Cốm ngễnh Bình Định và hạt nếp sột soạt
12:6', 22/2/ 2006 (GMT+7)

Hãy hình dung, những ngày cuối đông, sang xuân, trời trở lạnh ban ngày đôi khi nắng vàng hươm nhưng chiều vừa xuống nhiều thiếu nữ đã có thể khoắc thêm chiếc áo lạnh mỗi khi ra đường. Khoảnh thời gian này thưởng thức cốm mới sung sướng làm sao. Là nói chuyện cốm Bình Định chứ những loại cốm ở xứ khác xin chưa bàn đến.

 

Không nổi tiếng như cốm làng Vòng (Hà Nội) nhưng cốm nghễnh cũng giữ một phần hồn của những người Bình Định yêu quê. Ảnh: Dantri online

 

Ở quê tôi, người ta gọi lọai cốm được chế biến từ nếp sột soạtcốm nghễnh. Bình Định không nổi tiếng về lúa gạo hay lúa nếp nhưng về nếp cũng có đến mấy loại. Có thể kể ra đây, là: nếp ngự, nếp quạ, nếp cái, nếp tiêu... nếp ba tháng và nếp sột soạt. Mỗi loại nếp có một đặc điểm riêng, như nếp sột soạt có thân cứng, cao trên dưới 1 mét. Thường được cấy vào mùa thu, bốn tháng thì thu hoạch và còn kịp để làm cốm nghễnh ăn chơi trong mùa đông mưa gió lạnh lẽo và nhẩn nha cùng với tết. Tôi muốn kể nhiều về loại nếp này vì lẽ nó đã vĩnh viễn biến mất trên những chân đất ở quê mình.

Ngay khi nếp sột soạt vừa chín tới là đã phải lo gặt về. Có thể biết điều này bằng cách xem chừng những hạt cuối ở gié nếp. Nếu còn ngậm sữa là được. Cắt về bỏ ngoài sân và cả nhà xúm xít lại tuốt nếp. Rồi lấy cái trã đất và lần lượt bỏ nếp vô rang lên. Lúc vỏ nếp hãy còn giòn thì lấy cối giã liền. Nên nhớ phải có một cái cối thật đằm, chày thật nặng và giã phải thật đều tay thì mới được, giã cách làm sao mà vỏ nếp thì nát, hạt nếp thì dẹt nhưng phải rời ra, sau đó xảy sạch vỏ để lấy hột. Rưới dầu phộng lên nếp rồi trộn đều, tiếp tới cho vào chảo rang lên, từng hột nếp đã thấm dầu có thêm độ nóng của bếp lửa sẽ phồng lên tròn lẳn. Khoan dừng tay, hãy cứ tiếp tục cho tới khi nào hột nếp hơi vàng vàng là được.

Cốm ăn nóng khi vừa rang xong cũng được mà sau đó để nguội rồi bỏ vô bì, gói lại ăn từ từ cũng được. Mấy tối ở quê, sau cả ngày đi lo công chuyện. Tối nào chúng tôi cũng rang hằng mấy trả cốm như vậy và ngồi xúm xít bên nhau, vừa ăn vừa phụ làm bánh tết cùng gia đình chủ nhà. Cốm, vào những thời điểm ấy mới thật là giá trị. Bởi đã giúp cho người ta quên đi cái lạnh và cơn buồn ngủ.

Ăn cái thứ này đừng có tham mà ăn nhiều, bằng cách bốc nắm cốm bỏ ùm vào miệng. Ăn như thế thì uổng cả cốm mà uổng cả cái công làm. Phí lắm. Cốm đòi hỏi một sự thưởng thức chậm rãi và từ tốn. Trong khung cảnh sum họp cả nhà, thật không gì thú vị bằng được nhón từng hột, từng hột một và cứ thế mà nhẫn nha. Còn bọn trẻ con thì xin từng nhúm một bỏ đầy túi áo làm nóng ấm cả một bên ngực. Cốm nghễnh thế mà hay.

Tôi về quê, hỏi chuyện cốm nghễnh, nếp sột sọat, nhiều người "a" lên một cách thích thú nhưng rồi mau chóng tiếc nuối - Giống nếp cao ngồng như... cỏ voi ấy tuyệt tích lâu rồi, còn cốm thảng hoặc mới làm, nói gì đến cốm nghễnh! Rất nhiều thứ quà quê đang trở lại và nghiễm nhiên đứng vào hàng đặc sản do "hàm lượng văn hóa" tích tụ trong đó. Tôi mong cốm ngễnh sẽ mau trở lại.

  • Huyền Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Võ sư Quốc Cường - Người ăn bóng đèn, nuốt rắn sống  (19/02/2006)
Hoang sơ Đá Bàn  (17/02/2006)
Hoàng đế Quang Trung được Càn Long trọng thị như thế nào  (17/02/2006)
Mùa xuân đi coi hát bội  (17/02/2006)
Hồ Hoa Huệ - Nữ chưởng môn độc nhất vô nhị  (17/02/2006)
Hé mở hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung ?  (10/02/2006)
Tĩnh lặng Sơn Long  (10/02/2006)
Thăm quê hương Bùi Thị Xuân  (09/02/2006)
Hơn 200 năm trước Nguyễn Nhạc sẵn sàng mở cửa  (07/02/2006)
Nhà Tây Sơn và việc thượng tôn pháp luật  (05/02/2006)
Bánh tráng  (01/02/2006)
Ngàn dặm Huyền Trân   (28/01/2006)
Bãi võ đầu xuân   (28/01/2006)
Văn bia kỷ niệm chó và tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu  (27/01/2006)
Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn  (25/01/2006)