Ông Phan Ngọc Bộ, Hiệu trưởng trường PTTH Nguyễn Trân (Hoài Nhơn):
Người “lập dị” đáng quý
8:28', 22/5/ 2006 (GMT+7)

Không phải là nhà giáo ưu tú, ông chỉ là một hiệu trưởng. Với ông, làm hiệu trưởng cho đúng nghĩa người đứng đầu một trường học đã khó lắm rồi. Còn đối với đồng nghiệp và học sinh, người hiểu thì cho là ông nghiêm túc, người không hiểu thì gọi ông là không thức thời, lập dị. Riêng ông, vẫn trước sau như một. Ông là Phan Ngọc Bộ, Hiệu trưởng trường PTTH Nguyễn Trân (Hoài Nhơn).

 

Đã bao năm “Tể tướng lưng gù” đánh trống khai trường. Ảnh: Q.H

Dạy học sinh gian dối là “gài mìn vào tương lai”

Nói đến kỷ cương, nề nếp trong giáo dục trước hết là nói đến sự nghiêm túc trong học hành, thi cử. Tôi vẫn luôn nhớ, vào mỗi mùa thi, hễ trường nào, huyện nào có tên ông Bộ làm Chủ tịch hội đồng coi thi (HĐCT) là trường đó “méo mặt”. Đã có bao nhiêu câu chuyện đồn đại về ông. Tỷ dụ như: lão ấy tinh như mèo! Có bận ông còn cởi dép cho khỏi phát ra tiếng động để rình bắt thí sinh lật tài liệu?

(Ông Bộ bật cười) Không có đâu, họ nói quá lên đấy. Nhưng đối với tôi, làm cái gì để học sinh (HS) nên người; giữ được nề nếp, đánh giá đúng chất lượng học tập của HS là tôi làm. Nói thật, đã 34 năm làm nhiệm vụ coi thi, tôi thấy việc thi cử thiếu trung thực đã trở thành căn bệnh mãn tính. Tính chất tiêu cực trong thi cử cũng ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây là hiện tượng “toàn dân đi thi”, đến ngày thi là phụ huynh HS tập trung kín xung quanh nơi thi để giải bài, ném tài liệu... thì bây giờ, tiêu cực trở nên ngấm ngầm hơn. Thí sinh “mua” giám thị bằng cách đóng tiền và bỏ phong bì gọi là... bồi dưỡng. Mà một khi giám thị đã nhận “bồi dưỡng” rồi thì họ - nhất là thí sinh thi bổ túc - có thể “làm trời làm đất”, giám thị cũng chỉ còn biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Rồi là tình trạng, hễ thi cử là trường nào cũng bày biện ra đủ thứ, nào là thuốc, nước, rồi liên hoan, chè chén trước và sau khi coi thi... với mong muốn HS của mình đậu nhiều. Các trường cứ chạy theo thành tích mà quên mất giáo dục đạo đức cho HS là trung thực trong học hành, thi cử. Hiện nay, ngành giáo dục đang muốn tạo nên sự đột phá về nội dung, chương trình... theo tôi, trước hết là phải “tấn công” vào lĩnh vực thi cử. Trả lại đúng nghĩa cho 7 chữ “an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”.

Trong ngành giáo dục, người ta vẫn truyền tụng câu “nhất Chi (NGƯT Bùi Đình Chi) nhì Bộ” để ám chỉ những ông thầy quá “nguyên tắc” trong nhiệm vụ coi thi. Bây giờ thầy Chi đã nghỉ hưu...

