Tỷ phú Bình Định làm giàu giữa núi rừng EaTrol
9:28', 9/3/ 2006 (GMT+7)

Năm 1985, tỉnh Phú Yên thành lập huyện mới Sông Hinh, chàng thanh niên Thái Văn Hùng từ huyện Phù Cát tỉnh Bình Định liền đến đây lập nghiệp. Sau nhiều năm cày thuê cuốc mướn, anh ra một kết luận “chỉ làm thuê thì khi nào người ta có ô tô mình mới có xe đạp”. Thế là anh quyết chí “làm thuê cho mình”.

1.

7 ha điều chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Ly Kha

Từ trung tâm huyện, anh vào thôn Kinh tế 2 thuộc xã EaTrol, sống chung với một số đồng bào Tày, Nùng... từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp và bắt đầu khai hoang. Chưa được thành quả gì thì công trình thuỷ điện Sông Hinh được khởi công xây dựng, nơi anh cùng bà con cư trú nằm trong khu vực tuyến kênh chính của con đập. Thế là phải di dời, nhưng ở khu tái định cư, mỗi hộ dân chỉ được 2 sào đất theo tiêu chuẩn. Không thể phát triển nương rẫy với chừng ấy đất, anh quyết định ở lại mảnh đất chưa giải toả hết và tiếp tục khai hoang.

“Nếu muốn phát triển trong khi không có vốn thì phải đảm bảo được lương thực tại chỗ”. Nghĩ là làm, anh mạnh dạn san phẳng một số đất đai ven suối trồng lúa nước. Một khó khăn khác lại thách thức anh: Đồng bào dân tộc thiểu số chỉ trồng lúa rẫy, lúa trấp trái vụ với anh. Thế là bao nhiêu chim chóc đều tập trung về mảnh ruộng lúa nước mỗi khi anh xuống giống. Làm lúa rẫy thì không đủ ăn, anh buộc phải thực hiện một công việc vô cùng khó: Vận động đồng bào cùng làm lúa nước. Đó là năm 2002. Với việc vận động đồng bào Êđê trồng lúa nước đạt hiệu quả, anh Thái Văn Hùng được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Trol. Đặc biệt hơn, năm 2004, anh được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng khi đã là 50 tuổi. Anh tâm sự: “Cũng có ý kiến rằng tôi đã lớn tuổi, không nên kết nạp. Nhưng đa số ý kiến cho rằng người được việc, giúp ích cho đồng bào và còn cống hiến được thì phải đứng vào hàng ngũ của Đảng.

2.

Sau nhiều năm đầu tư, đến nay Thái Văn Hùng đã có đàn bò 112 con; 13 con dê. Anh phát triển thêm nhiều diện tích cỏ trồng ngoài vùng cỏ tự nhiên vừa để đảm bảo thức ăn cho bò vừa phù hợp với chiến lược phát triển từng loại cây trồng trên từng vùng trong trang trại.

112 con bò, hầu hết là bò lai, trong đó chỉ có 8 bò đực và thường xuyên có tới 60 – 70 con bò cái đẻ. Mỗi năm, giá trị từ bê con lên tới hơn 80 triệu đồng. Bò đực không đủ tốt để làm giống, anh bán, bổ sung vốn hằng năm để đầu tư lĩnh vực khác. Anh cũng liên tục bổ sung bò đực giống tốt để tránh cận, trùng huyết trong bầy đàn. Tại các huyện miền núi, người chăn nuôi bò đàn lớn như anh không hiếm, nhưng chưa có ai sở hữu đàn bò chất lượng cao như anh.

20 ha đất, anh quy hoạch 7 ha để trồng điều. Đến nay, điều của anh chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên. 400 gốc xoài Hoà Lộc cũng gần tới kỳ thu hoạch. Vườn xoài của anh là mô hình điểm của chương trình phát triển loại cây này của Trung tâm khuyến Nông – Lâm Phú Yên. Bên cạnh đó, anh còn có 350 gốc dó bầu với hy vọng sau này, trầm hương  cùng với một số cây lâm nghiệp khác là “của hồi môn” cho các con.

Lần thứ hai vào trang trại của anh, tôi nhận ra sự thay đổi rõ rệt.. Năm nay, cây trồng bắt đầu cho thu hoạch quả bói. Năm sau, không chỉ có hàng trăm triệu đồng từ đàn bò, các sản phẩm khác từ trang trại ở vùng kinh tế mới mà đến bây giờ đường vào cũng còn khó khăn sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Anh Hùng cho biết: “Hằng ngày, giao trang trại cho người làm, còn mình phụ trách công tác của Hội Nông dân xã. Mỗi khi về, mình cũng không hài lòng với công việc ở nhà. Thế nhưng không thể bỏ công tác Hội, không phải vì mỗi buổi nghỉ bị trừ mất 5.000 đồng vào lương. Ngoài tiền lương không còn một khoản phụ cấp nào, mà lương thì không đủ đổ xăng để trèo đèo lội suối với chiếc “xế” Trung Quốc đi vận động bà con. Mình làm vì đó là sự phân công của tổ chức, của Đảng. Đảng còn cần là mình còn cống hiến, thế thôi”. Anh vẫn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong xã cùng làm lúa nước, cùng nuôi bò, cùng trồng cây lâu năm để xoá được đói, giảm được nghèo trên chính vùng đất này.

3.

Ở người đàn ông đã ngoài ngũ tuần này, chí làm giàu vẫn không phai theo thời gian cho dù đã 20 năm vất vả trên vùng đất EaTrol. Trong suốt quá trình biến ý tưởng về một trang trại rộng hơn 20 ha trở thành hiện thực, từ năm 1998, anh Thái Văn Hùng đề ra chiến lược phát triển rất cụ thể là đảm bảo an ninh lương thực cho gia đình và 5 người làm bằng 6 sào lúa nước năng suất cao; hai hồ cá đủ loại trắm, chép, trê...; các loại rau quả và đàn gia cầm. Sau 20 năm, chỉ bằng ý chí và sức lực, anh Hùng đã tạo dựng được một trang trại rộng lớn, trù phú giữa núi rừng EaTrol mà giá trị lên đến cả tỷ đồng.

Anh Thái Văn Hùng đã chọn EaTrol làm quê hương thứ hai, và đã trở thành người con đáng tự hào của vùng đất núi khó khăn này.

. Theo Báo Phú Yên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi từ chân đất đi lên  (09/03/2006)
Nghệ sĩ Tài Linh - Những nấc thang nghệ thuật   (06/03/2006)
Nối mạng với Lâm Duy Việt   (01/03/2006)
"Phía bên kia" là quê hương tôi!  (27/02/2006)
Lội vào sào huyệt của Bàu Đá  (25/02/2006)
Chinh phục đỉnh Hàm Rồng  (24/02/2006)
GS.TSKH Bùi Văn Ga nhận Huân chương Hàn lâm của Pháp  (23/02/2006)
Cốm ngễnh Bình Định và hạt nếp sột soạt  (22/02/2006)
Võ sư Quốc Cường - Người ăn bóng đèn, nuốt rắn sống  (19/02/2006)
Hoang sơ Đá Bàn  (17/02/2006)
Hoàng đế Quang Trung được Càn Long trọng thị như thế nào  (17/02/2006)
Mùa xuân đi coi hát bội  (17/02/2006)
Hồ Hoa Huệ - Nữ chưởng môn độc nhất vô nhị  (17/02/2006)
Hé mở hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung ?  (10/02/2006)
Tĩnh lặng Sơn Long  (10/02/2006)