Người có 1.800 loại tiền
17:11', 28/3/ 2006 (GMT+7)

Những người thân và bạn bè trong giới văn nghệ sĩ vẫn gọi đùa ông là người đi tìm lịch sử tiền tệ Việt Nam. Khi nói đến tiền tệ và thú sưu tập tiền, ông như hóa thân thành con người khác: hoạt bát, gương mặt rạng ngời, ánh mắt lấp lánh niềm vui, như truyền cả niềm say mê, yêu thích vào người đối diện. Đó chính là họa sĩ - nhà sưu tầm Phạm Đình Khương quê ở thị trấn An Nhơn, tỉnh Bình Định.

50 năm sưu tầm, gìn giữ

Họa sĩ Phạm Đình Khương học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ra trường, ông dạy vẽ ở An Nhơn và Trường nữ Trung học Trưng Vương. Sau giải phóng, ông tiếp tục dạy ở Quy Nhơn, hiện đang ở TP.HCM.

Tỉ mẩn những đồng xu đã lên ten gỉ mốc trên tay, ông Khương tâm sự: “Còn nhớ hồi nhỏ, trẻ con tụi tui thường chơi đánh đáo bằng đồng tiền xu. Tôi thích chọn những đồng tiền mới nhất để dành trong cặp.

Rồi ngày Tết, được lì xì tiền tôi cũng để dành. Không hiểu sao tôi rất thích những hình vẽ trên giấy bạc, đồng xu, bất kể tiền đó có mệnh giá lớn hay nhỏ, của Việt Nam hay thế giới. Đến khi “vốn liếng” đã kha khá, tôi bắt đầu phân thành từng thời kỳ và từng quốc gia”.

Hơn 50 năm sưu tầm, đến nay, ông Khương đã có trong tay bộ sưu tập đồ sộ với khoảng 1.800 loại tiền (mỗi loại có nhiều đồng tiền) từ cổ chí kim của 50 quốc gia trên thế giới, trong đó bộ sưu tập tiền tệ Việt Nam từ thời nhà Lê đến nay được coi là có một không hai.

Ai mua cũng không bán

Trước đây, khi còn ở Quy Nhơn, họa sĩ Phạm Đình Khương dành hẳn 2 căn phòng để trưng bày bộ sưu tập tiền của mình. Nhưng giờ đây, vì nhiều lý do, ông đành “cất riêng” bộ sưu tập ấy vào những hộp lớn, hộp nhỏ; để riêng từng dòng tiền trong từng chai lọ, gói ni lông, gói giấy...

Lâu lâu, có bạn bè, người thân đến thăm, ông lại khệ nệ mang ra... khoe. Ông Khương cười: “Tiếc là chưa có điều kiện trưng bày chúng, tôi đành gói ghém chúng vào đây. Lâu lâu, tôi dành 2, 3 ngày mở tung tất cả ra kiểm tra, xem có đồng nào bị ten gỉ không”.

Không những sưu tập tiền, ông Khương còn sưu tầm các tài liệu sách vở, báo chí nói về tiền tệ. Trong bộ sưu tập tiền qua từng thời kỳ, ông đều dành đôi dòng tư liệu nói rõ đặc điểm lịch sử, kinh tế, xã hội, tiền tệ ở thời kỳ đó. Sau phần khái quát chung, ông mô tả đặc điểm của từng loại tiền: kích thước, trọng lượng, màu sắc, chất liệu (kim loại hoặc giấy), hình dáng, họa tiết.

Cẩn thận ép nhựa, hút chân không

Việc bảo quản những đồng tiền cổ cũng không phải là điều đơn giản. Dấu ấn thời gian đã để lại trên từng đồng xu. Nhiều đồng như đồng xu hình cánh quạt đời Chu, đồng tiền hình khánh thời Tuyên Đức... đã lên ten rêu mốc, trông giống như một mảnh kim loại vụn có hình dáng chứ không còn họa tiết, hình chạm gì nữa. Với những đồng tiền kim loại đã gỉ sét, ông Khương cẩn thận ép nhựa, hút chân không để chúng không bị ôxy hóa.

Ông Khương nói vui: “Cô có tin là tôi bị tiền ám ảnh không? Có những lúc ao ước 1 đồng xu, 1 tờ giấy bạc để hoàn tất bộ sưu tập của 1 nước, tôi “thèm” đến mức tối đến nằm mơ, thấy mình đang cầm nó trên tay.

Đến lúc cầm tiền thật, vui mừng không thể tả, tối đến lại... mất ngủ vì quá vui”. Trước đây, đã có người trả giá rất cao để mua bộ sưu tập tiền nhưng ông Khương nhất định không bán. “Nó không chỉ là công sức của riêng tôi mà còn có đóng góp của bạn bè, người thân. Khi nào tôi mất, tôi sẽ để lại cho các con tôi tiếp tục gìn giữ”.

. Theo Người Lao Động

 

Trong bộ sưu tập tiền của họa sĩ Phạm Đình Khương, nổi bật nhất là đồng tiền thời Lê với hình tròn đường kính 7 cm, lỗ vuông, có 4 chữ phong, hoa, tuyết, nguyệt đậm chất thơ ca và mặt sau là hình nổi độc đáo, biểu tượng của tình yêu thể hiện ở 4 cặp nam nữ đang giao phối (hiện nay nhiều người còn tranh luận đồng tiền này có phải là tiền dành riêng cho chị em bán phấn buôn hương hay đồng tiền dùng để trao tặng hoặc lì xì).

Đồng tiền Quang Trung thông bảo đồng đỏ vỏ cua lên ten xanh rêu mốc với 8 chữ Quốc, Thái, Dân, An, Phong, Điền, Vũ, Thuận hình tròn, đường kính 24 cm, lỗ vuông. Cảnh Thịnh thông bảo, Gia Long thông bảo hình vuông, cạnh 10,6 cm, lỗ vuông đến Bảo Đại thông bảo...

Gần đây hơn là loại bạc Đông Dương Ngân hàng thuộc Pháp, loại bạc thời Trần Trọng Kim, những tờ tín phiếu lưu hành ở miền Nam Trung Bộ thời kháng chiến chống Pháp, tiền giấy bạc phát hành ở miền Bắc thời chống Mỹ và có cả tiền xu 200 đồng, 500 đồng, tiền giấy polymer 500.000 đồng đang lưu hành.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trần Lâm Hồng - trưởng thành từ nghèo khó  (27/03/2006)
Cát Tiên - nối một đại dương   (23/03/2006)
Lửa và Rượu trong đời sống đồng bào Nam Tây nguyên  (22/03/2006)
Dấu ấn Nguyễn Huệ trên đất Phú Xuân  (21/03/2006)
Bún, gỏi sứa  (21/03/2006)
Những ngôi mộ của Trần Văn Kỷ  (20/03/2006)
Người giữ hồn Chăm  (15/03/2006)
Săn "cá vua"  (14/03/2006)
Gia đình có 2 Bộ trưởng, một Tổng cục trưởng  (13/03/2006)
Trò chuyện với tài năng trẻ Trần Đăng Khoa   (11/03/2006)
An Nhơn - vựa lúa của Lâm Đồng   (10/03/2006)
Kiến trúc đô thị biển Việt Nam: Hướng tới một "thương hiệu"  (09/03/2006)
Tỷ phú Bình Định làm giàu giữa núi rừng EaTrol  (09/03/2006)
Tôi từ chân đất đi lên  (09/03/2006)
Nghệ sĩ Tài Linh - Những nấc thang nghệ thuật   (06/03/2006)