Năm 1983, tôi làm quyền hiệu trưởng trường PTTH Hoài Ân, mở lớp bổ túc không ai chịu đi học vậy mà vừa được điều chuyển về dưới này, đã có hơn trăm người đăng ký thi bổ túc. HĐCT bổ túc đặt ngay trường Trung cấp nông nghiệp. Vào thời đó, giấy bơ-luya rất hiếm, phải mua từ phân phối, vậy mà giáo viên (GV) được cấp rất nhiều để giải bài rồi chép ra giấy than đưa vào phòng thi cho mấy ông chép. Đúng là chuyện thi cử, bằng cấp bây giờ đã trở thành tệ nạn từ trên xuống. Làm chủ tịch HĐCT bổ túc ở An Lão, huyện còn cử cả người xuống gặp tôi để hối lộ. Nói thật, cũng chỉ vì cái “bằng thật học giả” mà mất cán bộ. Năm trước, thấy nhiều ông còn chưa học hết cấp 3, vậy mà mới có mấy năm đã “cao cấp chính trị” hết. Yêu cầu chuẩn hóa về bằng cấp đối với cán bộ xem ra phản tác dụng, hầu hết đều là sự hợp thức hóa để... giữ ghế. Vừa tốn công sức, vừa tốn tiền của nhà nước... Bởi vậy, làm chủ tịch HĐCT ở đâu, điều đầu tiên tôi yêu cầu anh em GV coi thi phải trọng danh dự của nhà giáo, tránh mọi sự cám dỗ của đồng tiền. Có năm, coi thi bổ túc ở một HĐCT, tôi phát hiện ra nhiều giám thị đã nhận phong bì của thí sinh nên yêu cầu mọi người trả lại. Nhiều GV rất đồng tình, nhưng có người vẫn còn coi chuyện “bồi dưỡng” trong thi cử là bình thường. Để giữ cho đội ngũ trong sạch, trong ngành vẫn có nhiều GV ủng hộ nhưng họ cũng bị sức ép rất lớn.

Ông nói những giám thị tốt luôn bị sức ép rất lớn, sức ép gì vậy, có khi nào ông và các GV của trường ông bị “ép” vì làm quá tốt chức trách?

Làm gắt quá, GV trường Nguyễn Trân của chúng tôi đi coi thi ở đâu người ta cũng... ngại. Năm vừa rồi, coi thi tại Tây Sơn, mấy trường góp tiền mời giám thị ăn uống, chúng tôi phải từ chối khéo: “Anh em đều có chế độ rồi, trên này có tổ chức liên hoan thì cho chúng tôi được đóng góp!”. Kinh nghiệm, (ông ra vẻ bí mật) nơi nào càng đón tiếp linh đình, mình làm chủ tịch HĐCT nên càng phải đi nhiều để hỗ trợ, nhắc nhở anh em làm tốt phận sự của mình. Không chỉ bị “ép” tế nhị mà còn bị đe dọa nữa. Đe dọa từ phía phụ huynh, từ những người có chức, có quyền có. Mỗi lần đi coi thi ở đâu, anh em GV rất lo lắng cho tôi nên kèm rất sát. Nhưng tôi không ngại. Nhiều người cho là tôi không thức thời, tôi khó chịu. Hồi còn làm hiệu trưởng ở Hoài Ân, mỗi lần làm chủ tịch hội đồng, người ta đều rên “dân Hoài Nhơn lên triệt Hoài Ân đây!”... Quan điểm của tôi là... giữ vững lập trường. Sửa một cái máy tốn 5-7 triệu đồng chứ sửa đức tính một con người thì khó lắm. Nếu chạy theo thành tích, dối trá, GV không làm đúng lương tâm chức nghiệp, dạy cho HS gian dối là có tội. Như thế có khác nào đang “gài mìn vào tương lai”.

Có một tình trạng chung là cứ mỗi mùa thi, các trường lại bắt học sinh đóng góp gọi là “bồi dưỡng giám thị”, trường Nguyễn Trân có làm thế không?

Thấy giám thị đến các nơi khác đón tiếp nồng hậu quá mà về trường mình thì không có chi cũng khó coi, hai năm gần đây, do yêu cầu của phụ huynh ở trường, tôi mới cho phép để Hội phụ huynh sử dụng tiền quỹ hội (nhất định không cho phép thu thêm của học sinh) tiếp giám thị buổi đầu tiên; cuối đợt gởi chút quà cho anh em. Tôi cho rằng việc các trường tổ chức thu thêm của học sinh vào mùa thi cử, có trường thu thêm cả 100.000 đồng/HS để tổ chức ăn uống, bồi dưỡng cho giám thị là một vấn nạn tiêu cực. Có lẽ Nguyễn Trân là trường duy nhất không bắt HS đóng thêm tiền. GV Nguyễn Trân đi coi thi có khổ thật nhưng về tinh thần thì rất thoải mái.

 

           Học sinh Trường PTTH Nguyễn Trân. Ảnh: Q.H

* “Tể tướng lưng gù”

Ở trường PTTH Nguyễn Trân, ông là người đầu tiên đến trường và cũng luôn là người cuối cùng rời khỏi trường. Và công việc đầu tiên của ông khi đến trường là đi một vòng, quanh các lớp xem có chuyện gì không, trường PTTH Nguyễn Trân có 51 lớp, 2.333 HS. Khuôn viên trường rộng 20.000m2, chỉ cần đi một vòng, hiệu trưởng đã mất đứt cả tiếng đồng hồ.

