Như tin đã đưa, vừa qua, Trần Đăng Khoa, một sinh viên người Bình Định đã được Trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) mời trao học bổng đào tạo tiến sĩ. Qua ông, bà Trần Văn Nam, Lê Thị Ngọc Bang (ba, mẹ của Khoa, hiện ở tại 67 Ỷ Lan - TP. Quy Nhơn), phóng viên báo Bình Định đã “nối mạng” và thực hiện cuộc trò chuyện với em.
- Chào Khoa, xin chúc mừng em về thành tích đáng tự hào vừa qua.
+ Xin cảm ơn chú! Xin phép được nói rõ hơn, đây là Trường Kinh doanh Tepper thuộc Đại học Carnegie Mellon (CMU - thuộc bang Pennysyvina – Mỹ). Cũng xin được báo tin mừng với chú là mới đây cháu còn được Trường Đại học University of Texas at Austin (UT) mời trao học bổng đào tạo tiến sĩ ngành Toán ứng dụng, với hướng nghiên cứu là Phương trình đạo hàm riêng và Giải tích số.
|
Trần Đăng Khoa ở Stockholm (Thụy Điển)
|
- Ồ! Vậy thì vui quá! Nhưng, trước hết, Khoa có thể cho bạn đọc biết biết đôi nét hành trình du học của mình?
+ Từ năm lớp 11, cháu đã nghĩ đến việc du học, ngành Khoa học Máy tính (KHMT - Computer Science). Năm học lớp 12 (2002), cháu được trường đại học Texas ở Austin (University of Texas at Austin) đồng ý tiếp nhận và quyết định chọn trường này vì đây là một trường thuộc top 10 của Mỹ về lĩnh vực KHMT. Trường này đang cùng với Công ty IBM thiết kế một con chip với tốc độ 10GHz. Đây có thể sẽ là một con chip mang tính cách mạng trong lịch sử ngành máy tính.
- Khoa có biết từ cơ sở nào mà 2 trường này mời trao học bổng đào tạo tiến sĩ khi em chưa tốt nghiệp đại học không?
+ Các trường ở Mỹ duyệt hồ sơ xin học dựa trên nhiều tiêu chí: từ thành tích học tập, nghiên cứu, các bài báo khoa học, sự đam mê, kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm làm việc cho đến khả năng tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa... Tóm lại, người nộp đơn có thể làm những gì họ muốn, miễn sao thỏa mãn một số điều kiện (như phải có bài luận, có ít nhất 3 thư giới thiệu...). Và, điều quan trọng là phải chứng minh được rằng mình có khả năng nghiên cứu và có khả năng thành công sau khi học.
Nhân đây, cháu xin nói thêm về sự “nhầm lẫn” của một số người Việt Nam về lĩnh vực giáo dục ở Mỹ. Đúng là trường Tepper cho cháu miễn học phí 40.000 USD và tiền sinh hoạt 20.000 USD mỗi năm. Chương trình học, nghiên cứu thông thường có thể kéo dài từ 3 đến 7 năm (tùy theo người làm nghiên cứu đã có thể bảo vệ 1 luận án tốt hay chưa). Vấn đề học thẳng lên tiến sĩ không qua thạc sĩ không phải là đặc biệt vì ở Mỹ, bằng thạc sĩ không phải là điều kiện cần để học tiếp tiến sĩ. Chương trình thạc sĩ hướng đến việc đào tạo những chuyên gia sẽ làm trong các ngành công nghiệp trong khi chương trình tiến sĩ hướng đến việc đào tạo những nhà nghiên cứu khoa học cơ bản.
Vì các trường bắt đầu khai giảng vào mùa thu nên họ phải duyệt hồ sơ xin học trước đó rất lâu. Các SV thường được nhận kết quả trước cuối tháng 4. Chính vì vậy, việc được nhận học tiếp trong khi chưa tốt nghiệp cũng phổ biến.
