Về mặt quân sự, tại Phú Yên, nhà Tây Sơn đã xây dựng được một lực lượng quân đội mạnh, nhằm trấn áp các thế lực đối kháng, nhất là Nguyễn Ánh lúc bấy giờ đã chiếm được Gia Định và đang từ phía nam tấn công ra.
Ở Phú Yên, ngoài lực lượng thủy binh hùng mạnh còn có những đội tượng binh của Thị Hỏa, của Thủy Xá, kỵ binh của Nguyễn Quang Sáng… mỗi đội có hàng trăm người, hàng chục thớt voi, hàng trăm con ngựa chiến.
Hoạt động có ý nghĩa trong việc phát triển lực lượng quân đội lúc này là sau các lần tiến đánh quân Nguyễn ở phía Nam, Quang Trung cho thu hồi những chiến lợi phẩm như thuyền chiến, vũ khí đưa về đây nghiên cứu, cải tiến và chế tạo mới. Đây cũng là thời kỳ nghĩa quân mở những xưởng đúc rèn vũ khí rất lớn mà ngày nay còn có thể tìm thấy nhiều di chỉ ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, như khu vực thành Chà Bàn, thành Hoàng Đế (Bình Định), khu vực Ngân Điền, Lỗ Chảo, Sơn Xuân (miền Tây Phú Yên).
I. LỰC LƯỢNG QUÂN ĐỘI TÂY SƠN TRÊN ĐỊA BÀN PHÚ YÊN
Từ vùng núi Phú Yên, nghĩa quân khai thác gỗ (để đóng thuyền chiến), luyện thép, chế tạo vũ khí… chở theo đường sông Ba xuống tập kết tại cửa biển Xuân Đài (Phú Yên) và Thị Nại (Quy Nhơn). Tại đây những xưởng đóng thuyền chiến đấu của Tây Sơn đã ra đời từ những năm 1776-1785.
Những năm 1791, 1792 công việc này được xúc tiến mạnh mẽ hơn, trên phạm vi từ Quảng Bình vào Phú Yên, để chuẩn bị cho kế hoạch tiến công toàn diện, triệt để của Nguyễn Huệ vào Gia Định. John Barrow là một người Anh, sang nước ta trong những ngày Tây Sơn đóng nhiều tàu nhất (1792-1793) đã nhận xét: “Có một nghề đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng Trong hiện nay có thể tự hào, đó là nghề đóng thuyền biển… Thuyền biển của họ đi không nhanh, nhưng rất an toàn, bên trong được chia thành nhiều khoang. Loại này rất chắc, có thể va vào đá ngầm mà không chìm, vì nước chỉ vào được một khoang mà thôi. Hiện ở Anh đã bắt chước cách đó để đóng tàu”.
Khả năng quân Tây Sơn đóng được những chiến hạm kiểu châu Âu là có thật. Nghĩa quân Tây Sơn ở Phú Yên đã góp phần to lớn vào việc chế tạo súng ống, luyện thép, khai thác gỗ, đóng chiến thuyền. Hoàng Lê nhất thống chí có nói đến việc Quang Trung “đóng tàu biển” thật lớn, có thể chở “voi” để dọa đánh nhà Thanh. Chaigneau, Barizy là sĩ quan Pháp từng trực tiếp giáp mặt với quân thủy Tây Sơn đã phải thừa nhận sự tồn tại ngoài trí tưởng tượng của những chiến hạm Tây Sơn trang bị tới 50-60 khẩu đại bát hạng nặng. Chính sử nhà Nguyễn gọi đó là loại thuyền “Đại hiệu”. Sách Hoàng Lê nhất thống chí mô tả thuyền “Địa hiệu” như một pháo đài di động, trên “lập chòi gát, đặt súng lớn”.
Các xưởng rèn đúc, chế tạo vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn ở vùng miền Tây Phú Yên đã chế tạo, bổ sung một nguồn vũ khí lớn cho Tây Sơn, như: gươm, giáo, hỏa hổ, hỏa cầu…
Hỏa hổ là một loại vũ khí hình ống. Sử sách Nguyễn thường gọi hỏa hổ là hỏa phun đồng. Hỏa cầu (lưu hoàng) là loại quả nổ dùng để ném hoặc bắn, có tác dụng như lựu đạn hoặc phóng lựu. Tùy chất nạp mà quả nổ có thể tạo ra khói độc, nhựa cháy, mảnh vụn sát thương…
Nhờ có thêm hai lại hỏa khí nói trên và pháo trên chiến thuyền nên hỏa lực của quân đội Tây Sơn khá mạnh, tạo ra bước phát triển vượt bậc cho nghĩa quân cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong bức thư đề ngày 11-4-1801, Barridy – một người Pháp, cố vấn của Nguyễn Ánh – bấy giờ đang ở Gia Định, gởi cho Letondal, viết về trận hải chiến trên vùng biển Bình Định – Phú Yên xảy ra trước đó hai tháng đã thống kê khá chi tiết về lực lượng quân Tây Sơn do đô đốc Võ Văn Dũng chỉ huy: “Quân địch do đô đốc thiếu phó chỉ huy gồm:
- 9 tàu (vaisseaux) loại 66 đại bát (canons) cỡ 24 livres (cân Anh), mỗi tàu 700 thủy binh.
