Lửa và Rượu trong đời sống đồng bào Nam Tây nguyên
11:0', 22/3/ 2006 (GMT+7)

Lửa đã bùng lên và rượu cứ thế tràn trề. Tiếng chiêng khai hội thúc giục dập dồn những bước chân của đàn ông, đàn bà, trai, gái và cả trẻ con xoay vòng với cuộc vui. Một góc rừng Nam Tây Nguyên rạng rỡ những nụ cười trên những gương mặt người sạm nâu nắng gió. Trong cuộc cuộc vui cộng đồng ấy, lửa và rượu của đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên không phải là một thứ lửa và rượu bình thường...

 

“Đêm rừng từ ngàn năm trước và đến ngàn năm sau không thể thiếu lửa. Lửa bừng lên niềm tin trong mắt người. Rượu nồng nàn trong đôi tai những chàng trai miền sơn cước. Với rượu ánh mắt thiếu nữ diễn đạt được lòng mình nhiều hơn. Ta nghe bằng tai nhưng âm thanh được lọc qua hương nồng của men rừng” - Ha Soanh, một trí thức người Cill ở buôn Ka La, xã Đầm Ròn, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng giải thích với tôi như thế. Anh còn nói thêm: “Điều ấy như một nguyên tắc sống của đồng bào mình”. Ra thế: là một thứ lửa nhưng cao hơn lửa, là rượu nhưng cao hơn cả rượu!

Trong cuộc sống cộng đồng của các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng - nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung, lửa và rượu là hai thứ không thể thiếu. La cà trên những buôn làng vùng Nam Tây Nguyên trong nhiều năm, tôi đã không ít lần được tận mắt nhìn thấy “ngọn lửa” trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số Mạ, Churu, Kơho… Trong căn nhà dài, ngọn lửa trong bếp chính (bếp của tiểu gia đình người cao tuổi nhất) không bao giờ tắt. Đêm, sau bữa cơm tối, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa chính. Ngọn lửa ấy không chỉ có giá trị sưởi ấm con người ta mà còn là vị thần chứng giám những điều giáo huấn mang tính dòng tộc, cộng đồng.

Ngày sang, ngọn lửa theo con người lên rẫy: Trước khi tra hạt giống, bao giờ trên nương cũng có một ngọn lửa được nhóm lên như là một dấu hiệu cầu an của chủ nhân trước những thần rừng, thần núi, thần sông. Chiều xuống, trước khi rời khỏi nương rẫy, bao giờ chủ nhân cũng vùi lửa, vun tóm tro than thành đụn và đặt lên đó một hòn đá (để không cho ngọn lửa bùng lên có thể gây ra cháy rừng); và đó là dấu hiệu báo cho người khác biết nơi ngự trị của thần lửa, không được giẫm đạp hoặc bước ngang qua. Đêm về, ngọn lửa theo họ vào nhà với bếp chính được khơi ra và thêm củi. Vào lúc làng có hội và lễ, ngọn lửa được đốt lên ở một vị trí trung tâm để mọi người cùng nhìn thấy và mang lễ vật đến chung vui cộng đồng. Và cứ thế, ngọn lửa theo con người ta đến lúc nhắm mắt xuôi tay: lửa trong lễ bỏ mả.

Và rượu: không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng. Có thể nói, rượu của người thiểu số Nam Tây Nguyên nói riêng và người thiểu số Tây Nguyên nói chung mang tính nghi thức nhiều hơn so với rượu của một số dân tộc khác. Một trong những bằng chứng đó là, người thiểu số chỉ sử dụng rượu khi và chỉ khi có ít nhất từ hai người trở lên. Nói cách khác, họ không có thói quen độc ẩm nên rượu không bao giờ là một thứ phương tiện thuần tuý. Với người thiểu số, một sinh linh khi hiện hữu ở cõi đời, người thân và cả cộng đồng đến mừng thì lễ vật mang theo không thể thiếu rượu. Cũng như thế, rượu hiện hữu trong lễ cưới và cả trong lúc tiễn đưa người chết. Tuỳ thuộc tính chất từng lễ nghi mà rượu lễ nhiều hay ít và ngon đến mức độ nào. Những dãy ché dài tít tắp. Hàng người nối nhau ngồi vít cong cần là hình ảnh được nhiều tác phẩm văn học dân gian của đồng bào thiểu số mô tả.

Trong lịch sử, không ít xích mích, mâu thuẫn dòng tộc, cộng đồng được hóa giải bằng những cuộc “thương thuyết rượu”. Và đây cũng là một thứ triết lý về rượu: Ai say rượu bừa bãi sẽ bị dân làng phạt! Chung quy, rượu của người thiểu số không hiểu theo nghĩa đơn thuần.

“Rượu thường đi kèm với lửa. Trong sinh hoạt cộng đồng, đã có lửa thì thường là có kèm thêm rượu. Tất nhiên, hiểu theo nghĩa thông thường thì lửa và rượu chỉ là những phương tiện. Nhưng trong văn hóa của người thiểu số Tây Nguyên nói chung và Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng – nói riêng, lửa và rượu không đơn thuần chỉ lửa và rượu mà đó là một triết lý sống, một thứ văn hóa!” – Ha Soanh giảng giải với tôi như vậy. Và, tôi xin được chép ra điều này…

  • Khắc Dũng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dấu ấn Nguyễn Huệ trên đất Phú Xuân  (21/03/2006)
Bún, gỏi sứa  (21/03/2006)
Những ngôi mộ của Trần Văn Kỷ  (20/03/2006)
Người giữ hồn Chăm  (15/03/2006)
Săn "cá vua"  (14/03/2006)
Gia đình có 2 Bộ trưởng, một Tổng cục trưởng  (13/03/2006)
Trò chuyện với tài năng trẻ Trần Đăng Khoa   (11/03/2006)
An Nhơn - vựa lúa của Lâm Đồng   (10/03/2006)
Kiến trúc đô thị biển Việt Nam: Hướng tới một "thương hiệu"  (09/03/2006)
Tỷ phú Bình Định làm giàu giữa núi rừng EaTrol  (09/03/2006)
Tôi từ chân đất đi lên  (09/03/2006)
Nghệ sĩ Tài Linh - Những nấc thang nghệ thuật   (06/03/2006)
Nối mạng với Lâm Duy Việt   (01/03/2006)
"Phía bên kia" là quê hương tôi!  (27/02/2006)
Lội vào sào huyệt của Bàu Đá  (25/02/2006)