- Khoa có thể giới thiệu đôi nét về 2 trường này?
+ CMU là trường được xây dựng bởi Andrew Carnegie, chủ Tập đoàn thép Carnegie đầu thế kỉ 20 và sau này đổi tên thành Tập đoàn thép Hoa Kỳ. Hiện nay, CMU là 1 trong 2 trường đại học hàng đầu về ngành KHMT ở Mỹ cũng như thế giới. Đây cũng là trường đi tiên phong trong việc đưa Toán và KHMT vào trong các ngành xã hội. Mặc dù mới thành lập năm 1949, nhưng trường Tepper của CMU đã có 6 người được giải Nobel Kinh tế (gồm Robert Lucas Jr, Merton Miller, Franco Modigliani, Herbert Simon, Finn E. Kydland và Edward Prescott). Riêng về ngành Operations Research thì CMU nằm trong top 5 của Mỹ.
Đối với trường UT, đây là 1 trong số ít những trường đại học hàng đầu ở Mỹ về lĩnh vực Phương trình đạo hàm riêng (PDEs) và Giải tích số.
- Vì sao Khoa lại chọn và quyết định theo học ngành toán ứng dụng và tin học?
+ Cháu thì thích Toán từ hồi học Tiểu học và cho đến giờ vẫn tiếp tục thích Toán. Hồi nhỏ thì học Toán để “tự sướng” nhưng lớn lên thì không chỉ vì “tự sướng” và còn vì ứng dụng của Toán học là vô cùng và việc học Toán giúp cháu có thể suy nghĩ một cách chặt chẽ và logic hơn.
Lên PTTH, khi học lớp chuyên toán Trường Phổ thông Năng khiếu (PTNK - thuộc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh), cháu bắt đầu thích luôn cả tin học và lập trình. Sự yêu thích này có lẽ không chỉ vì bản chất của môn học mà còn bởi đây là một trong những trường trung học hàng đầu cả nước về Tin học. Cũng vì yêu thích lập trình nên khi lên đại học, cháu quyết định chọn ngành KHMT. Hiện tại, mảng nghiên cứu của cháu là Khoa học Tính toán - một cầu nối giữa Toán Ứng dụng và KHMT. Cháu thích lĩnh vực này vì nó tuy khó nhưng đúng với sở thích của cháu và đây là một trong những lĩnh vực mới của Khoa học Toán hiện nay.
- Điều kiện học tập, nghiên cứu của SV bên đó thế nào? Phương pháp dạy của họ ra sao?
+ Các SV ở đây học ở nhiều ngành khác nhau, từ Khoa học máy tính (KHMT) cho đến Toán học, Quản lý xây dựng, Kinh tế học... Khá nhiều SV Việt Nam ở đây là NCS tiến sĩ (tất cả đều được học bổng). Ngoài ra, nhiều SV đại học ở đây cũng tìm được trợ cấp từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn kinh phí dồi dào, hệ thống lab hiện đại chỉ là một phần trong sự khác biệt giữa trường đại học bên này và ở Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là phương pháp giảng dạy và nghiên cứu. Các giáo sư bên này luôn khuyến khích SV đặt câu hỏi, tự vấn, tìm hiểu, giải thích.
- Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và việc học tập của Khoa bên đó thế nào?
|
Trần Đăng Khoa khi làm tại Công ty Imfosys
|
+ Nói chung cũng khá... đơn giản và có lẽ không theo quy luật nào. Buổi trưa cháu hay ở trên trường nên thường ăn ở các tiệm quanh trường. Còn buổi tối, cháu tự nấu ăn (thường là đồ ăn nhanh). Sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, ca nhạc, phim ảnh, sách báo, thể thao… thì cái gì cháu cũng... đụng. Riêng đối với báo chí, có thể nói, ngày nào cũng đọc báo điện tử. Dạo này báo chí ở Việt Nam viết nhiều, viết rất mạnh, chất lượng cao nên cháu càng ham đọc. Hiện tại, cháu đang làm proctor (gần giống trợ giảng) trong trường và làm thêm cho Công ty Indeed (có trụ sở tại Austin).
