Năm 1804, trong một dịp ra Thăng Long, vua Gia Long hỏi Tổng trấn Bắc thành về tình hình Cao Bằng. Nguyễn Văn Thành tâu: Đã dụ hàng Phạm Cần Chính và đồng bọn nhiều lần. Nhưng quân phiến loạn đang đêm cứ đột nhập quấy nhiễu phủ thành, phải điều quân lên trấn giữ. Bị đánh dạt vào rừng sâu, nhưng khi quân ta rút về thành, chúng lại tràn xuống.
Nghe xong, Gia Long nói: Cần Chính là một chàng trai kỳ lạ! Bị Quang Toản ruồng bỏ đến thế, vậy mà vẫn một lòng trung thành với Nguyễn Huệ. Dụ hàng mấy lần vẫn không quên chủ cũ. Đáng khen !
Phạm Cần Chính là ai mà Gia Long phải buột miệng khen đến vậy. Vị tướng Tây Sơn này quê ở Phù Cát. Có lẽ Cần Chính không phải là tên thật của ông, mà là tên Quang Trung ban cho vị tướng cần mẫn và chính trực.
Thuở nhỏ, Cần Chính là một cậu bé nhà nghèo nhưng hiếu học. Thiếu dầu đèn, cậu vào rừng hái củi, chẻ nhỏ làm đuốc soi. Thiên tư thông minh, trí nhớ tốt, Cần Chính học đâu biết đấy. Lớn lên, lại ham đọc binh thư. Ngoài trí tuệ hơn người, ông còn có sức mạnh bẩm sinh. Chưa đến tuổi hai mươi mà đã kéo cung nặng 300 cân. Nhờ một hiệp khách khoác áo nhà sư dày công truyền dạy võ nghệ, ông trở thành trang hiệp sĩ giỏi đao kiếm, cung tên, sử dụng tuyệt hảo thiết sóc (giáo sắt), có thể ngồi trên mình ngựa vung giáo đánh hạ hàng trăm địch thủ. Ông được người đương thời suy tôn là Phạm Thiết Sóc.
Nhà Tây Sơn dấy nghĩa, ông theo Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc, lần lượt đánh bại quân Trịnh, diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, đại phá quân Thanh, dẹp tàn quân Lê Chiêu Thống, lập nhiều chiến công. Ổn định Đàng Ngoài, Quang Trung đặc ban cho ông họ Nguyễn và cử làm Tổng binh Cao Bằng trấn giữ biên giới. Nhờ vậy, ông có điều kiện quen biết các vị tù trưởng, am hiểu địa hình và dân tình đất biên cương.
Quang Trung đột ngột qua đời, Cảnh Thịnh lên ngôi còn nhỏ tuổi, nghe lời Bùi Đắc Tuyên tước hết binh quyền vị tướng trẻ tài ba. Không nản lòng, ông vẫn một mực trung thành với nhà Tây Sơn. Về sau, vua Cảnh Thịnh hối hận về việc làm sai trái của mình, hạ chiếu vời ông ra cầm binh.
Triều Tây Sơn sụp đổ, Cần Chính không tuẫn tiết như bao tướng lĩnh tận trung khác, mà cùng những người tâm phúc bí mật tìm đường lên Cao Bằng, liên kết với các tù trưởng miền núi, tổ chức lực lượng chống lại nhà Nguyễn. Tổng trấn Bắc thành tiểu trừ không xong, dụ hàng không được, đành để mặc cho toán binh trung thành với nhà Tây Sơn này khi ẩn khi hiện giữa chốn rừng sâu núi thẳm.
Tương truyền khi ông qua đời, các chiến hữu đã mai táng ông bên ngọn đồi cạnh dòng suối, ngoảnh mặt về Nam, khoác lên thi hài ông bộ võ phục Tây Sơn, phả lên quan tài ông tấm cờ đào của nghĩa quân.
|