Bún, gỏi sứa
9:32', 21/3/ 2006 (GMT+7)

Từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, biển Bình Định lại rộ lên mùa sứa, cũng là lúc mọi người được thưởng thức các món ăn ngon được chế biến từ sứa. Trong đó, món sứa tươi ăn với bún hoặc làm gỏi rất ngon.

 

Gỏi sứa

 

Sứa ăn được có hai loại: sứa tai và sứa chân. Sứa tai có dạng hình nấm, mập căng trong khi sứa chân là phần tua phía dưới có dạng sợi dai và giòn hơn. Sứa vừa bắt lên được ngư dân chà rửa thật sạch phần nhớt khi còn ở ngoài biển, nên sứa ngả màu xanh pha tím rất đẹp. Về nhà người ta giã lá ổi (có chất chát) hoặc phèn chua ngâm vào cho sứa se lại, vài tiếng đồng hồ sau đem ra xả nước lạnh thật kỹ, cắt thành miếng nhỏ thì mới dùng được. Thân sứa mềm, nhưng nhai sống thấy giòn sần sật, lúc đầu lạ nhưng ăn nhiều thấy thích thú.

Theo chủ quán bún Vân (đường Lê Hồng Phong - TP. Quy Nhơn) thì món bún sứa ngon nhất là ăn kèm với rau sống đủ loại, như xà lách, giá, rau thơm... thái nhỏ, bên cạnh là các hũ ớt màu, ớt hiểm, chanh... Ngoài ra, để chế biến món bún sứa ngon thì việc chọn sứa đã đành, phần quyết định vẫn là cái ngon của nước. Nồi nước bún sứa ngon là nồi nước được hầm xương lợn cho thật nhừ. Dùng chảo đun dầu cho nóng vừa rồi đổ vào đó tôm tươi và cà chua (đã bỏ hột) băm nhỏ, sẽ có một thứ nước sệt màu vàng ánh dầu, sau đó đổ tất cả vào nồi nước dùng. Bún sứa phải ăn nóng mới ngon. Ở các tiệm, bún đã được chần nước sôi, bỏ vào bát; được xếp lên trên mặt một lớp sứa, nước dùng được chan lên nóng hổi. Khi ăn, bỏ rau sống và giá vào tô, thêm một tí ớt dầu cho thật cay, cắn thêm một trái ớt hiểm thì càng ngon. Vị béo của nước lèo, vị ngọt của bún rau, vị giòn của tai sứa và vị cay của ớt tạo nên cái ngon tuyệt vời.

Muốn làm món gỏi sứa ngon thì sứa phải được chần qua nước gần sôi, vắt ráo. Sau khi sứa được vắt khô ráo thì phải giã bột bánh tráng nướng thật nhỏ rồi vùi sứa vào trộn kỹ sau đó mới đem ra trộn gỏi. Riêng món gỏi sứa thì được ăn kèm với rau răm, bắp chuối hoặc xoài xanh băm nhỏ, đậu phụng, hành phi và cả dừa già cạo sợi nhỏ. Tất cả được trộn chung, rưới nước mắm có gia vị vào cho vừa ăn, xong cho lên đĩa lớn, mỗi người tự lấy bánh tráng xúc gỏi ăn, thấy vừa dai, vừa thơm, vừa rất ngon nhờ rau mùi và đậu phụng. Song, nhiều người lại thích đơn giản với món sứa được chần qua ít chanh ăn kèm với nước chấm mắm ruốc, ớt xanh. Hiện món bún, gỏi sứa không chỉ quen thuộc trong gia đình mà còn có mặt ở các quán, nhà hàng ăn uống lớn, nhỏ để phục vụ nhu cầu của đông đảo thực khách.

  • Ngân Sa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những ngôi mộ của Trần Văn Kỷ  (20/03/2006)
Người giữ hồn Chăm  (15/03/2006)
Săn "cá vua"  (14/03/2006)
Gia đình có 2 Bộ trưởng, một Tổng cục trưởng  (13/03/2006)
Trò chuyện với tài năng trẻ Trần Đăng Khoa   (11/03/2006)
An Nhơn - vựa lúa của Lâm Đồng   (10/03/2006)
Kiến trúc đô thị biển Việt Nam: Hướng tới một "thương hiệu"  (09/03/2006)
Tỷ phú Bình Định làm giàu giữa núi rừng EaTrol  (09/03/2006)
Tôi từ chân đất đi lên  (09/03/2006)
Nghệ sĩ Tài Linh - Những nấc thang nghệ thuật   (06/03/2006)
Nối mạng với Lâm Duy Việt   (01/03/2006)
"Phía bên kia" là quê hương tôi!  (27/02/2006)
Lội vào sào huyệt của Bàu Đá  (25/02/2006)
Chinh phục đỉnh Hàm Rồng  (24/02/2006)
GS.TSKH Bùi Văn Ga nhận Huân chương Hàn lâm của Pháp  (23/02/2006)