- 5 tàu loại 50 đại bác, cỡ 24 livres, mỗi tàu 600 thủy binh
- 40 tàu loại 50 đại bác, cỡ 12 livres, mỗi tàu 200 thủy binh.
- 93 thuyền chiến (galères), loại 1 đại bác, cỡ 36 livres, mỗi thuyền 150 thủy binh.
- 300 xuồng gắn pháo (chaloupes canonniéres), loại 50 thủy binh.
- 100 tàu buồm kiểu Đàng Trong, loại 70 thủy binh”.
Trong một đoạn khác Barridy còn cho biết quân Tây Sơn còn 4.800 thuyền vận tải nữa đang đậu ở các cảng ven bờ.
Những chuyển biến sâu sắc trong quân đội Tây Sơn, nhất là việc hình thành căn cứ quân thủy lớn ở vùng biển Cù Mông – Thị Nại, từ năm 1789. Bằng những hoạt động tuần tra rất có hiệu quả của các đội “du thuyền” và sự xuất hiện những tàu thuyền lớn trang bị nhiều pháo chuyên hoạt động trên biển đã làm rõ nét một lực lượng hải quân độc lập, hùng hậu của nước ta dưới thời Tây Sơn.
II. PHÚ YÊN - NƠI DIỄN RA NHIỀU TRẬN ĐÁNH ÁC LIỆT GIỮA PHONG TRÀO TÂY SƠN VÀ CHÚA NGUYỄN ÁNH
Sau khi cuộc khởi nghĩa nổ ra (1771) đến đầu năm 1773 nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ một vùng rộng lớn từ Phú Yên đến Quảng Ngãi (bao gồm cả Tây Nguyên). Cuối năm 1773, từ Phú Yên nghĩa quân đánh chiếm Diên Khánh, Bình Khang.
Mùa hè 1774, lưu thủ Long hồ Tống Phước Hiệp huy động quân lính ở Gia Định tiến đánh và chiếm lại ba phủ Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang, sau đó chiếm lại cả Phú Yên. Và Phú Yên trở thành chiến tuyến địa đầu của nghĩa quân Tây Sơn, nơi đối đầu với tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn ở phía Nam, buộc các thủ lĩnh Tây Sơn phải tìm mọi cách để lấy lại vùng đất này; chỉ có như vậy mới có điều kiện bảo tồn và phát triển cuộc khởi nghĩa.
Tháng 7-1775, Nguyễn Nhạc phải dùng kế hoãn binh với quân Trịnh ở mặt bắc, để tập trung lực lượng đánh chiếm lại Phú Yên, tấn công quân Nguyễn ở phía nam.
Đối với mặt trận phía Nam, Nguyễn Nhạc sai người mang thư vào Phú Yên ngỏ ý xin hàng Tống Phước Hiệp và lập hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương lên làm vua. Tống Phước Hiệp tin là thật nên không chú ý phòng bị nữa. Nắm lấy sơ hở này, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ đem đại binh đánh úp Tống Phước Hiệp ở Phú Yên và giành thắng lợi. Đây là chiến công lớn đầu tiên của Nguyễn Huệ, lúc bấy giờ mới 23 tuổi.
Trong trận tiến công này, lực lượng nghĩa quân tại Phú Yên có lực lượng kỵ binh do Nguyễn Quang Sáng, Lương Văn Trực cùng vua Thủy Xá Ma Khương chỉ huy – tụ nghĩa ở núi La Hiên – phối hợp với thủy quân của Lưu Quốc Hưng, Trần Văn Nhâm hợp thành lực lượng Tây Sơn hữu đạo, cùng 2.000 quân của Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn kéo vào, đánh tiêu diệt hơn 10.000 quân của chúa Nguyễn ở Vịnh Xuân Đà. Tống Phước Hiệp, theo đường bộ tháo chạy, vượt đèo vào nam.
