Dấu ấn Nguyễn Huệ trên đất Phú Xuân
10:39', 21/3/ 2006 (GMT+7)

Năm 1788, triều đình Mãn Thanh mượn cớ giúp vua Lê đã đưa binh hùng tướng mạnh theo chân Lê Chiêu Thống cướp nước ta. Ðược tin cấp báo, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ cho lập Ðàn Nam Giao làm lễ tế trời đất ở núi Bân (Bân sơn) để "Chính vị hiệu", tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung và phát động cuộc hành quân ra Bắc đánh dẹp giặc ngoại xâm.

Với thiên tài quân sự kiệt xuất, Quang Trung Nguyễn Huệ đã làm nên đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789) lừng lẫy, quét sạch mấy chục vạn quân xâm lược, giữ vững biên cương của Tổ quốc, mang lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân.

Sau chiến thắng lịch sử đó, Nguyễn Huệ đă nhanh chóng chỉ đạo sắp xếp công việc chính trị ở Bắc Hà rồi kéo đại quân trở lại Phú Xuân. Suốt hơn mười năm sau đó (1789-1802), Phú Xuân là kinh đô của nước Đại Việt thống nhất thời Tây Sơn.

Tại đây vua Quang Trung đă ban bố và thực hiện chỉ đạo nhiều chính sách quan trọng về nội trị và ngoại giao nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Vương triều Tây Sơn, đứng đầu là Hoàng đế Quang Trung, là triều đại phong kiến đã mang lại nhiều vinh quang cho dân tộc ta, ở nửa sau thế kỷ XVIII mà trung tâm đầu não lúc bấy giờ là kinh đô Phú Xuân.

Di tích, di vật thời kỳ Tây Sơn trên đất Phú Xuân vẫn còn tồn tại trong thư tịch và trên thực tế. Ðặc biệt núi Bân (Bân sơn) đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1988. Trong hai thập niên trở lại đây nhiều di vật quan trọng cũng đã được phát hiện ở nhiều địa điểm khác nhau ở Thừa Thiên Huế, đáng chú ý nhất là hai quả chuông đồng ở làng La Chữ (huyện Hương Trà) và làng Hạ Lang (huyện Quảng Ðiền) đều có khắc bài minh và danh sách hàng chục nhân vật thuộc hàng quan chức Tây Sơn; một bức trướng thêu kinh Kim cương có niên hiệu thời Tây Sơn được bảo quản tại chùa Trúc Lâm (TP Huế); hai tấm bia đá ghi dòng chữ "Hỗ hướng Tây Sơn khởi"; hai bia đá có nội dung liên quan đến nhân vật Phạm Công Trị (người đóng giả vua Quang Trung sang giao hảo với vua Thanh); ngoài ra còn có hàng trăm trang tư liệu Hán Nôm (thủ bản) gồm sổ sách, giấy tờ hành chánh như địa bạ, đinh bạ, đơn trương, văn khế, khoán ước, chiếu biểu, truyền thị... được ban hành dưới thời Tây Sơn ghi niên hiệu Thái Ðức, Quang Trung, Cảnh Thịnh đã cung cấp thêm nhiều thông tin rất cần thiết và bổ ích về triều đại này.

Để tưởng nhớ công lao của Quang Trung - Nguyễn Huệ đối với đất Phú Xuân, mới đây tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Huế đã phê duyệt và quyết định triển khai thực hiện dự án "Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung" tại núi Bân, cách kinh thành Huế 3 km về hướng tây nam. Tổng diện tích của khu tưởng niệm là 9,5 ha gồm các công trình: tượng đài Quang Trung (cao 21m), nhà tưởng niệm (nơi thờ Quang Trung và Ngọc Hân, các vị anh hùng của phong trào Tây Sơn)... với tổng kinh phí đầu tư trên 50 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2008. Trước mắt, sẽ xây dựng khu công viên, lên khuôn tượng Quang Trung (chất liệu bằng đất) với tỉ lệ 1-1 để lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

  • Bảo Huy (tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bún, gỏi sứa  (21/03/2006)
Những ngôi mộ của Trần Văn Kỷ  (20/03/2006)
Người giữ hồn Chăm  (15/03/2006)
Săn "cá vua"  (14/03/2006)
Gia đình có 2 Bộ trưởng, một Tổng cục trưởng  (13/03/2006)
Trò chuyện với tài năng trẻ Trần Đăng Khoa   (11/03/2006)
An Nhơn - vựa lúa của Lâm Đồng   (10/03/2006)
Kiến trúc đô thị biển Việt Nam: Hướng tới một "thương hiệu"  (09/03/2006)
Tỷ phú Bình Định làm giàu giữa núi rừng EaTrol  (09/03/2006)
Tôi từ chân đất đi lên  (09/03/2006)
Nghệ sĩ Tài Linh - Những nấc thang nghệ thuật   (06/03/2006)
Nối mạng với Lâm Duy Việt   (01/03/2006)
"Phía bên kia" là quê hương tôi!  (27/02/2006)
Lội vào sào huyệt của Bàu Đá  (25/02/2006)
Chinh phục đỉnh Hàm Rồng  (24/02/2006)