Lội vào sào huyệt của Bàu Đá
0:8', 25/2/ 2006 (GMT+7)

             Nấu rượu ở làng Bàu Đá.

Kết luận tạm thời của ông chủ nhiệm "Ủy ban ăn nhậu xuyên quốc gia" Nhà thơ Nguyễn Duy, người được nhà văn Nguyễn Quang Sáng đánh giá là khá sành về rượu, là - Rượu Bàu Đá là danh tửu đệ nhất của đất nước. May ra, ở cái "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" này chỉ có loại một rượu mầm (loại rượu không nấu bằng gạo mà được nấu bằng mầm lúa ở miền Bắc)  là có thể so sánh với rượu Bàu Đá. "Đi khắp thiên hạ rồi chưa thấy loại rượu nào sủi tăm nhiều và vị ngon như rượu Bàu Đá", Nguyễn Duy khẳng định.

Thiên hạ đệ nhất tửu

Cao hứng vì được ăn một bữa điểm tâm cháo lòng khá ngon tại quán Như Ý, ngay ngã ba quốc lộ, anh Nguyễn Trọng Huấn đề nghị thành lập một "Ủy ban ăn nhậu cấp quốc gia", đề cử luôn anh Nguyễn Duy làm chủ nhiệm. Ngay sau bữa ăn, các thành viên sáng lập của cái "Ủy ban lang thang ăn nhậu" khắp miền đất nước ấy lên xe thẳng tiến vào “sào huyệt” của danh tửu Bàu Đá…

Hệt như đoạn đường dẫn đến Gò Đen, xứ rượu nổi tiếng của Long An, hai bên đoạn đường dẫn đến Bàu Đá cũng đầy những dãy hàng rượu đặc sản của vùng. Những kệ rượu kê đầy những chai, bình rượu xanh, trắng và những bầu rượu to tướng được đặt lấn ra đến tận đường nhựa. “Việt Nam ta cũng là một cường quốc về ăn nhậu nhỉ”, anh Huấn nói. Điều lạ lùng là hầu hết các hàng rượu đều ghi chữ “Bầu Đá” chứ không phải là “Bàu Đá”. Anh Nguyễn Thanh Mừng, chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Bình Định, hướng dẫn viên của đoàn, cả cười: “Người ta đội thêm cái mũ cho rượu Bàu Đá ấy mà”.

Bàu Đá thuộc làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 22 cây số trên đường về phía Tây Sơn. Một con đường làng đất cát dẫn tới làng, hai bên là những thảm lúa xanh rì. Một cái cổng làng còn được xây dở, đường làng mới được xây bằng xi măng, thừa chỗ cho một chiếc xe hơi chạy. Chúng tôi đi đến nhà ông Tám Cọng, nơi “phát tích” của xứ rượu nổi tiếng này. Tưởng sẽ gặp một ngôi nhà khang trang, bề thế, ai ngờ chỉ là một ngôi nhà cũ kỹ, lụp xụp. Một ông già hom hem lấm lem bùn đất vì đang cấy rau muống, liền ngưng tay đưa chúng tôi vào nhà. Người đó chính là ông Tám.

Chúng tôi sang lò rượu nhà kế bên vì hôm nay nhà ông Tám không nấu rượu. Nhà bên cũng lụp xụp, thiếu sáng như nhà ông. Hai mẹ con bà Huynh đang nấu rượu. Cô con dâu tên Hoa xới cơm từ trong nồi ra chuẩn bị trộn men, hơi khói bay lên mịt mù. Nhà có ba lò rượu. Nguyễn Duy tới lui quan sát. “A, nghề cũ của mình đây!”. Lò rượu khá đơn giản: một cái lò kín hình chữ nhật trông như một cái mả, bên trên có úp một cái chậu, một đường ống dẫn từ chậu sang một giàn ngưng tụ hơi rượu.

Nhà thơ Nguyễn Duy đắm đuối với "thiên hạ đệ nhất tửu".

Chị Hoa vui vẻ tiếp mấy ông nhà báo. “Làm rượu không khá nổi đâu mấy anh, chỉ lời được phần hèm để… nuôi heo thôi”, chị nói. Quả thật, lò nấu rượu của chị ở sát cạnh ngay một dãy chuồng heo, mỗi chuồng có một heo nái và nguyên đàn heo con. Ở làng có 35 hộ thì hết 35 hộ nấu rượu, và hộ nào cũng có chuồng nuôi heo. Mỗi ngày trung bình hai mẹ con chị nấu được 30 lít, bán giá 7.000đ một lít. Chị mời tôi uống thử hai ly rượu, một được nấu bằng gạo, một nấu bằng nếp. Theo thói quen, tôi nốc ực cả một ly nhỏ như lúc thường nhậu thì eo ôi, như có một hòn than đang cháy nằm ngay cổ họng không chịu trôi, hơi rượu xông nồng lên tận óc làm chảy cả nước mắt…

