Ngày nay, những nghề thủ công truyền thống từ nguyên liệu mây, tre, lá đã đóng góp một phần không nhỏ vào thu nhập của người dân. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của các làng nghề và tìm giá trị mới cho cây tre, cần có những hướng đi khác...
* Nghề phụ -thu nhập chính
Ở nhiều địa phương trong tỉnh đều có làng nghề đan tre. Thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn) có khoảng 500 hộ, thì đã có hơn 200 hộ làm nghề đan rổ tre. Đây là một trong những nghề truyền thống của Nhơn Lộc. Rổ đan xong, để sẵn trong nhà, khoảng 10 ngày lại có người đến thu mua một lần. Không chỉ ở Bình Định, nhiều thương lái từ Nha Trang, Vũng Tàu... cũng tìm đến mua hàng. Nghề không kén người nên từ người già đến con nít, ai cũng có thể làm được. Bà Cần Thị Tài, một người dân ở Đông Lâm, cho biết: “Bà con chúng tôi, ngoài nuôi heo, nấu rượu, làm ruộng, nếu có nghề đan rổ thì cũng có thể kiếm thêm 20.000 đồng/người/ngày. Làm nông chỉ đủ ăn, nếu cả gia đình 4 người đều đan rổ thì mỗi tháng thu nhập thêm cũng hơn 1 triệu đồng”.
|
Bà Nguyễn Thị Nữ (Đông Lâm) đang đan rổ. Ảnh: M.H |
Không chỉ ở Đông Lâm, thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn) có nguồn nguyên liệu dồi dào và nhiều lao động nông nhàn có thể tham gia sản xuất giỏ tre. Nghề đan giỏ tre tuy chỉ mới phát triển 5-6 năm nay, nhưng đã thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở đây. Hiện toàn thôn có hơn 50 hộ tham gia, với hơn 200 lao động, với mức thu nhập ổn định 400.000 đồng/người/tháng.
Tuy là nghề phụ, nhưng những sản phẩm từ tre đã góp một phần không nhỏ trong thu nhập của người dân nông thôn Bình Định.
* Lối đi nào cho làng nghề đan tre?
Hiện nay, sự đa dạng trong thiết kế nội thất và khuynh hướng đem thiên nhiên vào không gian sống đang trở thành một gu thẩm mỹ mới. Những bộ ghế làm bằng tre, mây, những vật trang trí bằng tre đang được ưa chuộng. Khi được hỏi, với cách đan như vậy, ngoài đan rổ, bà con còn có thể làm những sản phẩm gia dụng như: bàn, ghế, thúng, mủng,... đồ trang trí lồng đèn tre, chuông gió tre, rèm tre,... chẳng hạn, không ít người ở thôn Đông Lâm đã xác nhận, họ có thể làm được nếu như có mẫu. Hiện nay, những sản phẩm thủ công kết hợp giữa những chất liệu mây, tre, lá đang được ưa chuộng ở thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngành thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm làm từ những chất liệu này đang phát triển khá rầm rộ. Nhưng ở Bình Định, tiềm năng này dường như vẫn còn bỏ ngỏ!
Ông Cao Văn Nghĩa- Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc cho biết: “Người dân ở đây cũng đã từng thay đổi sản phẩm từ đan nong, nia, sang đan rổ để phù hợp với thị trường. Bà con đều mong muốn phát huy được nghề truyền thống để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng chưa làm được. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát thực trạng của làng nghề; nhưng để tìm một hướng đi mới cho các làng nghề này thì nó vượt khỏi tầm của địa phương”. Nên chăng, cần phát triển một hướng sản xuất mới để tạo ra những sản phẩm kinh tế hơn từ nguồn nguyên liệu tre, bằng cách hỗ trợ các làng nghề trong việc thiết kế mẫu mã, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, tạo ra sự liên kết giữa các làng nghề mây, tre, lá để có những sản phẩm độc đáo, đa dạng...
Tỉnh ta có nguồn nguyên liệu mây, tre, lá dồi dào và có nhiều làng nghề đan truyền thống, nhưng các sản phẩm từ cây tre lại quá đơn điệu, nên không thể tăng hiệu quả kinh tế. Người dân không thể tự mình bứt phá, vậy ai sẽ là người “vẽ đường” cho họ. Được biết, tỉnh ta đã có Trung tâm khuyến công, người dân ở các làng nghề đan tre rất mong có sự hỗ trợ, giúp đỡ của đơn vị này.
|