"Phía bên kia" là quê hương tôi!
15:59', 27/2/ 2006 (GMT+7)

Là nhà khoa học, người viết văn, biên khảo nhưng trên hết, ông là một người con của đất Việt. Chính vì thế, bao năm sinh sống ở nước ngoài, từ một chân phụ bếp rồi phụ tá trong bệnh viện để mưu sinh, ông đã tự vươn lên trở thành Giáo sư Tiến sĩ, là nhà nghiên cứu khoa học có tiếng trên trường quốc tế tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia. Có tất cả danh vọng nhưng ký ức về quê hương không bao giờ phai nhòa trong ông. Ông là Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Văn Tuấn, người con của hai vùng đất Bình Định và Kiên Giang.

 

                  Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn đang thuyết trình.

 

"Một lần đi cho bình minh lên sớm" (*)

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Tuấn là người nguyên quán ở Tuy Phước, Bình Định. Ông lớn lên ở Kiên Giang và rời Việt Nam năm 1981 sang định cư tại Australia năm 1982. 

Những ngày tháng đầu tiên đặt chân lên xứ người giữa lúc nền kinh tế đang lâm vào thời kỳ khủng hoảng, chàng thanh niên chưa từng kinh qua những việc bếp núc phải xin vào làm một chân phụ bếp tại Bệnh viện St. Vincent’s, một trong những bệnh viện danh tiếng nhất tại Australia, nơi có Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan nổi tiếng (Garvan Institute of Medical Research). Nhớ lại ngày đó, ông kể: "Tay giám thị bệnh viện chỉ một đống củ hành tây to như cái núi và bảo tôi lột vỏ. Cha mẹ ơi, từ bé đến khi ấy chưa bao giờ tôi nhìn thấy ở đâu có nhiều hành như vậy! Tôi hỏi: "Tao phải lột hết đống hành này à?". Tay giám thị ngạc nhiên: "Chứ mày xin vào đây để làm gì?". Lột được hai củ, nước mắt nước mũi chảy dầm dề! Cay quá chứ không phải tủi thân! Tay giám thị hỏi: "Mày làm sao vậy?". Tôi cố nói "Tao không sao!". Lỡ rồi, tôi nói với hắn là mình đã có kinh nghiệm làm phụ bếp hai năm khi xin vào đây mà! Tôi nhớ y như ngày hôm qua, vui thật!". 

"Vui"! Đó là cảm xúc của ông khi nhớ lại những tháng ngày khó khăn gần một phần tư thế kỷ về trước. Nhưng những ngày tháng khó khăn ban đầu đó lại là thời gian để ông suy nghiệm về tương lai: đi học. Ý chí, lòng ham học hỏi và trên hết là sự tự trọng đã không cho phép ông bằng lòng với vai trò là một anh phụ bếp. Ông đi làm ban ngày, học ban đêm, và chỉ về đến nhà khi đã 10 -11 giờ đêm. Sau một thời gian ông cũng lấy được bằng thạc sĩ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; tiếp tục sang Thụy Sĩ làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Basle. Đến năm 1997, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa nội tiết học, và được bổ nhiệm làm Phó Giáo sư Dịch tễ học trường Y thuộc Đại học Wright States (Mỹ). Vài năm sau ông quay lại Trường Đại học New South Wales, và sau cùng về Viện nghiên cứu y khoa Garvan làm nghiên cứu cho đến nay. Hiện nay ông là nhà nghiên cứu cấp cao (senior research fellow) và Phó Giáo sư y khoa, chuyên về di truyền loãng xương.

Giáo sư kể tiếp: "Bây giờ tôi đang làm việc ngay tại bệnh viện mà trước đây đã làm phụ bếp. Hồi mới trở về cách đây hơn 10 năm, gặp lại đám bạn bè cùng làm phụ bếp hồi ấy và cả tay giám thị nữa. Họ mừng lắm và hỏi tôi "Mày làm gì ở đây"? Tôi chỉ lên tầng trên tòa nhà bên cạnh. Họ gật gật đầu cứ tưởng nghề của tôi bây giờ là "thợ lau kính". Quả thật cuộc đời biến đổi khó lường…" - TS Nguyễn Văn Tuấn cởi mở bày tỏ như thế. 

