Con đường mang tên "Hòa Bình", đường của những năm tháng chiến tranh vẫn theo dòng lịch sử, đi vào lòng người và tiếp mãi đến ngày nay trong tiếng gọi thân thương của mỗi người dân Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Con đường không dài nhưng đó là con đường lịch sử, con đường của thời gian, nó đã và đang in sâu thẳm trong lòng mọi người dân Hoài Sơn qua bao thế hệ nối tiếp nhau.
Từ ngã ba Chương Hòa, rẽ về hướng tây bắc đến Hoài Sơn, chúng ta sẽ có dịp đi trên con đường "Hòa Bình", một con đường đất đỏ ngoằn ngoèo trên 10 độ dốc nối liền An Đỗ với Đồng Vuông. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên con đường này hàng ngày những đoàn dân công tiếp vận, đoàn người nối đuôi nhau vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hóa, chuyển thương và vũ khí phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Con đường mang tên Hòa Bình có từ bao giờ? Theo các đồng chí cách mạng lão thành huyện Hoài Nhơn và xã Hoài Sơn, con đường mang tên "Hòa Bình" được gia cố, sửa chữa vào đầu năm 1973, khi Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết. Con đường thể hiện ước nguyện hòa bình của Đảng bộ và nhân dân Bình Định, Hoài Nhơn nói chung, của Đảng bộ và nhân dân Hoài Sơn nói riêng đã có từ đấy. Con đường được mở rộng, tu sửa và gìn giữ từ những ngày ấy cho đến nay. Mở rộng con đường đã kịp cho những chuyến xe chở bộ đội, vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí phục vụ cho chiến trường. Lực lượng thanh niên Hoài Nhơn và các huyện tham gia mở đường đông như ngày hội. Ngày nay, về Hoài Sơn ta được đi lại trên con đường "Hòa Bình" năm xưa, con đường theo ký ức thời gian vẫn "sống" trong lòng mọi người.
Mong sao con đường mang tên "hòa bình" được nối dài về thị trấn Bồng Sơn và nếu có thể được nối dài đến thành phố Quy Nhơn, trung tâm tỉnh lỵ.
|