nói ở Việt Nam có ông nào không sợ thì xin cho Cường gặp mặt", anh kể. Và cũng từ đó anh rút ra "kinh nghiệm xương máu" cho mình là đừng bao giờ ỷ y mỗi khi được mời đi lưu diễn xa. Nhưng may mắn là lần đó "con đuôi đỏ" đã không chạm răng đến cổ họng của Quốc Cường mà ngoan ngoãn để cho anh thực hiện thành công màn diễn.

Tự làm mới mình

Quay lại với "sàn diễn" trong nước, những màn đập dừa, đập chai, đập chậu vào đầu... thì dường như chỉ là những "trò đùa" nho nhỏ đối với Quốc Cường. Để khán giả không chán, vị võ sư này đã không ngừng khổ luyện để "tự làm mới" mình. Nào là trò quấn kẽm vào người, sau đó vận nội công cho kẽm đứt bung ra, rồi dùng tay không chặt sầu riêng, dùng ngón tay xỉa lủng trái dừa hay lấy thanh sắt đập vào ống quyển, đâm thương vào cuống họng, dùng yết hầu - thông qua lực từ mũi giáo nhọn đẩy chiếc xe tải 2 tấn rưỡi bon bon trên quãng đường 50 mét...

Bước vào làng điện ảnh với những lợi thế riêng, Quốc Cường cũng từng được khán giả biết đến như một "quái nhân màn bạc". Anh bảo: "Tướng tá mình vậy đâu có ai cho đóng vai chính, chỉ toàn vai phản diện không! Tính ra, 17 năm tham gia hơn 30 phim, phim truyền hình có, phim nhựa có, phim nước ngoài cũng có". Anh vào vai sư phụ của tướng cướp lừng danh Bạch Hải Đường trong phim Hải đường trắng và chấp nhận đóng những pha "chết người" như: Dao chặt vào người không đứt, cây đập vào người không đau... Nhưng sự nghiệp điện ảnh tưởng chừng như ít sóng gió ấy rồi cũng buộc Quốc Cường phải trả giá bằng một vết sẹo để đời ngay trên yết hầu mà thậm chí cho đến tận bây giờ, khi nghe anh kể lại chúng tôi vẫn không khỏi rùng mình.

Võ sư Quốc Cường dùng ngón tay chọc thủng quả dừa.

Lần đó anh đóng vai một "đại ca", đối thủ của Trần Quang trong phim Vết thù năm tháng và tung một chiêu diễn mà cả phim trường phải kinh ngạc. Đó là cảnh hai bên gườm nhau, Trần Quang thì sừng sững trước đám đàn em còn Quốc Cường thì... nuốt con trăn để chứng tỏ cho đối phương thấy rằng mình cao cơ. Ban đầu cảnh quay diễn ra tốt đẹp, nhưng đến cảnh cuối thì con trăn ngộp quá đã cắn luôn vào cổ họng Quốc Cường. Máu tuôn xối xả không cách gì cầm lại được. Ngay cả khi được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, Quốc Cường đã nghĩ đến chuyện... cắn lưỡi tự tử vì sau khi được phẫu thuật để cầm máu, anh cũng tắt tiếng luôn không nói được. "Cường cảm thấy cuộc đời đối với mình đã chấm hết, chán sống đến tột cùng thì bỗng một hôm Cường ú ớ được và phát ra thành tiếng", anh kể.

Sau này khi tìm hiểu lại mới tá hỏa ra là đoàn làm phim mua nhầm một con nưa chứ không phải trăn. Ngày ra viện, anh cũng từng "thề non hẹn biển" trước các bác sĩ rằng sẽ không bao giờ dám đụng chạm đến rắn nữa nhưng khi phục hồi lại sức lực, anh lại "lao vào rắn" với những pha còn táo bạo hơn như mọi người đã biết...

Những tai nạn nghề nghiệp

Bề ngoài trông dữ dằn nhưng Quốc Cường là người hiền khô nên cũng không ít lần bị kẻ khác "ép". Anh kể có lần diễn ở Bình Dương, một chủ lò gạch thử nghề anh bằng cách: Đưa toàn gạch loại "xịn" để anh công phá. Bình thường chỉ cần một chỏ đánh xuống là xong, nhưng lần đó anh đánh ê ẩm đến "tận tim gan" mà gạch vẫn không bể, phải vận dụng cả "Thiết đầu công" mới giải quyết xong đống gạch. Lần khác, tiết mục quấn kẽm vào người, trong lúc vận công anh đã bị một khán giả lên "thử dây kẽm" rồi lợi dụng lúc anh sơ hở đã "thử" luôn yết hầu. Quốc Cường phải cố chịu trận vận khí đề công cho đến khi dây kẽm đứt, khán giả vỗ tay... thì đã tê tái như người chết đi sống lại. Nhưng người khách ấy rồi cũng chỉ biết nói: "Tôi muốn thử nghề anh thôi mà!". Ngay cả chuyện đâm thương vào cuống họng, anh cũng không thể nhớ hết là đã bao lần anh bị phun máu, vì khán giả cứ... lỡ tay muốn thử nghề anh. Toàn thân Quốc Cường giờ đây đầy vết sẹo, hậu quả của những tháng ngày biểu diễn để thỏa mãn khát vọng vươn lên. Gặp chúng tôi lần nào anh cũng bảo sẽ bỏ nghề, nhưng lúc chia tay thì lại dặn với theo: "Tuần sau Cường đi lưu diễn miền Tây nè, có theo không?".

Nhận xét về Quốc Cường, có lần võ sư Nghệ sĩ ưu tú Lý Huỳnh đã "phán" một câu mà nhiều bạn bè trong giới võ lâm và điện ảnh đến giờ vẫn nhớ: "Lấy máu của mình để gầy dựng sự nghiệp, Quốc Cường là một người đáng để cho chúng ta khâm phục, vì chỉ có sự khổ luyện mới có được những màn trình diễn ấn tượng như thế!".

. Theo TNO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoang sơ Đá Bàn  (17/02/2006)
Hoàng đế Quang Trung được Càn Long trọng thị như thế nào  (17/02/2006)
Mùa xuân đi coi hát bội  (17/02/2006)
Hồ Hoa Huệ - Nữ chưởng môn độc nhất vô nhị  (17/02/2006)
Hé mở hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung ?  (10/02/2006)
Tĩnh lặng Sơn Long  (10/02/2006)
Thăm quê hương Bùi Thị Xuân  (09/02/2006)
Hơn 200 năm trước Nguyễn Nhạc sẵn sàng mở cửa  (07/02/2006)
Nhà Tây Sơn và việc thượng tôn pháp luật  (05/02/2006)
Bánh tráng  (01/02/2006)
Ngàn dặm Huyền Trân   (28/01/2006)
Bãi võ đầu xuân   (28/01/2006)
Văn bia kỷ niệm chó và tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu  (27/01/2006)
Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn  (25/01/2006)
Anh hùng với giai nhân  (24/01/2006)