Trở thành nhà nghiên cứu chất độc da cam 

"Ngày nhỏ, theo mẹ trên chiếc ghe tam bản tản cư trốn xe tăng và những đợt hành quân của lính Mỹ, núp trong bụi cây tôi nhìn thấy những chiếc máy bay rải một chất màu trắng ngà ngà xuống làng quê bên cạnh. Tuần sau quay lại cây cỏ ở những nơi bị rải đều tiêu hủy hết. Tôi ngạc nhiên và tự hỏi chất gì mà "công hiệu" vậy? Rồi khi lên Sài Gòn học, qua việc đưa tin của báo chí mà khởi xướng là nhà báo Lý Quí Chung, tôi biết đó là chất độc da cam gây nên căn bệnh ung thư, quái thai... Tôi để tâm tìm hiểu từ đó và khi ra nước ngoài, có điều kiện, tôi đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam (CĐDC). Có rất nhiều tài liệu của các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu về CĐDC, thế nhưng ở trong nước, mấy chục năm qua chỉ có một vài bài báo đề cập đến vấn đề này, mình mới chỉ nói cho mình nghe chứ chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể, quy mô nào đủ sức thuyết phục thế giới. Chính vì thế mà tôi viết "Chất độc da cam, dioxin và hệ quả" (NXB Trẻ - tháng 07.2004)" – TS Nguyễn Văn Tuấn cho biết lý do vì sao một nhà nghiên cứu y khoa, với hàng trăm công trình nghiên cứu về dịch tễ học và di truyền học, như ông lại chủ tâm nghiên cứu và viết nên cuốn sách gây tiếng vang trong và ngoài nước về CĐDC như thế.  

Mặc dù TS Tuấn cho rằng "tôi viết cuốn sách ấy không khó khăn gì, đó là những điều tôi đã viết từ 20 năm qua, là những gì người ta đã nghiên cứu, tôi chỉ diễn đạt lại bằng một ngôn ngữ để quần chúng dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn mà thôi", nhưng sau khi được công chúng trong nước nồng nhiệt đón nhận, được dư luận trong và ngoài nước quan tâm, "Chất độc da cam, dioxin và hệ quả" - cuốn sách đầu tiên viết về CĐDC ở Việt Nam một cách có hệ thống đã được in ra tiếng Pháp và chuẩn bị in ra tiếng Anh. Điều đáng nói là sau khi in tác phẩm này, TS Tuấn còn tiếp tục đăng tải trên các báo ở Việt Nam và nước ngoài nhiều bài viết khác trình bày những bằng chứng chứng minh rằng CĐDC không chỉ để lại hệ quả cho người dân Việt Nam, mà ngay cả lính Mỹ và lính chư hầu từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của độc tố này. Con số 76,9 triệu lít CĐDC mà lính Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam là số liệu mới nhất được công bố (cao hơn 9,4 triệu lít so với kết quả từng công bố trước đó). Thuyết phục hơn và cũng rất khoa học, TS Tuấn dẫn chứng dữ kiện cho thấy Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử nhân loại, bất chấp các Công ước Quốc tế như Quy ước La Hague (1907), Công ước Geneva (1925), Nghị quyết của Liên hiệp quốc (1929) về việc cấm sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh. Đó cũng chính là luận điểm mà luật sư đại diện cho nạn nhân chất độc da cam gọi là "tội ác chiến tranh", "tội ác chống nhân loại" không thể dung thứ được và phải được xét xử một cách công bằng. Riêng ông xem đó như một sự "sòng phẳng của lịch sử" trong đó công lý phải được tôn trọng. 

Có người hỏi: "Ông nói nhiều quá. Nếu mời ông về nước nghiên cứu, ông có về không?". TS Tuấn cười với tâm trạng của một người luôn "dấn thân cho khoa học", một quan điểm đã trở thành lẽ sống của nhà nghiên cứu khoa học: "Tất nhiên là sẽ về và không đòi hỏi bất cứ điều gì. Mà dù cho không về đi nữa thì tôi vẫn giúp được, vì tôi có kinh nghiệm làm nghiên cứu trên một quần thể lớn trên vài ngàn người, tôi có thể cố vấn về chuyên môn cho đồng nghiệp trong nước, như là định hướng nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu và phân tích dữ liệu, một phần quan trọng của công trình nghiên cứu". Với suy nghĩ ấy, TS Tuấn còn đề nghị nên thành lập một ủy ban chuyên trách, hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để chương trình nghiên cứu về CĐDC của Việt Nam mang tính khách quan, quốc tế và thuyết phục cao. Ông cho biết: "Mới đây có người đề nghị làm một chương trình nghiên cứu lớn nhưng lại than phiền không có tiền để thực hiện. Nhưng thực tế thì năm 1995, có một nhóm nghiên cứu của Mỹ và Việt Nam đã đo nồng độ dioxin cho khoảng trên 3 ngàn người Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là tại sao mình không tìm lại 3.500 người ấy, trong mấy chục năm qua ai bị bệnh gì, ai bị ung thư, và ai đã không may chết đi? Để nghiên cứu trên 3.500 người này hồi đó đã phải tốn 3 triệu USD để thực hiện cuộc nghiên cứu, vậy tại sao lại phải bỏ số tiền đó ra một lần nữa. Chỉ cần tiếp tục theo dõi mà thôi".

