Cát Tiên - nối một đại dương
11:13', 23/3/ 2006 (GMT+7)

Có lẽ trừ một vài địa phương ở Gia Lai, Kon Tum ra, không ở đâu lại tập trung nhiều người Bình Định như ở huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng). Cát Tiên được xem là “tiểu Bình Định" ở Lâm Đồng. Cách TP HCM chỉ một tầm nhìn nhưng “tiểu Bình Định” lại là “ốc đảo” do bị kẹp giữa ba mặt sông và một bên núi. Nhưng nay mọi sự bắt đầu thay khác...

Đường đến với vùng đất kinh tế mới Bình Định ở Nam Tây Nguyên là độc đạo: Từ Đà Lạt xuôi về hướng TP HCM, đi khoảng 160km đến ngã ba Mađagui (huyện Đạ Huoai), rẽ phải và đi thêm khoảng 50km nữa là đến trung tâm huyện Cát Tiên. Nhiều năm qua, Cát Tiên phát triển rất chậm bởi điều kiện giao thương khó khăn. Cuối tuần vừa rồi, anh Huỳnh Văn Đẩu - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên (quê ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nhắn tin: “Xuống đây đi, bà con  Cát Tiên mình chuẩn bị đổi đời rồi!”. Tôi nhận lời, mà tôi tin không một con dân Bình Định nào có thể từ chối một lời mời như thế cả.

 

Cây cầu bắc qua sông Đồng Nai sắp hoàn thành.

 

Mười lăm năm trước, lần đầu tiên tôi đến nơi mà sông Đồng Nai lượn một vòng dài ôm trọn Cát Tiên mà nghĩ “Một chiếc cầu bắc qua sông, tại chỗ này phải có một chiếc cầu để Cát Tiên gần hơn với vùng kinh tế Đồng Nai, Biên Hòa, TP.HCM... Khi được đưa vào trong một bài báo, suy nghĩ này của tôi được rất nhiều bạn đọc chia sẻ. Nhưng niềm vui nhỏ nhoi ấy cũng mau chóng đi qua bởi chẳng có dự án nào cho cây cầu nho nhỏ ấy cả. 

Vài năm sau gần đây, người Bình Định ở Lâm Đồng hay nói đùa với nhau - Đã có một cuộc hội đàm lịch sử diễn ra ngay bờ sông tại vị trí Bù Đăng và Cát Tiên gần nhau nhất giữa hai ông chủ tịch huyện Cát Tiên và huyện Bù Đăng. Nội dung cuộc hội đàm được hai ông giữ bí mật. Nhưng thật ra theo những người dân lén nghe lỏm được từ cuộc hội kể lại thì hai ông bắt tay nhau quyết xây cầu vượt sông Đồng Nai. Cũng trải qua hai đời chủ tịch dự án này mới hoàn thành và dự kiến cuối năm 2006 này Cát Tiên sẽ thoát khỏi thế độc đạo.

Và vì thế, như đã nói ở trên tôi, cũng như rất nhiều người Bình Định khác khó từ chối cơ hội được chứng kiến thời khắc chuẩn bị hợp long cây cầu nối nhịp hy vọng của hàng vạn dân "xứ củ mì" xa quê.

Sau khi trao đổi chớp nhoáng về công việc với Chủ tịch Huỳnh Văn Đẩu, tôi được anh Phạm Văn Hưng - Chánh Văn phòng UBND huyện, cũng là một người Bình Định (quê ở huyện Phù Mỹ) đưa đi. Hưng hớn hở: “Mười mấy năm bám trụ ở tiểu Bình Định, tôi quá rành nỗi khát khao của hơn bốn vạn dân nơi đây. Từ bờ bên này sang bờ bên kia chỉ là đoạn ngắn ngủn. Chỉ một tầm nhìn ấy mà sông Đồng Nai trở thành đại dương. Thật ra trái với mùa khô, khi đến mùa mưa lũ, khoảng cách giữa hai huyện - hai tỉnh cũng rộng lắm nhưng chính lúc ấy lại cây cầu lại càng trở nên cấp thiết. Ví như chuyện đau ốm, bệnh tật chẳng hạn, nếu có cây cầu khi ấy về bệnh viện Biên Hòa, TP.HCM lại gần hơn so với về phía "cha mẹ" ở Đà Lạt. Có cây cầu này, cả vùng đất Cát Tiên sẽ được nối với quốc lộ 14 để thẳng tiến vào thị trường TP HCM năng động. Cứ nghĩ đơn giản như thế này nhé - Chỉ một lát chợp mắt thôi là dân TP.HCM có thể về Cát Tiên nghỉ dưỡng cuối tuần. Rừng Cát Tiên. Thượng nguồn sông Đồng Nai tuyệt đẹp. Cây trái sum sê... Và cả một vùng văn hóa di chỉ Cát Tiên nữa. Tuyệt quá đi chứ”. Cầu treo dây văng Cát Tiên trong ống kính đẹp hơn hẳn so với bên ngoài. Nhưng có lẽ nó còn đẹp hơn bội phần trong tâm thức của người dân hai huyện ở đầu cầu.

Theo lời Chủ tịch huyện Cát Tiên thì chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân hằng năm bắt đầu từ nay đến năm 2010 từ 12% - 13%; đưa GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 4,5 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với hiện nay; bình quân lương thực đầu người đạt 1.150kg/năm; đến năm 2010 giải quyết cơ bản hộ đói nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo đói xuống còn dưới 5% theo tiêu chí mới… Đây quả là những chỉ tiêu không phải là dễ đạt được nếu không tìm thấy sự đồng lòng từ lãnh đạo cho đến người dân, đặc biệt là nếu không tìm thấy hướng đột phá.

Và cuối cùng, từ một chuyến thực tế (đặc biệt là được tận mắt chứng kiến vóc dáng cây cầu bắc qua sông Đồng Nai sắp hoàn thành) và qua câu chuyện với anh Huỳnh Văn Đẩu – một người Bình Định đứng đầu chính quyền của một địa phương “ba mặt là sông và một bề là núi”, tôi nhận ra rằng: Cát Tiên tìm “con đường lớn” và đã tìm thấy!

  • Khắc Dũng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lửa và Rượu trong đời sống đồng bào Nam Tây nguyên  (22/03/2006)
Dấu ấn Nguyễn Huệ trên đất Phú Xuân  (21/03/2006)
Bún, gỏi sứa  (21/03/2006)
Những ngôi mộ của Trần Văn Kỷ  (20/03/2006)
Người giữ hồn Chăm  (15/03/2006)
Săn "cá vua"  (14/03/2006)
Gia đình có 2 Bộ trưởng, một Tổng cục trưởng  (13/03/2006)
Trò chuyện với tài năng trẻ Trần Đăng Khoa   (11/03/2006)
An Nhơn - vựa lúa của Lâm Đồng   (10/03/2006)
Kiến trúc đô thị biển Việt Nam: Hướng tới một "thương hiệu"  (09/03/2006)
Tỷ phú Bình Định làm giàu giữa núi rừng EaTrol  (09/03/2006)
Tôi từ chân đất đi lên  (09/03/2006)
Nghệ sĩ Tài Linh - Những nấc thang nghệ thuật   (06/03/2006)
Nối mạng với Lâm Duy Việt   (01/03/2006)
"Phía bên kia" là quê hương tôi!  (27/02/2006)