Anh Trần Lâm Hồng, đảng viên, 40 tuổi, Giám đốc Siêu Thị Coop Mart Quy Nhơn trực thuộc hệ thống Sài Gòn Coop là một tấm gương tiêu biểu vươn lên bằng chính nghị lực của mình, xứng đáng được mọi người noi theo.
Trần Lâm Hồng lớn lên ở Quy Nhơn trong một gia đình nghèo. Ấn tượng đọng lại mãi mãi trong anh là thời niên thiếu chật vật. Mọi thiếu thốn của đời sống, học hành đều dồn lên đôi vai người mẹ chịu thương chịu khó. Đến năm anh 15 tuổi, mẹ anh qua đời vì bạo bệnh (1982). Bố công tác ở xa, từ những ngày ấy, anh em của Hồng đã nỗ lực hết mình và ước muốn mình phải làm được một cái gì đó để xây dựng một cuộc sống đầy đủ hơn, tươi đẹp hơn. Từ những ngày ấy, Hồng đã quyết lam thay đổi cuộc đời mình bằng sự học.
|
Ông Trần Lâm Hồng đang kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tại siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn. |
Năm 1985 anh thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn bởi cả bốn anh em đang sức ăn, sức lớn, học hành. Bấy giờ mọi sự đổ dồn lên đôi vai người cha thường chỉ quen với việc nước, việc quân. Không nản lòng, anh bước vào trường đại học để thực hiện ước mơ mà anh đã ấp ủ lâu nay. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng với anh, suốt 5 năm học tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh vừa học, vừa kiếm việc làm kiếm tiền trang trải cho chi phí của bản thân.
Nhiều lúc anh tưởng chừng phải bỏ học bởi những ngày đau ốm bất thường không ai gần gũi, không đủ chi phí cho học tập. Nhưng bằng sự cố gắng của bản thân, anh đã làm được những việc mà tuổi trẻ không mấy người có thể nghĩ tới. Anh xây dựng mối quan hệ cộng đồng tương thân tương ái cho những sinh viên nghèo. Nhờ sự giúp đỡ đó, anh đã vươn lên vượt qua nhiều thời điểm khó khăn nhất trong quá trình học tập và đi đến ngày tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi.
Năm 1990, Trần Lâm Hồng tốt nghiệp đại học và đầu quân cho Công ty Bách hóa điện máy TPHCM. Đến năm 1997, anh về công tác tại Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn. Đến năm 1999 anh về làm nhân viên cho Sài Gòn Co.op. Năm 2002, anh đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó anh được đề bạt vào vị trí Phó Phòng Mua của Sài Gòn Co.op.
Được đề bạt nhưng không vì thế mà anh hài lòng, dừng phấn đấu. Nỗ lực lioên tục của anh được lãnh đạo đánh giá cao và tháng 10-2003, Trần Lâm Hồng được bỏ nhiệm vào vị trí Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn - Bình Định trực thuộc Sài Gòn Coop đóng tại Quy Nhơn.
Với một phong cách hết sức bình dị trong cuộc sống, anh luôn ân cần lắng nghe những ý kiến của cấp dưới, luôn tạo điều kiện cho anh em được phát huy hết năng lực trong quá trình làm việc, tạo cho hơn 100 anh chị em nhân viên trong Công ty có một cuộc sống đoàn kết nhất trí, đời sống ổn định với mức thu nhập bình quân từ 2,3 triệu đồng/tháng (2005). Chỉ sau hai năm đi vào hoạt động Co.op Mart Quy Nhơn đã có doanh thu đạt mức 118 tỷ đồng với hơn 900.000 lượt người đến mua sắm (chỉ tính những khách hàng có mua sắm và thanh toán).
Không những là một giám đốc tốt, anh còn là người có tinh thần ''mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người''. Anh là người luôn đi đầu và thường xuyên vận động anh em trong Công ty có những hành động thiết thực hướng đến những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Hàng tháng, anh đã cùng đồng nghiệp trích một phần lợi nhuận để xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, hỗ trợ trẻ em khuyết tật ...
Nghiêm túc trong công việc, luôn tìm tòi, học hỏi những cái mới trong quản lý, năng động, trách nhiệm đó là cảm nhận của mọi người khi được tiếp xúc với Trần Lâm Hồng.
. Theo Website Đảng Cộng sản Việt Nam |