Yêu quê hương cũng đơn giản như hít thở khí trời vậy! 

Không đơn thuần là một nhà nghiên cứu, có thể gọi TS Tuấn là một người "đa đoan". Ông vừa làm nghiên cứu y khoa, vừa giảng dạy, vừa viết báo, viết sách, biên soạn, và thậm chí viết văn. Hỏi ông "lấy thời gian và sức lực đâu để viết nhiều như vậy?", ông lại cười thật sảng khoái như bản tính vốn cởi mở của ông: "Viết, đối với tôi là một sự đam mê! Viết để giải tỏa những khắc khoải, băn khoăn, quan tâm… trong người. Viết với tôi không khó, có ý tưởng là viết ra ngay. Nhưng có lẽ vốn quen với cách làm việc khoa học nên tôi luôn viết có đầu có đuôi, và có chứng cứ. Vì thế các bài viết của tôi thường dài. Khi các báo ở quê nhà đăng lên cứ "cắt" bớt bài, tôi "xót" lắm, nhưng biết làm sao, "đất" có hạn mà.

Trên trường quốc tế ông đã có gần 150 công trình nghiên cứu khoa học mà 70% là về di truyền học, 30% là dịch tễ học, đã từng làm giáo sư thỉnh giảng tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Hồng Kông, v.v… Ở trong nước ông đã xuất bản hai cuốn sách, "Chất độc da cam, dioxin và hệ quả" và "Hai mặt sáng tối của y học". Cuốn "Hai mặt sáng tối của y học" đã được tái bản lần thứ nhất. Hiện nay NXB Trẻ đang chuẩn bị in tiếp một tác phẩm y khoa về bệnh ung thư. Ngoài ra, Tạp chí Tia Sáng và NXB Trẻ chuẩn bị in 2 cuốn sách khác của ông về hoạt động nghiên cứu khoa học. Nói về 2 cuốn sách này, TS Tuấn cho biết "do tôi đọc được một bài báo trên tờ Tuổi Trẻ đưa tin rằng chỉ có 25% sinh viên trong nước thích làm nghiên cứu khoa học. Sinh viên là rường cột của tương lai khoa học mà lại như thế thì thật đáng suy nghĩ. Trí thức phải dấn thân vì phúc lợi của cộng đồng, không nên ngồi một chỗ than van. Trong cuốn thứ hai tôi muốn thu hút giới trẻ làm khoa học, bằng cách đưa ra những ứng dụng của khoa học trong văn hóa, văn học và cuộc sống hàng ngày. Sách đề cập đến những mối liên quan giữa khoa học, y học, và văn hóa. Chẳng hạn như tôi chỉ ra cách ứng dụng toán thống kê để phân tích vần điệu trong Truyện Kiều và so sánh cách gieo vần "bằng, trắc" của cụ Nguyễn Du với các nhà thơ như Nguyễn Bính để thấy Nguyễn Bính dùng vần "bằng" nhiều hơn, đó cũng là yếu tố hấp dẫn người đọc…

TS Tuấn kể với chúng tôi rằng, tác phẩm về CĐDC của ông, cũng như những bài viết xung quanh vụ án cá da trơn của Việt Nam và nhiều bài viết khác, đã khiến một vài người Việt quá khích ở hải ngoại "xầm xì" đặt câu hỏi: "ông là người của "phía bên kia"? Ông chỉ cười "Tôi không quan tâm đến những lời nói bóng gió đó, bởi vì làm khoa học thì không có bên này hay bên kia, chỉ có sự thật mà thôi. Làm khoa học nói cho cùng là đi tìm sự thật. Nhưng nói rằng làm việc cho phía Việt Nam thì có, bởi vì đó là quê hương tôi! Nói ra thì có người có thể cho là cải lương, nhưng sự thật là tôi rất quan tâm đến quê nhà, cái mối quan tâm đau đáu như đứa con thương cha mẹ mình, một cách tự nhiên và đơn giản như hít thở khí trời vậy. Chính vì vậy mà tôi góp ý khá nhiều về những vấn đề liên quan đến giáo dục, khoa học và y tế". 

