Những năm cuối của thập niên 80-90, sân khấu thành phố Hồ Chí Minh bỗng nổi lên một gương mặt nữ diễn viên làm nhiều người chú ý. Bắt đầu từ khi cô về hát trên sân khấu tuồng cổ Minh Tơ diễn vai Bạch Liên trong vở “Tiên đơn núi Dị”. Người ta nhận ra cô diễn viên ấy là cô gái từng một thời bán vé hát ở đoàn Sài Gòn III. Đó chính là nữ nghệ sĩ Tài Linh.
Con gái Bình Định múa roi đi quyền
Nữ nghệ sĩ Tài Linh bắt đầu câu chuyện bằng lời tâm sự: "Mẹ tôi quê Bến Tre. Cha tôi là người Bình Định lưu lạc lên đất Sài Gòn từ thuở niên thiếu. Hai bàn tay trắng ông đã tự mình gầy dựng nên sự nghiệp. Những chiều mưa dông tố, cha tôi hay ngậm ngùi kể cho chúng tôi nghe về vùng đất Bình Định nghèo khó nổi tiếng với câu hát: “Ai về Bình Định mà coi! Con gái Bình Định múa roi đi quyền”. Hồì còn bé lần đầu tiên nghe câu hát, tôi thắc mắc hỏi cha tôi: “Con gái thì phải hiền thục dịu dàng, tại sao con gái Bình Định lại nổi tiếng giỏi võ nghệ hở cha?” Cha tôi cười, ánh mắt buồn: “Ngày xưa đất Bình Định giặc giã liên miên nên bất kỳ người Bình Định nào kể cả đàn bà con gái cũng buộc phải giỏi võ nghệ”.
|
Nghệ sĩ Tài Linh |
Nhớ quê, nên khi đặt nghệ danh cho chị tôi, cha tôi lấy tên địa danh quê nhà Tài Lương đặt cho con gái. Tánh cha tôi rất nghiêm khắc, kỷ cương, đâu ra đó. Má tôi lại khác, rất hiền, chẳng bao giờ đánh chúng tôi một roi nào. Con cái gần má, thương má đã đành, chị em tôi đứa nào cũng sợ cha nhưng lại rất thương cha tôi. Cha tôi rất mê cải lương. Trong bốn đứa con gái, cha tôi rất cưng chị Tài Lương vì ngay từ hồi bé xíu chị Tài Lương đã bộc lộ năng khiếu ca hát, gương mặt chị lại rất xinh xắn, dễ thương. Ngay khi chị còn bé, cha tôi cho chị Tài Lương học ca hát biểu diễn ở trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ. Riêng tôi nếu như ngày ấy có ai tiên đoán sau này tôi sẽ theo nghề hát thì ắt hẳn cha tôi chẳng bao giờ tin.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng nhờ nỗi nhớ quê khôn nguôi của cha nên tôi hình dung quê nhà rất rõ. Tôi lúc nào cũng tự hào rằng mình có gốc gác ở Bình Định.
Mối tình đầu và giấc mộng làm... vận động viên
Tôi học không giỏi cũng không yếu. Có lẽ tôi sẽ học khá hơn nếu như tôi chăm chỉ hơn một chút. Khi học lên trung học, một ước mơ mới bắt đầu thành hình trong tôi. Tôi rất thích môn thể dục dụng cụ, thế là tôi lên “kế hoạch” sẽ thi vào trường cao đẳng thể dục thể thao. Có lẽ tôi sẽ không có ước muốn ấy mãnh liệt như thế nếu như không phải vì…ánh mắt một chàng trai.
Lần đầu tiên gặp anh ấy tôi như bị hút vào đôi mắt đẹp của anh. Tôi nhớ hôm ấy anh ngồi bên cửa sổ đàn ca rất sôi nổi giữa một bầy con trai con gái trông anh nổi bật vì gương mặt có vẻ chững chạc, già giặn trước tuổi. Tiếng đàn giọng ca của anh nồng ấm lạ lùng. Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi: “Con trai gì có đôi mắt ướt thế”. Sau này tôi mới biết anh tên Cường - trưởng ban thể thao của trường, học khác lớp tôi. Còn tôi là trưởng ban văn nghệ của trường. Anh Cường giỏi đàn nên thường dợt văn nghệ với chúng tôi. Và tôi với anh đã quen nhau từ đó.
