Kiến trúc đô thị biển Việt Nam: Hướng tới một "thương hiệu"
18:6', 9/3/ 2006 (GMT+7)

Hội An cũng không phải quả chanh vắt bao nhiêu cũng được.

Ngày 1-3 vừa qua, tại TP Nha Trang, đã diễn ra Hội thảo Quy hoạch và kiến trúc Đô thị biển Việt Nam do Hội KTS VN tổ chức. Bên lề hội thảo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội đã trả lời phỏng vấn của báo Thể thao & Văn hóa. Nội dung cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều đô thị ở khu vực miền Trung, nhưng nếu quy chiếu vấn đề về với những đặc điểm cụ thể của TP Quy Nhơn nói riêng và cả tỉnh Bình Định nói chung sẽ thấy có nhiều ý kiến rất đáng lắng nghe. Báo Bình Định xin giới thiệu bài phỏng vấn với bạn đọc. Nhân đây chúng tôi xin cảm ơn các đồng nghiệp Báo Thể thao & Văn hóa đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết này.

* Chưa khai thác được lợi thế biển

+ Lịch sử đã nhắc đến những thương cảng, hải cảng nổi tiếng như Vân Đồn, Phó Hiến, Hội An và thời cận hiện đại là Đà Nẵng ?

- Vân Đồn như một ngoại lệ trong lịch sử, với quy mô giao thương hạn hẹp và chỉ tồn tại trong một thời, hoặc Phố Hiến thực chất là một cảnh sông nằm trong châu thổ, và Hội An thì xuất hiện khá muộn vào TK XVI-XVII với yếu tố thương khách ngoại quốc như Nhật Bản, Trung Quốc rõ nét. Mãi đến cuối TK XIX mới bắt đầu có một hệ thống các hải cảng trong quá trình khai thác thuộc địa của Pháp.

Về đại thể, các cảng cửa ngõ này chủ yếu là đô thị hành chính ở bờ biển, trừ Đà Nẵng thực sự có tính chất một thành phố cảng. Nha Trang cũng dần dà phát triển thành một thành phố nghỉ mát có thương hiệu, một trong số ít các đô thị Việt Nam có sức hút về dịch vụ. Nhìn toàn cục, các đô thị biển chưa tạo thành chuỗi, chưa khai thác được lợi thế của biển, và điều này còn diễn ra đến tận hôm nay.

* Cái nghèo và cái giàu của miền Trung

+ Miền Trung đã có nhiều đô thị biển. Nhưng liệu cái nghèo của dải đất này có cản trở nhiều đến sự phát triển của các đô thị biển trong tương lai ?

- Người ta vẫn nói đến cái nghèo của dải đất miền Trung và cái trù phú của hai châu thổ như một phép so sánh. Tuy nhiên, đó là cái nhìn ở góc độ cư dân làm nông nghiệp. Yếu tố nắng nóng, khô, cát, đồng bằng hẹp... lại là yếu tố làm nên sự giàu có từ quan điểm làm du lịch: bãi cát dài, nắng quanh năm, nước trong do sông ít phù sa. Phải có bài toán ở tầm quốc gia để thiết lập một hệ thống đô thị biển nhằm khai thác và phát triển một cách hợp lý nhất. Duyên hải miền Trung như một VN thu nhỏ với đủ mọi hình thái xã hội nhân văn, lịch sử, thuận lợi cho phát triển những không gian đô thị dịch vụ văn hóa.

Động cơ phát triển cho các đô thị biển là các yếu tố quen thuộc như: cảnh, hệ thống thương mại, du lịch nghỉ mát. Tuy nhiên điều đặc biệt ở Việt Nam, nhất là miền Trung, các đô thị biển có sự tổng hòa các yếu tố trên.

Tôi muốn nói về vùng đất Sông Cầu ở Phú Yên. Không một khu vực nào ở VN lại có được sự tổng hòa trọn vẹn đến thế giữa các hình thái tự nhiên: sông ngòi, ruộng đồng, rừng núi, thảm thực vật, đầm phá, bờ biển, vịnh, cù lao, đảo... Nếu được khai thác tốt, đây sẽ là một thiên đường du lịch sinh thái và tự nhiên.

+ Dựa vào du lịch để phát triển, nhưng các đô thị biển khác trên thế giới cũng có được lợi thế đó...

- Tiềm lực để làm động cơ phát triển cho các đô thị biển là các yếu tố quen thuộc như: cảng, hệ thống thương mại, du lịch nghỉ mát. Tuy nhiên điều đặc biệt ở Việt Nam, nhất là miền Trung, các đô thị biển có sự tổng hòa các yếu tố trên, đó là điểm lợi thế hơn so với rất nhiều đô thị biển trên thế giới. Rất ít nơi vừa là hải cảng thương mại, vừa là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết - Mũi Né. Và chúng ta vẫn còn mừng là tài nguyên này còn khá nguyên vẹn, cùng với những không gian văn hóa, di sản và lối sống.

