Nối mạng với Lâm Duy Việt
13:43', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Như tin đã đưa, Lâm Duy Việt (SN 1984, ở 760 Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn), nguyên học sinh chuyên của Trường Quốc Học Quy Nhơn và Trường Phổ thông Năng khiếu thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; hiện đang học ngành kỹ sư hóa tại Trường Đại học California - Berkeley (bang California, Mỹ), một trong 5 trường đại học nổi tiếng nhất thế giới, vừa được 2 trường đại học hàng đầu của Mỹ mời học và cấp học bổng cho chương trình đạo tạo tiến sĩ, không qua chương trình đào tạo thạc sĩ, với học bổng trọn gói khoảng 300 ngàn USD, do đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Chúng tôi đã "nối mạng" với Việt qua e-mail...

 

Lâm Duy Việt tại Berkeley

 

- Xin chào Việt. Thật tuyệt vời khi bạn có được một thành tích học tập làm rạng danh sinh viên người Việt ở Mỹ. Bạn là sinh viên người Bình Định đầu tiên được nhận học bổng tiến sĩ ở Mỹ đấy. Xin chúc mừng và xin chia vui với Việt!

+ Dạ, xin chào anh và cảm ơn anh đã chia vui với Việt và gia đình.

- Việt có thể cho bạn đọc báo Bình Định biết là Việt qua Mỹ năm nào và tình hình học tập của Việt tại Berkeley ra sao?

+ Em qua Mỹ du học từ năm 2002 sau khi đã hoàn tất chương trình phổ thông và may mắn kiếm được một suất học bổng đại học. Năm đầu cũng buồn lắm anh ạ, vì nhớ nhà, vì ngôn ngữ bất đồng và phong tục tập quán của họ khác với mình, nhưng được cái là những phần cơ bản nhất của chương trình đại học, như Toán, Lý, Hóa… em đã học khá kỹ ở Việt Nam nên việc học cũng ít bị ngỡ ngàng.

Kể từ năm thứ 2, việc học bận rộn hơn rất nhiều và em cũng dần dần thích nghi với cuộc sống ở xứ người. Khi đã quen, em cảm thấy rất thích môi trường học tập  ở Mỹ. Ở đây, sinh viên có thể tranh luận với giáo sư rất thoải mái, nếu tranh luận "không lại" với giáo sư, thì về nhà nghiên cứu sách vở rồi hôm sau lai tranh luận tiếp, khi nào "ra vấn đề" thì thôi, nên không khí học tập rất sôi nổi. Nói chung, quan hệ giữa sinh viên và giáo sư rất gần gũi. Trường có rất nhiều mô hình học tập, do các nhóm sinh viên cùng thực hiện và những mô hình này rất sát với thực tế sản xuất, sát với lĩnh vực mà em đã chọn học nên học không cảm thấy chán anh ạ.

Tại Berkeley, hiện chỉ có 8 sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình đại học và 7 sinh viên theo học chương trình cao học. So với tổng số hơn 20.000 sinh viên ở trường Berkeley thì con số sinh viên người Việt mình là quá ít. Lúc đầu, em ở trọ cách trường một cây số. Sau chuyển ra xa hơn để bớt ồn ào. Hiện giờ thì em lại chuyển vào ở gần trường vì yêu cầu học tập ngày một nhiều. Do gần trường nên em đi học khi thì bằng xe đạp, khi thì đi bộ.

 

Lâm Duy Việt tại SanFrancisco

 

- Được biết, đến tháng 5-2006 này, Việt mới tốt nghiệp đại học nhưng có đến 2 trường đại học (Carnegie Mellon và Columbia) cùng mời học và trao học bổng cho chương trình đào tạo tiến sĩ. Ngoài Việt ra, có sinh viên nào được chọn nữa không và vì sao Việt lại chọn học ở Carnegie Mellon?

+ Đó là do họ căn cứ vào thành tích học tập trong suốt thời gian học đại học của em. Việc được một trường đại học có danh tiếng mời học và cấp học bổng là rất khó khăn. Theo chỗ em được biết, những trường đại học lớn ở Mỹ mỗi năm chỉ dành một ít chỉ tiêu cho những sinh viên xuất sắc để đào tạo thẳng chương trình Ph.D (tiến sĩ). Do đó, số sinh viên có vinh dự được nhận học bổng này là không nhiều. Còn vì sao em chọn học ở Carnegie Mellon (bang Pennsyvinia, Mỹ) mà không phải ở học Columbia (bang New York) vì Carnegie Mellon là một trong 10 trường đại học hàng đầu về đào tạo chuyên ngành hóa học (Chemical Engineering) ở Mỹ, có nhiều giáo sư giỏi. Carnegie Mellon cũng có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu, một yếu tố không thể thiếu cho sinh viên sau đại học và thêm nữa là cuộc sống ở Pittsburgh, nơi có trường Carnegie Mellon, khá dễ chịu so với cuộc sống tất bật ở New York của Columbia.

