Kỷ niệm 31 năm giải phóng Bình Định (31-3-1975 - 31-3-2006)
Anh hùng LLVT Nguyễn Kim: Khi nghĩ về quê hương, tôi không sợ gì hết
10:52', 31/3/ 2006 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 31 năm ngày giải phóng Bình Định, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ thiếu tá Nguyễn Kim, 74 tuổi - Anh hùng Lực lượng vũ trang, CCB phường Ngô Mây (Quy Nhơn), và nghe ông kể lại một thời hào hùng của mình trên mảnh đất quê hương.

Thiếu tá - CCB Nguyễn Kim

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo tại thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn); chỉ học đến lớp 5 thì phải nghỉ. Cha mẹ tôi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà và 2 người anh của tôi đều tham gia hoạt động cách mạng sớm. Nhận thức của tôi lúc ấy là nuôi chí chiến đấu bảo vệ quê hương như hai anh và để có cơ hội gặp lại họ (đang tập kết ngoài Bắc).

Tôi thoát ly gia đình, tham gia đội tuyên truyền giải phóng quân huyện Hoài Nhơn, rồi được đi học chuyên môn đặc công. Năm 1956 tôi được kết nạp Đoàn, ngay tại nhà mình. Năm 1961 tôi được kết nạp Đảng.

Tôi không được đọc nhiều sách. Tuy vậy, có lần tôi được đọc một tập thơ Tố Hữu. Những câu thơ như: "30 năm đời ta có Đảng/ Hôm nay ôn lại quãng đường dài/ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Qua sông nhớ suối có ngày nhớ đêm"… và cảm thấy rất hay. Từ những vần thơ ấy mà tôi đã chiến đấu quên mình. 16 tuổi, tôi vẫn còn ngủ với mẹ. Nửa đêm đi tiểu phải có mẹ dẫn đi. Vậy mà khi đi chiến đấu, hễ nghe người ta đồn chỗ nào có ma là tôi tới; đi rừng gặp cọp cũng không sợ. Khi nghĩ về quê hương mình và lòng căm thù giặc, tôi không sợ gì hết.

Năm 1967, tôi là Chính trị viên phó Tiểu đoàn đặc công của Tỉnh Đội Bình Định, đóng tại Cát Lâm, Cát Sơn (Phù Cát). Địa bàn hoạt động của đơn vị là phía đông An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước. Nhiệm vụ của đặc công chúng tôi là chuẩn bị chiến trường, thăm dò các vị trí đồn bót và dẫn bộ đội đánh. Lúc ấy, khổ lắm. Đánh giặc chỉ mặc độc một chiếc quần đùi, tùy tình hình mà ngụy trang cho khéo. Khi thì trét bùn đất, khi thì lọ nồi lem luốc, lúc phải giã lá cây bôi lên người để ngụy trang. Mỗi khi đi công tác, người nào cũng phải hái cho được một nắm rau rừng để chiều về góp vào nồi canh chung.

Với tôi, trận đánh vào trụ sở xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ) năm 1962 là một trong những trận đánh đáng nhớ nhất. Lúc này tôi là trung sĩ của Đại đội Đặc công Đ10 và 2 đồng chí nữa được giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường khu đông Phù Mỹ (Mỹ Chánh, Mỹ Thọ). Từ làng O2 ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), chúng tôi đi mất 4 ngày mới xuống đến Mỹ Thọ. Sau khi khảo sát, tìm hiểu địa bàn, tôi về báo cáo và đề xuất phương án tấn công vào đồn Mỹ Thọ.

 

Các lực lượng vũ trang nhân dân tấn công quân Mỹ xâm lược và ngụy quyền tay sai. Ảnh: Tư liệu

 

Trận đánh bắt đầu lúc 1 giờ sáng. Tất cả chúng tôi đều bôi bùn đất lên người để ngụy trang. Tôi mang một cây bộc phá dài 2m, 3 băng đạn, 1 bao lựu đạn và bộc phá, 1 khẩu "tam xông" với nhiệm vụ mở hàng rào thép gai (có rất nhiều chó canh giữ bên trong). Tôi cho bộc phá nổ, hàng rào kẽm gai đã văng ra nhưng từ các lô cốt, địch bắn ra dữ dội khiến anh em không thể tiến lên được. Tình thế bắt buộc tôi phải xông lên "bịt họng" các lô cốt, dù lúc này chân tôi đã bị đạp chông. Tôi nhào lên đút bộc phá vào lỗ châu mai lô cốt thứ nhất. Bộc phá nổ, tôi lại mang bàn chông còn dính trong chân bò sang lô cốt thứ hai, ném lựu đạn, nhét bộc phá vào lỗ châu mai. Một đồng đội đã giật cây chông từ chân tôi ra và băng bó, đưa tôi về.

Tháng 2-1975, lúc này tôi là Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn pháo D73, phụ trách mặt trận phía đông Bình Định. Khoảng ngày 20-3-1975, Tiểu đoàn pháo chúng tôi nhận lệnh phối hợp cùng hai đơn vị bộ binh là Tiểu đoàn 50 và 72 bao vây đánh Chi khu Gò Bồi (Tuy Phước). Sau đó, chúng tôi tiếp tục nhận lệnh xuống Nhà thờ Lòng Sông chờ đánh Quy Nhơn. Ngày 30-3, chúng tôi nhận lệnh di chuyển xuống Cầu Đôi. Đến nơi, tiểu đoàn nhanh chóng triển khai lực lượng chốt 4 vị trí: núi Một, núi Bà Hỏa, ngã ba Đống Đa và cảng Quy Nhơn. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiêu diệt các tàu vào biển Quy Nhơn. Trong ngày 31-3, tôi đếm được 32 chiếc tàu thủy vào biển Quy Nhơn vớt tàn quân.

Sau ngày 31-3, Tỉnh Đội điều động một số đồng chí trong đơn vị chúng tôi bổ sung cho các đơn vị của Quân khu V để tiến vào giải phóng Sài Gòn.

  • Nguyên Sương (ghi)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp lại người cắm cờ giải phóng trên Dinh tỉnh trưởng năm xưa  (31/03/2006)
Người có 1.800 loại tiền  (28/03/2006)
Trần Lâm Hồng - trưởng thành từ nghèo khó  (29/03/2006)
Cát Tiên - nối một đại dương   (23/03/2006)
Lửa và Rượu trong đời sống đồng bào Nam Tây nguyên  (22/03/2006)
Dấu ấn Nguyễn Huệ trên đất Phú Xuân  (21/03/2006)
Bún, gỏi sứa  (21/03/2006)
Những ngôi mộ của Trần Văn Kỷ  (20/03/2006)
Người giữ hồn Chăm  (15/03/2006)
Săn "cá vua"  (14/03/2006)
Gia đình có 2 Bộ trưởng, một Tổng cục trưởng  (13/03/2006)
Trò chuyện với tài năng trẻ Trần Đăng Khoa   (11/03/2006)
An Nhơn - vựa lúa của Lâm Đồng   (10/03/2006)
Kiến trúc đô thị biển Việt Nam: Hướng tới một "thương hiệu"  (09/03/2006)
Tỷ phú Bình Định làm giàu giữa núi rừng EaTrol  (09/03/2006)