- Khoa có thể cho biết về kết quả học tập từ khi sang Mỹ?
+ May mắn là khi mới vào UT, cháu được theo học 2 chương trình Turing Scholar Program và Dean’s Scholars Program nên có cơ hội học các lớp nâng cao ngay từ đầu và được khuyến khích nghiên cứu sớm với các giáo sư tầm cỡ ở đây. Hệ thống giáo dục Mỹ không xem trọng bằng khen nên họ cũng chẳng có mấy bằng khen để tặng cho SV. Bằng khen mà trường Khoa học Tự nhiên và Trung tâm Giáo dục quốc tế của UT vừa tặng cho cháu (1-3-2006) là do kết quả nghiên cứu bên... Thụy Điển.
- Theo gia đình cho biết, Khoa còn được một công ty công nghệ thông tin (CNTT) lớn của Ấn Độ mời sang làm việc?
+ Vâng, đó là Công ty Infosys - một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực CNTT. Thông qua các trường đại học lớn trên thế giới, Infosys tiến hành tuyển người cho chương trình thực tập toàn cầu (Infosys Global Internship Program). Họ sẵn sàng giao những dự án quan trọng cho các thực tập viên, nên hầu hết sinh viên làm việc trên những dự án thực của công ty này đều học được khá nhiều về chuyên môn và có nhiều bạn bè quốc tế... Năm 2004, cháu được công ty này mời sang làm việc trong thời gian 3 tháng. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở… đều do công ty tài trợ, họ còn trả lương cho mình nữa.
- Khi đó, Khoa nghĩ gì về CNTT của Việt Nam?
+ Theo cháu, mình chưa thể lạc quan với tốc độ phát triển CNTT ở nước ta như hiện nay, mặc dù nhà nước đã chọn CNTT là hướng mũi nhọn từ nhiều năm nay. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có những hạn chế, như: hệ thống luật chưa thực sự quy củ; tệ ăn cắp bản quyền, sự thiếu tích cực của các DN đối với thương mại điện tử; hệ thống giáo dục vẫn còn nhiều điểm bất cập...
- Ở bên đó Khoa có nhớ quê hương, gia đình?
+ Dạ, nhớ chứ. Tuy nhiên, ngay từ khi học hết lớp 9 cháu đã bắt đầu sống xa gia đình nên phần nào cũng đã quen. Cháu nhớ nhất ba, mẹ và cậu em trai (tên Khôi). Ba cháu chính là người thầy đầu tiên truyền cảm hứng Toán cho cháu. Đặc biệt, cháu rất nhớ mẹ. Cháu không bao giờ quên hình ảnh mẹ ngày ngày, sau khi hết giờ ở cơ quan, đạp chiếc xe lọc cọc đến trường mẫu giáo đón con... Giờ thì ba mẹ cháu đã làm chủ một doanh nghiệp, song kỷ niệm của những năm tháng đó thật khó phai mờ... Ngoài ra, cháu còn nhớ những món ăn ngon của quê hương Quy Nhơn - Bình Định , nhất là quán cháo lươn ở đường Phan Đình Phùng; quán hủ tiếu bò kho ở đường Ngô Thì Nhậm...
- Sau khi tốt nghiệp đại học, Khoa sẽ tiếp tục học tiến sĩ ở lĩnh vực nào?
+ Cháu sẽ tiếp tục nghiên cứu KHTT với ứng dụng chủ yếu trong Kinh tế, Tài chính. Còn việc chọn ngành nào (Toán, KHMT, Kinh tế) thì cháu vẫn đang suy nghĩ. Tuy nhiên, cháu vẫn nghĩ, khoa học ngày càng xích lại gần nên việc chọn ngành nào không quan trọng, vấn đề là chủ đề nghiên cứu. Cháu chủ trương học Kinh tế cũng chỉ vì mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình đối với quê hương, đất nước.