- Để có thể tiếp thu được chương trình học tập, khả năng Anh ngữ của Việt chắc là như… người Mỹ rồi?

+ Thú thật với anh là giai đoạn đầu em cũng gặp không ít khó khăn. Hồi ở Việt Nam, em học tiếng Anh khá tốt nhưng qua Mỹ lại khác. Thầy giáo nói rất nhanh và lại hay sử dụng thổ ngữ nên có nhiều từ rất khó nắm bắt. Tuy nhiên, do giao tiếp nhiều nên đến nay em hoàn toàn thoải mái khi nói chuyện với người bản xứ.

- Bạn bè của Việt bên Mỹ có nhiều không? Có thể kể lại cho bạn đọc báo Bình Định một ít kỷ niệm vui - buồn của Việt khi du học xa nhà?

+  Kỷ niệm vui thì em có rất nhiều. Bạn bè học cùng trường cũng có rất nhiều. Hiện em đang ở chung với một người bạn Mỹ và một bạn Hàn Quốc. Ăn uống thì tụi em tự túc. Có lúc thì tự nấu ăn, lúc nào bận học quá thì đặt mua đồ về ăn… Bạn bè Mỹ rất hiếu khách và giúp đỡ em nhiều lắm, nhất là giúp đỡ trong việc thích nghi với môi trường mới. Em cũng thích đi lại nhiều nơi trên đất Mỹ để mở rộng tầm mắt. Kỷ niệm vui nhất đối với em là được nhận vào làm chung phòng thí nghiệm với giáo sư của trường, vì đó là một bước tiến đáng kể cho công việc nghiên cứu. Có lẽ nhớ nhà là lúc buồn nhất anh ạ. Ở Mỹ, tối là họ về nhà, không đi chơi ngoài đường như người Việt Nam mình. Rồi lúc Việt Nam công bố bị nhiễm cúm gia cầm, em lo cho gia đình và bạn bè ở Việt Nam quá. Nghĩ lại cũng hơi buồn cười. Nhưng có một nỗi buồn khó quên là việc một người bạn thân của em bị Ban Giám hiệu trường Berkeley chuyển ra học trường ngoài vì bạn ấy không chịu nổi sức ép học tập ở Berkeley. Chương trình học tập ở Berkeley căng lắm, anh không thể hình dung được đâu…

- Thời gian học tập căng như vậy nhưng Việt có tranh thủ lên net để tìm hiểu tình hình quê nhà không?

+ Có chứ anh. Em vẫn thường xuyên truy cập vào Bình Định online, rồi Thanh Niên online, Tuổi Trẻ online… để biết tin tức quê nhà. Em thấy Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng đang đổi mới từng ngày. Qua Bình Định online, em biết tỉnh Bình Định sắp xây xong cầu Nhơn Hội bắc qua đầm Thị Nại; rồi Khu Kinh tế Nhơn Hội đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát, đăng ký đầu tư. Em rất mừng cho tương lai thành phố Quy Nhơn của mình, tỉnh Bình Định của mình.

- Hỏi ngoài lề một chút nhé, sao Việt không học ngành kinh doanh để tiếp nối công việc của ba mẹ (ba mẹ Việt là chủ Công ty TNHH Ánh Việt) mà lại học ngành hóa? Học ngành này, sau khi ra trường, Việt sẽ làm việc trong lĩnh vực cụ thể nào?

 

Lâm Duy Việt tại SanFrancisco

 

+ Em cũng đang tranh thủ học thêm một số lớp về quản lý kinh doanh và kế toán đấy chứ. Mặt khác, ngành học của em cũng bắt buộc phải học thêm kinh doanh. Nhưng như anh đã biết, em đâu có nhiều thời gian. Còn ngành hóa là ngành mà em đã mê học từ hồi nhỏ anh ạ. Đó là mơ ước của em. Ngành hóa (Chemical Engineering) của em tương đối rộng, nên cơ hội làm việc cũng khá đa dạng. Trong đó Công nghệ sinh học (Bio Technology) và Công nghệ bán dẫn (Semiconductor) là hai ngành "nóng" nhất. Các ngành khác cũng không kém nổi bật như Dầu khí, Hóa thực phẩm và Viễn thông. Hiện giờ, em đang nghiêng về công nghệ sinh học.