Ở phía bên nhà ông Tám, anh Duy, anh Huấn cũng đang được ông Tám tiếp rượu. Ông Tám bảo ngày xưa, hồi sau năm 1945, bị cấm nấu rượu, nhưng vì thèm rượu quá nên cha của ông mới mời một ông thợ nấu rượu ở An Vinh, xứ nổi tiếng về võ Tây Sơn, về nấu và từ đó nghề nấu rượu Bàu Đá mới có. Tên Bàu Đá có được là do người làng múc nước từ cái bàu đá gần miếu làng mà nấu rượu. Ông Tám rót rượu, cứ mỗi chung rượu được rót ra là phía trên lại đầy những bọt rượu sủi tăm, hệt như bia! Anh Duy lẩm bẩm: “Hồi đó đến giờ đi khắp thiên hạ chưa bao giờ thấy rượu lại sủi tăm nhiều như lần này, ngon thật! Ngay cả rượu mà nhà tôi nấu, loại rượu làng Xá nổi tiếng của Thanh Hóa cũng không bằng ”. Anh đùa là sẽ không cho ai uống và giữ hai chai “rượu mẫu” mua ở nhà bà Huynh và ông Cọng để làm “thước đo” tiêu chuẩn so sánh các loại rượu Bàu Đá khác.

Rượu Bàu Đá, cá sông Kôn

Rời làng Bàu Đá, chúng tôi đến bảo tàng Quang Trung. Khi xem các cô gái Bình Định xinh đẹp “bỏ roi đi quyền”, cả bọn đều bảo nhau là hãy cố nhớ mặt các cô để ra đường còn tránh chuyện chòng ghẹo. Ông Mừng cười cười: “Ở đây người ta bảo gái Bình Định phải đạt ba tiêu chuẩn, một là phải biết nấu rượu, hai là phải biết võ, ba là phải biết làm… thơ. Do đó muốn làm rể Bình Định thì đàn ông là phải biết nhậu, biết chịu đòn và phải biết nghe thơ!”. Cả bọn cười ồ: chỉ có một cái sướng mà phải chịu đến ba cái khổ!

Thành Hoàng Đế hoang vắng như một phế tích. Những dấu ấn lịch sử xếp chồng lên nhau: những bức tượng voi, tượng lân của thời thành Đồ Bàn bên cạnh lăng mộ Võ Tánh. Một nhóm ba ông nhậu khề khà ngay trong đài tự thiêu phục hiện của Võ Tánh, vài ba đứa trẻ chơi đùa thơ thẩn…

Một đặc điểm của hai ông, một là “chủ nhiệm”, một “phó chủ nhiệm” (anh Huấn) của cái uỷ ban ăn nhậu quốc gia tự đề xướng, là các ông đều rất thân thiết và trân trọng các ông chủ quán của những quán ăn ngon của mọi miền. Ghé quán Tư Sa, ông chủ ra mừng như gặp lại bạn hiền. Chính là cái quán dân dã có món chim mía và cá lúi sông Côn mà chúng tôi mong tới. Ngon, lạ nữa. Những con chim mía chiên cứ giòn tan trong miệng, cá lúi kho nghệ hương vị đậm đà khó quên. Duy chỉ có món gié là hơi “cao thủ” mới có thể thưởng thức: lòng bò hòa với cái vị đắng cua mật bò, vị chua của lá giang, vị ngọt của nước…

Chúng tôi ghé Bồng Sơn lấy hai can rượu “Bàu Đá Bồng Sơn” của người bạn thân các anh, họa sĩ Lâm Triết, tặng từ lò rượu quê anh. Anh Duy đùa: “Phải dẫn ông Triết đến Bàu Đá để ông cảm thấy xấu hổ về cái loại rượu Bàu Đá của ổng mới được”. Anh Huấn nghiêm túc hơn: “Cái ủy ban ăn nhậu mà tôi nói đùa khi sáng kỳ thực là một ủy ban văn hóa ẩm thực quốc gia để chuẩn hóa các món ăn, thức uống, đặc sản của các miền; chứ không thì mạnh ai nấy làm lung tung cả lên. Là để phục vụ cho phát triển du lịch đấy, vì Việt Nam mình cũng là một cường quốc về ẩm thực chứ đâu phải dở”.

. Theo Nguyễn Trọng Tín - Đoàn Đạt (SGTT)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chinh phục đỉnh Hàm Rồng  (24/02/2006)
GS.TSKH Bùi Văn Ga nhận Huân chương Hàn lâm của Pháp  (23/02/2006)
Cốm ngễnh Bình Định và hạt nếp sột soạt  (22/02/2006)
Võ sư Quốc Cường - Người ăn bóng đèn, nuốt rắn sống  (19/02/2006)
Hoang sơ Đá Bàn  (17/02/2006)
Hoàng đế Quang Trung được Càn Long trọng thị như thế nào  (17/02/2006)
Mùa xuân đi coi hát bội  (17/02/2006)
Hồ Hoa Huệ - Nữ chưởng môn độc nhất vô nhị  (17/02/2006)
Hé mở hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung ?  (10/02/2006)
Tĩnh lặng Sơn Long  (10/02/2006)
Thăm quê hương Bùi Thị Xuân  (09/02/2006)
Hơn 200 năm trước Nguyễn Nhạc sẵn sàng mở cửa  (07/02/2006)
Nhà Tây Sơn và việc thượng tôn pháp luật  (05/02/2006)
Bánh tráng  (01/02/2006)
Ngàn dặm Huyền Trân   (28/01/2006)