* Những cảnh báo

+ Hiện nay, một số đô thị biển của chúng ta cũng đã được khai thác du lịch tương đối tốt, ví dụ như Hội An...

- Theo tôi, việc thiết lập hệ thống đô thị biển phải tính đến phân vùng ảnh hưởng của các đô thị lớn nhỏ, có trọng tâm, trọng điểm, tiến tới hình thành thương hiệu cho các đô thị, cũng như không khai thác một cách lạm dụng đến mức quá tải. Hiện tượng này đang là một nguy cơ đối với Hội An, Đà Nẵng và cả Nha Trang. Hệ thống resort và khách sạn mini dọc Cửa Đại và trong đô thị gây sức ép kinh khủng lên khu phố cổ Hội An vốn chỉ có 10 ha.

Việc Đà Nẵng phát triển quá nóng sang bán đảo Sơn Trà hoang sơ cũng là điều phải xem lại, trong khi có thể lùi vào trong. Làm những con đường ô tô dọc và sát bờ biển như ở Nha Trang và Vũng Tàu là việc có thể sẽ giảm thiểu khả năng khai thác du lịch nghỉ mát. Hoặc hiện tượng chia thửa đất dọc bờ biển như kiểu phân lô đã diễn ra ở Mũi Né - Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, bịt luôn hướng nhìn ra biển và tạo sự manh mún trong quy hoạch.

+ GS có nói đến yếu tố di sản ở đây. Dường như có một phần trùng nhau của chuỗi đô thị biển với "con đường di sản miền Trung" mà ngành du lịch đang khai thác ?

- Tôi cho rằng việc khai thác du lịch của chúng ta hơi bị "mì ăn liền", như một loại fast food, vội vã, ồn ào. Phải có một cách tiếp cận sâu xa hơn, văn hóa hơn. Ví dụ như đề xướng tam giác du lịch Hội An - Mỹ Sơn - Dung Quất có vẻ khá duy ý chí, ngay cả Hội An cũng không phải quả chanh vắt bao nhiêu cũng được. Hội An với những khu khách sạn tùm lum đang ở mấp mé của sự khai thác cạn kiệt. Giá trị của đô thị này chính là ở môi cảnh giữ được thăng bằng của nó.

+ Phần lớn các đô thị biển ở ta đều có tuổi đời khá trẻ, chỉ mới khoảng hơn một thế kỷ trở lại đây. Quỹ kiến trúc đô thị có thể bảo tồn được gì ở chúng ?

- Mỗi đô thị ở ta đều có quỹ kiến trúc cũ có giá trị, chúng tạo ra phần nào hình ảnh của các thành phố. Ví dụ như Bảo tàng nghệ thuật Chàm ở Đà Nẵng, Nhà thờ núi ở Nha Trang... Thành phố càng trẻ lại càng cần phải giữ gìn dấu ấn tuổi tác như tích lũy bộ nhớ của mình. Tòa nhà bảo tàng Chàm đã từng có nguy cơ bị một dự án khách sạn hơn 20 tầng xây ngay cạnh, trên bờ sông Hàn nhưng bị phản đối, nay lại có chuyện xây cầu chạy qua. Đó cũng không khác gì một cách hủy hoại cái đến trước. Cả thành phố Đà Nẵng chỉ có dăm ba công trình còn lại từ đầu TK 20 đáng để giữ, nếu để suy  suyển thì rất đáng tiếc.

+ Xin cảm ơn giáo sư ! 

. Theo Thể thao & Văn hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tỷ phú Bình Định làm giàu giữa núi rừng EaTrol  (09/03/2006)
Tôi từ chân đất đi lên  (09/03/2006)
Nghệ sĩ Tài Linh - Những nấc thang nghệ thuật   (06/03/2006)
Nối mạng với Lâm Duy Việt   (01/03/2006)
"Phía bên kia" là quê hương tôi!  (27/02/2006)
Lội vào sào huyệt của Bàu Đá  (25/02/2006)
Chinh phục đỉnh Hàm Rồng  (24/02/2006)
GS.TSKH Bùi Văn Ga nhận Huân chương Hàn lâm của Pháp  (23/02/2006)
Cốm ngễnh Bình Định và hạt nếp sột soạt  (22/02/2006)
Võ sư Quốc Cường - Người ăn bóng đèn, nuốt rắn sống  (19/02/2006)
Hoang sơ Đá Bàn  (17/02/2006)
Hoàng đế Quang Trung được Càn Long trọng thị như thế nào  (17/02/2006)
Mùa xuân đi coi hát bội  (17/02/2006)
Hồ Hoa Huệ - Nữ chưởng môn độc nhất vô nhị  (17/02/2006)
Hé mở hướng đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung ?  (10/02/2006)