- Còn sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ?
+ Dự định của cháu là tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu ở một trường đại học nào đấy ở Mỹ để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng các mối quan hệ với những người trong ngành. Cháu nghĩ, nếu về nước sớm quá, không quan hệ, học hỏi, cộng tác với những người có uy tín trong ngành bên này thì đóng góp của mình đối với quê hương, đất nước cũng sẽ hạn chế.
- Ngay lúc này đây Khoa nghĩ gì về quê hương mình?
+ Bình Định cũng như cả nước nói chung đã có những phát triển kinh tế, xã hội đáng khích lệ trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, cháu nghĩ rằng, với nội lực sẵn có chúng ta còn có thể làm nhiều hơn thế. Nếu Đảng và nhân dân cùng quyết tâm hơn nữa, chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Ở bên này cháu vẫn thường đọc các báo điện tử như: Bình Định, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnamnet....
|
Trần Đăng Khoa năm 6 tuổi
|
Cháu có biết việc đội bóng đá Đất võ đang đứng đầu bảng xếp hạng. Theo cháu, tiềm năng của Bình Định còn nhiều. Việc UBND tỉnh tuyên dương những SV như chúng cháu chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo và biểu hiện sinh động của việc thu hút chất xám. Cháu sẽ đóng góp cho tỉnh nhà và cháu hy vọng nhiều người khác cũng thế.
- Khoa này, cái tên Trần Đăng Khoa “thần đồng thơ” xứ Hưng Yên với Trần Đăng Khoa “thần đồng toán” (tạm gọi như thế) có “liên quan” gì với nhau?
+ Cháu xin phép không nhận từ “thần đồng toán” vì nó to quá, không thật sự giúp gì cho cháu sau này vả lại cũng không đúng. Cháu cũng không thấy sự liên quan nào giữa cháu và nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngoài cái tên. Có lẽ ba mẹ đặt tên cho cháu như thế là với mong muốn sau này con cái sẽ thành đạt. Đơn giản chỉ vậy thôi.
- Nhưng, nghe mẹ Khoa nói, cháu cũng thích văn học, nghệ thuật, thể thao?
+ Về văn học - nghệ thuật thì nói chung thì cháu rất ... “máu”, nhất là âm nhạc, điện ảnh, kịch... Âm nhạc thì cháu thích nhất là nhạc thính phòng và metal (mặc dù rất trái ngược nhau?). Đối với thể thao, cháu ham thích và chơi được khá nhiều môn: bóng đá, bóng bàn, bóng rổ, và tennis. Ngoài ra, cháu cũng rất thích đi du lịch, sưu tầm tư liệu, ảnh... .
- Thấy Khoa sưu tầm và gửi về gia đình khá nhiều ảnh tư liệu lịch sử? Muốn nghiên cứu cả vấn đề lịch sử hay sao?
+ Vâng, cháu là đứa thích... đủ thứ. Nghiên cứu lịch sử cũng là một cái thú của cháu. Trong “hồ sơ tư liệu” của cháu có khá nhiều ảnh của các vị vua quan triều Nguyễn (từ Gia Long đến Bảo Đại), ảnh các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và khá nhiều ảnh về Việt Nam. Cháu đã lập một số trang web riêng về ảnh. Cháu còn sưu tầm cả những tư liệu về liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm. À, vừa rồi, ông Rob Whitehurst (anh trai của Frederic Whitehurst, người đã gìn giữ cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm trong 35 năm) tình cờ vào gallery ảnh Việt Nam trên website của cháu và bảo rất thích những hình đó. Cháu cảm thấy vui vì điều này.
- Xin cảm ơn Khoa và chúc cháu luôn học giỏi, thành đạt!
(Thực hiện) |