Hầu hết học sinh Nguyễn Trân không biết lật tài liệu; thầy, cô giáo Nguyễn Trân đi coi thi thường “không giống ai”, phải chăng, do họ ảnh hưởng cái “nguyên tắc” của ông hiệu trưởng?

Điều làm tôi rất hài lòng là kỷ cương, nề nếp của học sinh trường Nguyễn Trân. Bây giờ, ngoài xã hội rất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến học trò. Do đó, trong nhà trường nếu không giữ được kỷ cương, nề nếp thì khó mà nói đến chất lượng học tập. Mới đây, tôi đã phải xử lý một trường hợp đánh bạn cố sát, hộc cả máu mồm. Nói thật, tôi không đồng tình với quan điểm giữ HS hư trong trường để giáo dục. Cứ phải đuổi học, đuổi 1 đứa để giữ nghìn đứa. Nói vậy thôi (bỗng ông hạ giọng), chứ trong đời làm hiệu trưởng, tôi chưa từng đuổi học một HS nào. Bởi muốn kỷ luật 1 HS là cả một quá trình giáo dục, qua trình tự nhiều bước như khiển trách trước HĐKL; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ... Đối với một HS đã chán học, ngồi trong lớp không muốn học thì gia đình cũng nên động viên HS đó thôi học, đi làm hay học nghề, hữu dụng hơn.

Ông Phan Ngọc Bộ, sinh năm 1950, tại Tam Quan, Hoài Nhơn. Tốt nghiệp ĐHSP Toán, ông về dạy học tại trường cấp 3 Phước Vân (nay là THPT số 1 Tuy Phước). Năm học 1978-1979, ông được điều chuyển về trường PTTH Hoài Nhơn. Năm 1983, ông làm phó hiệu trưởng trường PTTH Nguyễn Trân rồi hiệu trưởng cho đến bây giờ.

Để rèn đạo đức cho HS, quan điểm của tôi, trước hết phải rèn được cái nết. Hai năm nay, ở trường có tổ chức thêm một lớp học đặc biệt: “sáng 6, chiều... mẫu giáo”. HS lên cấp 2 bây giờ chữ viết xấu quá. Chữ viết là nhân cách con người. Do đó, điều cơ bản đầu tiên khi các em vào trường là phải được rèn chữ để rèn tính cẩn thận, không cẩu thả trong học tập. GV tìm những HS viết chữ xấu nhất trong khối 6 để mở lớp rèn chữ cho các em. Nhờ phong trào rèn chữ, không chỉ có HS mà chữ viết bảng của GV Nguyễn Trân cũng đã đẹp hơn. Nguyễn Trân cũng là trường đầu tiên thực hiện nữ GV lên lớp mặc áo dài, GV nam mang giày, thắt caravat. GV trong trường cũng nói KHÔNG với nhiều cái: không nhậu nhẹt, không dạy thêm, học thêm tại nhà...

Làm đúng chức trách, HS kêu... thiệt, GV kêu... thiệt. Tôi động viên các em: Không thiệt đâu, cái các em được là rất lớn, đó là được về tính cách. Năm nào, tỷ lệ HS Nguyễn Trân thi đỗ đại học cũng rất cao. Vừa qua, trường kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Rất nhiều HS Nguyễn Trân là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân thành đạt đã về thăm trường, thăm thầy, cô giáo... Đó mới là những cái được lớn nhất.

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tự học vẫn đoạt giải   (16/05/2006)
Đôi nét về tổ chức quân đội Tây Sơn   (15/05/2006)
Bãi Bàu cát trắng biển xanh  (12/05/2006)
Cần tìm giá trị mới cho cây tre !   (08/05/2006)
Lá huyết thư giữ vững thành trì   (05/05/2006)
Làng Lạc Giao (Buôn Ma Thuột) thờ Đào Duy Từ làm thành hoàng   (03/05/2006)
Làng đúc chậu kiểng   (03/05/2006)
Rủ nhau đi đánh bài chòi  (02/05/2006)
Bánh tráng Tư Nam  (02/05/2006)
Vị tướng Tây Sơn kỳ lạ  (28/04/2006)
"Bánh tráng trên lưng ngựa"  (27/04/2006)
Phong trào Tây Sơn trên đất Phú Yên   (24/04/2006)
Học trò trường huyện đi thi   (21/04/2006)
Hương quê Bình Định đến với người tiêu dùng trong nước  (19/04/2006)
Cô gái "số 1"  (18/04/2006)