"Đơn giản và tự nhiên"! Vâng, có gì dễ hiểu hơn thế, như tình yêu của một người con dành cho người sinh ra mình. Tôi rời xa quê hương không phải để tìm cái quên hay sự chối bỏ quê hương; ở trong tôi luôn tồn tại một cảm giác nhớ nhung day dứt, dằn vặt. Mà thực ra con người nào chả thế, con người chẳng qua chỉ là một chủ thể luôn phải gắn mình với một nơi chốn nào đó, luôn phải chứng kiến sự hiện hữu của mình bằng một sự gắn bó với một địa điểm cụ thể. Sự gắn bó đó chỉ có thể tạo dựng cái gọi là nỗi nhớ. Cái nơi chốn cụ thể kia có thể gọi bằng hai tiếng "quê nhà". Một lần lênh đênh nguồn cội, tôi mới nghiệm ra rằng tôi là ai, nơi chốn của tôi là chỗ nào. Vì lẽ đó, tôi là người mãi mãi phát hiện, phát hiện một sự thực hiển nhiên rằng: đi không phải là chối bỏ mà để bắt đầu cho việc trở về tốt hơn. Tôi vẫn tin rằng sẽ có một ngày không xa, tôi sẽ quay về quê nhà, để làm tròn bổn phận của một người được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam". 

. Theo Người Viễn xứ

 

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN VĂN TUẤN

Sinh năm 1954

Tiến sĩ Toán Thống kê, Tiến sĩ Y khoa Nội tiết học

Chuyên gia nghiên cứu y khoa cao cấp Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia; và Phó giáo sư, trường y, Đại học New South Wales (Australia).

Hiện là trưởng nhóm điều hành nghiên cứu và chủ nhiệm dự án nghiên cứu về dịch tễ học và di truyền học bệnh loãng xương. Chương trình nghiên cứu bệnh lý xương và chất khoáng Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia,

Thành viên trong Ban biên tập của một số tập san y khoa trên thế giới, chuyên gia thẩm định và cố vấn khoa học cho các cơ quan như WHO, Welcome Trust (Anh), NHMRC (Australia), MRC (Hồng Kông), cơ quan nghiên cứu y khoa Hà Lan, và khoảng 15 tập san y khoa trên thế giới.

Hai giải thưởng quốc gia và một giải thưởng quốc tế về nghiên cứu loãng xương và một giải thưởng luận án xuất  sắc trong năm.

Tác giả của khoảng 150 công trình nghiên cứu, 15 chương sách, và 20 tham luận trên các tập san y khoa quốc tế.

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lội vào sào huyệt của Bàu Đá  (25/02/2006)
Chinh phục đỉnh Hàm Rồng  (24/02/2006)
GS.TSKH Bùi Văn Ga nhận Huân chương Hàn lâm của Pháp  (23/02/2006)
Cốm ngễnh Bình Định và hạt nếp sột soạt  (22/02/2006)
Võ sư Quốc Cường - Người ăn bóng đèn, nuốt rắn sống  (19/02/2006)
Hoang sơ Đá Bàn  (17/02/2006)
Hoàng đế Quang Trung được Càn Long trọng thị như thế nào  (17/02/2006)
Mùa xuân đi coi hát bội  (17/02/2006)
Hồ Hoa Huệ - Nữ chưởng môn độc nhất vô nhị  (17/02/2006)
Hé mở hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung ?  (10/02/2006)
Tĩnh lặng Sơn Long  (10/02/2006)
Thăm quê hương Bùi Thị Xuân  (09/02/2006)
Hơn 200 năm trước Nguyễn Nhạc sẵn sàng mở cửa  (07/02/2006)
Nhà Tây Sơn và việc thượng tôn pháp luật  (05/02/2006)
Bánh tráng  (01/02/2006)