Ở phía nam Phú Yên, đội quân của vua Hỏa xá Y Thuông ở Thạch Thành cùng quân của các tướng Phạm Văn Tham, Lê Văn Thanh và thủy quân của Phạm Ngạn chặn đánh tiêu diệt 5.000 quân của chúa Nguyễn từ phía nam kéo ra đèo Cổ Mã.
Chiếm được Phú Yên (1775), Nguyễn Nhạc cử Lý Tài trấn thủ Phú Yên, sai em là Nguyễn Lữ đem thủy binh vào đánh Gia Định; chiếm được thành Gia Định và các dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ; chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy về Bà Rịa.
Tháng 3-1776, Nguyễn Nhạc tự xưng Tây Sơn Vương, xây lại thành Đồ Bàn, phong Nguyễn Huệ làm phụ chính, Nguyễn Lữ làm thiếu phó; mở đầu sự hình thành vương triều Tây Sơn.
Trong suốt những năm khởi nghĩa và tồn tại của vương triều Tây Sơn, cùng với Quy Nhơn, Phú Yên là hậu cứ quan trọng của nhà Tây Sơn. Tại đây, nhà Tây Sơn đã tập trung củng cố, xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ. Từ năm 1773, một nhiệm vụ lớn lao của nghĩa quân Tây Sơn là quản lý cả một vùng biển dài, rộng; đồng thời phải tiêu diệt đội quân phản động của Nguyễn Ánh đang được bọn tư bản phương tây xúm vào vực dậy. Giữa hai bên Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ đang ráo riết một cuộc “chạy đua vũ trang” vừa ngấm ngầm vừa gấp gáp. Đội quân phản động của Nguyễn Ánh được sự giúp đỡ của tư bản Pháp, Bồ Đào Nha và phong kiến Xiêm. Quân đội Tây Sơn với tất cả tiềm năng vốn có của dân tộc, đang được tổ chức, tập hợp lại dưới sự lãnh đạo thiên tài của Nguyễn Huệ.
Ngay từ khi xác lập quyền làm chủ ở Phú Yên (1773-1776) vấn đề bố phòng, tuần tra đã được nghĩa quân chú ý. Cha cố Diego Jumilla đã cho biết về khả năng kiểm soát của nghĩa quân: “Những người nổi dậy làm chủ cả tỉnh Quy Nhơn. Say sưa bởi những chiến công ấy, họ bổ nhiệm quan lại cho hai tỉnh (Quy Nhơn, Phú Yên), và đắp lũy cho các hải cảng”. Ông nhận xét: “Bọn họ (Tây Sơn) ngăn cản không để nhà vua (chúa Nguyễn) liên lạc với các tỉnh khác ở giữa Phú Yên và Raygon (vùng đồng bằng sông Cửu Long). Từ các tỉnh ấy ra tới triều đình (Phú Xuân) người ta không thể nào lưu thông đường bộ cũng như đường biển”.
Từ 1776-1785, khi quân Nguyễn co lại ở Gia Định, quân Tây Sơn đứng vững trên địa bàn của mình từ Phú Yên ra đến Quảng Nam, tạm hòa hoãn với quân Trịnh ở Thuận Hóa, ra sức xây dựng lực lượng tiến công giải phóng Gia Định sau này.
Từ năm 1789 những chuyển biến sâu sắc trong quân đội Tây Sơn, nhất là việc hình thành căn cứ quân thủy lớn ở vùng biển Cù Mông – Thị Nại và hoạt động tuần tra rất có hiệu quả của các đội “du thuyền” và sự xuất hiện những tàu thuyền lớn trang bị nhiều pháo, chuyên hoạt động trên biển đã làm rõ nét một lực lượng hải quân độc lập, hùng hậu. Nhờ vậy, lực lượng quân đội Tây Sơn đóng trên địa bàn Phú Yên ngăn chặn được kế hoạch phản công của Nguyễn Ánh.
Đúng như đánh giá của Quang Trung, trong phong trào Tây Sơn, “Phú Yên đã từng luôn luôn là trung tâm chiến tranh”, là nơi đã diễn ra cuộc đấu tranh rộng lớn, mà động lực chủ yếu là nông dân. Cùng cả nước, nghĩa quân Tây Sơn ở Phú Yên liên tục chiến đấu, xây dựng lực lượng, lật đổ chính quyền thống trị trong nước, đánh tan các cuộc xâm lược của quân Nguyễn câu kết với nước ngoài; tiêu biểu cho tinh thần quật khởi chống áp bức cường quyền và tinh thần đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm.
. Báo Phú Yên
|