- Nếu hoàn tất chương trình tiến sĩ, lúc đó Việt mới 27 tuổi, có lẽ sẽ là một trong số ít những tiến sĩ trẻ tuổi nhất Việt Nam. Nhưng bây giờ, Việt cũng đã trở thành "thần tượng" của nhiều bạn trẻ rồi. Bạn có thể chia sẻ bí quyết học tập của mình với các bạn trẻ khác?

+ Chuyện này thì cũng không có gì bí mật hay đặc biệt gì lắm đâu. Em có động cơ học, học vì một mục đích, nên ít khi thấy nản và ít khi sao nhãng. Kể từ trước khi qua Mỹ, em đã suy nghĩ nhiều và quyết định: Đã không làm thì thôi, làm thì làm cho đến nơi đến chốn. Với lại em cũng luôn tâm niệm, rời Việt Nam trong một thời gian dài, xa gia đình, xa bạn bè mà không học ra gì thì mặt mũi nào để trở về. Hơn nữa, Mỹ là nước công nghệ đứng đầu thế giới, ngành học của em lại liên quan rất sát đến các diễn biến mới về kỹ thuật, nên em cũng cố gắng rất nhiều để nắm bắt. Ba mẹ em đã dành cho em rất nhiều quan tâm, lo lắng trong thời gian học ở đây, em càng không muốn làm ba mẹ thất vọng. Về phần học tập, có lẽ điểm duy nhất em muốn đề cập là: Khi gặp một vấn đề gì không hiểu, em luôn tìm hiểu, hỏi han cặn kẽ, đến khi rõ mới thôi, chứ không phải không hiểu rồi để đấy. Bởi những vấn đề đó có thể mình sẽ gặp lại nó trong tương lai. Cũng xin nói thêm với anh, chương trình đào tạo tiến sĩ của Carnegie nằm trong top 10 chương trình tốt nhất của nước Mỹ. Các sinh viên của họ sau khi tốt nghiệp đều dễ dàng tìm được việc làm ở các công ty hàng đầu của Mỹ như: Boeing, Intel, Lockheed Martin, Genetech, Exxon Mobil… Những kiến thức thu nạp được trong thời gian học ở đây sẽ giúp cho em rất nhiều trong công việc sau này.

- Câu hỏi cuối, sau khi học xong, Việt có về Việt Nam để phục vụ quê hương không?

 + Đương nhiên là về chứ anh. Nhưng em dự định sau khi học xong chương trình tiến sĩ, em sẽ ở lại làm việc tại Mỹ khoảng 3-4 năm gì đó để tích lũy kinh nghiệm, đây cũng là một phần của việc học đấy. Sau đó sẽ về Việt Nam làm việc, vì Việt Nam là quê hương của mình mà anh, và cũng vì ba mẹ em đang sống ở Việt Nam.

- Xin cảm ơn Việt đã cùng chúng tôi trò chuyện và xin chúc Việt đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong học tập.

  • Thúc Giáp (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Phía bên kia" là quê hương tôi!  (27/02/2006)
Lội vào sào huyệt của Bàu Đá  (25/02/2006)
Chinh phục đỉnh Hàm Rồng  (24/02/2006)
GS.TSKH Bùi Văn Ga nhận Huân chương Hàn lâm của Pháp  (23/02/2006)
Cốm ngễnh Bình Định và hạt nếp sột soạt  (22/02/2006)
Võ sư Quốc Cường - Người ăn bóng đèn, nuốt rắn sống  (19/02/2006)
Hoang sơ Đá Bàn  (17/02/2006)
Hoàng đế Quang Trung được Càn Long trọng thị như thế nào  (17/02/2006)
Mùa xuân đi coi hát bội  (17/02/2006)
Hồ Hoa Huệ - Nữ chưởng môn độc nhất vô nhị  (17/02/2006)
Hé mở hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung ?  (10/02/2006)
Tĩnh lặng Sơn Long  (10/02/2006)
Thăm quê hương Bùi Thị Xuân  (09/02/2006)
Hơn 200 năm trước Nguyễn Nhạc sẵn sàng mở cửa  (07/02/2006)
Nhà Tây Sơn và việc thượng tôn pháp luật  (05/02/2006)