Rồi đến ngày chúng tôi ra trường. Anh Cường mê thể thao nên anh rủ tôi cùng thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Thể thao. Bất ngờ năm 1977, cha tôi mất. Tiệm may ế ẩm, mẹ tôi không biết xoay xở ra sao. Mất cha mẹ con tôi mất một chỗ dựa lớn. Mẹ để tiệm may cho chị tôi và dẫn tôi cùng hai em trai tôi về quê sinh sống. Mỗi ngày cuối tuần nghỉ học, anh Cường lại bỏ xe đạp lên xe đò đi về quê thăm tôi. Mẹ tôi rất quý mến anh. Mẹ hay nói với tôi: - Thằng Cường rất tốt và đàng hoàng. Gặp được một người con trai như thế là tốt phước cho con lắm. Con đừng có đứng núi này trông núi nọ.
Tôi cũng đã nghĩ mình sẽ lấy anh rồi sanh con, cuộc đời tôi sẽ bình lặng êm ả như thế thôi. Có những buổi chiều, tôi đúng bên bờ sông, gió sông lùa mát rượi. Những cây dừa vươn cao xanh ngắt trầm mặc. Tự dưng long tôi lại thoáng một nỗi buồn mơ hồ. Tôi không muốn sống một cuộc đời phẳng lặng, tôi nhớ đường phố náo nhiệt, nhớ bạn bè cùng lớp giờ này đang làm gì, ở đâu?
Đôi khi cuộc đời có những bước ngoặt tình cờ làm thay đổi cả đời người. Chị Tài Lương đã đi theo nghề hát như ước nguyện của cha tôi. Suốt thời gian tôi theo má về ở dưới quê, chị rất hay về quê thăm má và tôi. Mỗi lần thấy chị về tôi mừng rỡ lắm. Một lần chị Lương đột ngột hỏi: - Em có muốn theo chị về thành phố không? Chị sẽ đưa em vào đoàn hát. Tôi ngỡ ngàng. Tánh tôi thường hay do dự, mỗi khi phải thay đổi cái gì đó trong cuộc sống của mình. Nhất là bây giờ trước mắt tôi là một “thế giới” tôi chưa từng biết… Tôi rụt rè nói : -Em theo chị về đoàn làm gì được? - Ừ thì em sẽ... bán vé hát. Đoàn đang thiếu người bán vé. Tôi biết lúc ấy vì thương tôi, chị Tài Lương chỉ mong muốn dẫn tôi lên thành phố, tìm cho tôi một công việc sinh sống. Chắc rằng chị không thể ngờ được quyết định đột ngột của chị đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Chị Tài Lương dẫn tôi về đoàn Sài Gòn III, tôi được nhận vào đoàn làm việc ngay. Thế là tôi đã bắt đầu bước vào “thế giới” cải lương làm công việc của một người bán vé hát. Đó là năm 1977, tôi vừa tròn hai mươi mốt tuổi. Tôi còn nhớ những năm ấy sân khấu các đoàn cải lương thành phố tràn trề sinh khí, hoạt động nhộn nhịp như đi trẩy hội. Đoàn Sài Gòn III có một đoàn thanh niên hoạt động rất sôi nổi quy tụ những diễn viên trẻ, học viên trẻ của đoàn. Tôi cũng tham gia sinh hoạt trong đoàn thanh niên. Những năm học trung học, tôi có chút “vốn liếng” ca tân nhạc nên thường ca tân nhạc trong những chuyến phục vụ của đoàn thanh niên.
Nhiều lần đi ca tân nhạc, bất ngờ anh Thanh Điền và chị Thanh Kim Huệ nói với chị Tài Lương : - Ê Tài Lương ! Con nhỏ em mày có làn hơi khá quá chớ, sao không tập cho nó ca vọng cổ? Tôi còn lúng túng chưa biết trả lời sao thì chị Thúy Lan, Lan Chi ở đoàn cũng nói vun vào. - Phải đó Tài Lương, tập cho nó ca thử xem. Chị Tài Lương hết sức bất ngờ bởi tôi thích cải lương, thích xem nghệ sĩ biểu diễn nhưng tôi không hề có một ý niệm mình sẽ theo nghề hát, đơn giản chỉ vì tôi thấy mình không có năng khiếu. Nhưng nhờ nhiều nghệ sĩ động viên, tôi bắt đầu tự tin ở mình và đi học ca cổ, học diễn với các học viên đang học nghề ở đoàn.
Từ đó tôi vừa bán vé, vừa học nghề. Ban ngày tôi còn đến học ca cổ ở anh Duy Khanh (con của nhạc sĩ Vỹ Chỗ). Cần mẫn, chăm chỉ nên tôi học nghề tiến bộ nhanh chóng.
