Rủ nhau đi đánh bài chòi
10:1', 2/5/ 2006 (GMT+7)

Từng là một trò chơi dân gian phổ biến những ngày xuân, nhưng đánh bài chòi đã gần như mất hẳn ở Bình Định. Sự trở lại của thú chơi này tại Khu Du lịch Ghềnh Ráng vào dịp 30-4 và 1-5 đã thu hút được nhiều người tham gia…

 

Các chú Hiệu đang bốc con bài trong ống tre để hô tên cho người chơi biết.

 

* "Rủ nhau đi đánh bài chòi..."

Trên mảnh đất rộng khoảng 1.000m2 của Khu Du lịch Ghềnh Ráng, 9 chòi tre được dựng liền nhau theo hình chữ U. Mỗi quân bài được viết trên mỗi thẻ tre rộng bằng hai ngón tay và dài chừng vài tấc. Bộ bài gồm 27 cặp, với những tên bài, nửa Hán, nửa Việt như nhất nọc, nhì nghèo, ba gà (pho sách); nhất trò, nhì bí, tam quang (pho vạn)… được chia làm đôi. Một nửa cho vào ống tre gắn ở trụ chôn trên khoảng đất trống giữa các chòi. Nửa còn lại cứ 3 con bài dán chung vào một thẻ lớn (thẻ chòi) chia đều cho 9 chòi. Mỗi chòi được phát một chiếc mõ tre, riêng chòi cái thì phát một chiếc trống cơm.

Các chòi đã đủ người chơi, kèn trống bắt đầu nổi lên. Chú Hiệu bốc một con bài trong ống tre rồi xướng tên con bài, hoặc hô lên một câu bài chòi có liên hệ đến con bài, sau đó mới hô tên. Chòi nào có con bài trúng thì gõ lên 3 tiếng mõ. Chú Hiệu liền chạy đến trao cho chòi chiếc thẻ ấy. Khi chòi nào trúng đủ 3 con bài trong thẻ lớn là bài đã tới, chòi đó phải gõ một hồi trống hay mõ.

Không khí cuộc chơi diễn ra thật hào hứng sôi nổi. Chòi này dăm ba bạn trẻ túm tụm lại chăm chú theo dõi thẻ bài qua lời hô của chú Hiệu. Chỗ kia, một đôi vợ chồng đứng tuổi đang hồi nhớ lại thời tuổi trẻ của mình với những lần xem bài chòi ở quê…

Bản thân tôi - người viết bài này, cũng cố mà "chiếm" lấy một chòi và tiu nghỉu khi những chòi xung quanh đã trúng tới hai quân bài mà mình chưa có con nào. Nhưng rồi ngay sau đó, tôi cũng trúng liền 3 quân bài liên tục và trở thành "quán quân" của hiệp chơi thứ hai. Thật vui khi được chú Hiệu bưng phần thưởng đến tận chòi và trao cùng với câu bài chòi chúc mừng người chiến thắng…

NSƯT Phan Ngạn, Chủ nhiệm CLB Bài chòi cổ Dân gian Bình Định, người đứng ra quy tập nghệ nhân, dàn dựng cho trò đánh bài chòi dân gian này trở lại, cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc tổ chức trò chơi dân gian này. Từ cách dựng chòi, làm mõ đến những lời hô của hiệu và quy tắc trò chơi đều được tiến hành trên cơ sở bảo tồn đúng nguyên gốc trò chơi truyền thống…".

* Khôi phục một "đặc sản" văn hóa Bình Định

Theo các nghệ nhân, chính Đào Duy Từ (1752 - 1634) đã lập ra hội đánh bài chòi - một trò chơi không mang tính cách sát phạt, mà nặng tính diễn xướng dân gian. Đánh bài chòi phát triển mạnh vào nửa đầu thế kỷ trước. Cứ vào đầu xuân, khắp các làng quê Bình Định đâu đâu cũng tổ chức hội bài chòi. Đánh bài chòi là một thú tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng tao nhã, một hội chơi dân gian đầy sức thu hút. Từ một thú chơi, bài chòi đã dần dần phát triển thành lối hô bài chòi hay hát bài chòi, rồi từ đất lên sàn, bài chòi phát triển thành một loại hình ca kịch.

Tuy nhiên, từ sau 1945, trò chơi dân gian đánh bài chòi đã dần mai một và mất hẳn. Năm 2000, Câu lạc bộ Bài chòi cổ Dân gian Bình Định lần đầu tiên tái hiện trò chơi này tại chùa Thập Tháp (An Nhơn), nhưng sau đó lại tiếp tục chìm vào lãng quên.

Hiện nay, khi nhắc đến trò chơi đánh bài chòi người ta chỉ nhắc đến Quảng Nam bởi địa phương này đã khôi phục thành công lối đánh bài chòi vào những đêm hội phố cổ ở Hội An - một cách quảng bá văn hóa rất hiệu quả của tỉnh này. Với Bình Định, phải làm gì để khôi phục lại hội đánh bài chòi, để Bình Định mãi xứng đáng là "cái nôi của bài chòi"? Câu hỏi này xin dành cho những nhà quản lý văn hóa.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh tráng Tư Nam  (02/05/2006)
Vị tướng Tây Sơn kỳ lạ  (28/04/2006)
"Bánh tráng trên lưng ngựa"  (27/04/2006)
Phong trào Tây Sơn trên đất Phú Yên   (24/04/2006)
Học trò trường huyện đi thi   (21/04/2006)
Hương quê Bình Định đến với người tiêu dùng trong nước  (19/04/2006)
Cô gái "số 1"  (18/04/2006)
Đường "Hòa Bình" - con đường lịch sử và ký ức  (10/04/2006)
Anh hùng LLVT Nguyễn Kim: Khi nghĩ về quê hương, tôi không sợ gì hết  (31/03/2006)
Gặp lại người cắm cờ giải phóng trên Dinh tỉnh trưởng năm xưa  (31/03/2006)
Người có 1.800 loại tiền  (28/03/2006)
Trần Lâm Hồng - trưởng thành từ nghèo khó  (29/03/2006)
Cát Tiên - nối một đại dương   (23/03/2006)
Lửa và Rượu trong đời sống đồng bào Nam Tây nguyên  (22/03/2006)
Dấu ấn Nguyễn Huệ trên đất Phú Xuân  (21/03/2006)