Nỗ lực lao động
Lần đầu tiên bước ra sân khấu, tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Chị Tài Lương chăm chút vẽ mặt cho tôi. Anh Cường còn lo lắng hơn cả tôi, anh lăng xăng giúp tôi chải tóc, lấy nước cho tôi uống. Tôi quýnh quáng nên ca rớt nhịp. Vào hậu trường tôi òa khóc vì tự giận mình ngốc nghếch làm anh Cường phải đi theo vỗ về an ủi tôi hết lời. Tôi ở đoàn Sài Gon III hơn ba năm, vừa diễn vừa học nghề. Đó là những năm tháng quý giá cho nghề nghiệp của tôi. Cũng thời gian này – năm 1979 tôi và anh Cường thành hôn. Anh Cường đã từ bỏ niềm đam mê thể thao và theo tôi vào đoàn Sài Gòn III, đàn cho đoàn.
Năm 1981, một dịp may bất ngờ đến với tôi. Bầu đoàn cải lương Nha Trang (Quốc Trầm Phương Dung) cử người đi coi hát ở đoàn Sài Gòn III, thấy tôi ca diễn được đã ngỏ lời mời tôi về hát đào chánh cho đoàn. Quả là một bất ngờ quá lớn vì lúc ấy ở đoàn Sài Gòn III, tôi chỉ hát những vai phụ hết sức khiêm nhường. Tôi vừa vui vừa phân vân vì mới sanh bé Duy An chưa đầy năm, đi hát xa phải xa con…tôi nhớ con sao nổi. Anh Cường hối thúc tôi: - Cơ hội không dễ gì đến với mình, em phải can đảm nắm bắt chứ. Thế là vợ chồng tôi gởi con cho ông bà nội, theo đoàn Nha Trang đi xuống tỉnh. Mỗi lần về thăm con, tôi đi là thằng bé gào khóc. Tiếng khóc của con làm lòng tôi như đứt từng khúc ruột. Tôi bỏ chạy như chạy trốn nổi đau trong lòng mình.
Một năm ở đoàn Nha Trang tôi đã diễn nhiều tỉnh miền Trung, tôi hát chung với các diễn viên Quốc Trầm, Phương Dung, Vương Tuấn, Lệ Huyền, Thanh Hùng … Tôi bắt đầu được khán giả yêu mến qua những tuồng “Công Chúa tóc thơm”, “Cây gậy thần”, “Tình Ca biên giới” … Mang tiếng là đóng vai chánh, thực ra nghề nghiệp của tôi còn rất non nớt, bài bản cải lương tôi chưa biết nhiều, diễn xuất còn rất yếu. Buổi tối hát, những lúc chưa đến lớp mình diễn, tôi luôn ngồi bên cánh gà xem anh em nghệ sĩ biểu diễn, vừa xem vừa học tập. Buổi trưa anh em nghỉ ngơi, tôi lại đến với các chú trong dàn nhạc của đoàn để luyện dợt các bài bản cải lương, nắm vững nhịp nhàng. Cứ thế như một con ong cần mẫn chăm chỉ, tôi đã học nghề từ thực tế sân khấu.
Rời đoàn Nha Trang tôi đã đi qua nhiều đoàn tỉnh: Tiếng ca Sông Cửu, Tây Ninh II, Long Giang, Vũng Tàu II, Cửu Long I …Tôi đã đổi tên nghệ danh thành Tài Linh. Những năm tháng tôi diễn ở tỉnh thì chị Tài Lương đã đi xuất cảnh sang Pháp cùng chồng là nghệ sĩ Minh Tâm. Em trai tôi - Huỳnh Trung Đức lấy nghệ danh Chí Linh cũng bắt đầu theo nghề hát, theo học trường đào tạo diễn viên của Nhà hát Cải Lương Trần Hữu Trang.
Sau bảy năm đi tỉnh, từ năm 1988, tôi đã có dịp được trở về thành phố. Lúc ấy đoàn tuồng cổ Minh Tơ, nữ nghệ sĩ Thùy Dương sắp từ giã đoàn đi nước ngoài nên đoàn mời tôi hát thế vai chị Thùy Dương trong vở “Tiên đơn núi Dị”. Bước qua sân khấu tuồng cổ - một mảnh đất lạ lẫm, anh chị em nghệ sĩ tuồng cổ, đặc biệt là anh Thanh Tòng đã chỉ dạy nghề cho tôi tận tình, giúp tôi đứng vững được ở sân khấu tuồng cổ. Tôi tự hào đã đi vào nghệ thuật bằng đôi chân của chính mình. Và với tôi cái đích tôi đến vẫn còn ở phía trước…
. Theo Sân khấu TPHCM |