Một số cống hiến trên lĩnh vực quân sự của Đào Duy Từ
9:30', 22/5/ 2006 (GMT+7)

Đào Duy Từ là người có tài kiêm văn võ. Giúp việc chúa Nguyễn chỉ có tám năm cuối đời mà ông đã được đánh giá rất cao là người đứng đầu trong hàng khai quốc công thần, có công lớn giúp dòng họ Nguyễn từ một thế lực nhỏ buổi đầu còn phụ thuộc nhà Lê - Trịnh ở phía Bắc, nhanh chóng trưởng thành lớn mạnh, có khả năng "hùng cứ một phương", "làm nên nghiệp bá cõi nam".
Sử chép: Năm 1627, khi được quan Khám lý hoài nhân Trần Đức Hoà giới thiệu và qua tiếp xúc, biện luận với chúa Nguyễn, Đào Duy Từ đã nhanh chóng được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng, trao ngay cho chức Nha uý nội tán, tước Lộc khê hầu, trông coi việc quân cơ và Tham lý quốc chính. Và từ đó mỗi khi mưu tính việc quân, Đào Duy Từ nói gì chúa cũng nghe và được chúa đánh giá: "Đào Duy Từ là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay".

Vậy tài năng và công lao của Đào Duy Từ đối với chúa Nguyễn Đàng trong ra sao? Chỉ cần tìm hiểu riêng trên lĩnh vực quân sự, người ta cũng thấy thể hiện rõ điều đó trên cả hai mặt: lý luận và thực tiễn.

Có thể nói, Đào Duy Từ là một nhà lý luận quân sự giỏi. Quốc sử quán triều Nguyễn đánh giá ông là người có tài mưu lược, hiểu thời thế, "phàm đã mưu tính trù hoạch việc gì, hễ làm là trúng thời cơ" (1). Bản thân ông từ nhỏ đã tỏ ra thông minh khác người, đọc thông kinh sử. Lớn lên trong một xã hội đầy biến động, ông có điều kiện để thi thố tài năng. Ông biết ở Bắc Hà ngai vàng vua Lê đã tàn tạ, chúa Trịnh lại không biết dùng người, nên đã vào Nam phò chúa Nguyễn, bởi theo ông, "Xứ Quảng Thuận đất hiếm mà dân lại giàu, vị chúa ở đây lại biết đãi người một cách nhún nhường, đó là tư cách của bậc bá vương" (2).

Trước ngày đến với chúa, Đào Duy Từ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kinh sử, binh pháp và viết văn, làm thơ. Trong số đó có bài "Tư dung vãn" và "Ngọa Long cương ngâm" mà thoạt xem Trần Đức Hoà đã vô cùng ngạc nhiên và tự hỏi: "Hay trời tựa chúa ta? Trời sinh ra chúa để trị dân, tất phải có hiền thần lương tướng để giúp nước. Duy Từ này có lẽ là Ngoạ long tiên sinh đời nay của nước nhà chăng?" (3)

Và cả chúa Nguyễn, sau khi đọc "Ngoạ Long cương ngâm", cũng đánh giá rất cao và rất vui khi gặp tác giả.

Đào Duy Từ không chỉ là một người hùng luận am hiểu thời thế và giúp chúa Nguyễn vạch ra nhiều kế sách quân sự quan trọng đối phó có hiệu quả với Đàng Ngoài, mà còn để lại cho đời cả một pho binh thư rất có giá trị: đó là Sách Hổ trướng khu Cơ viết bằng chữ Hán, chia thành ba tập: Tập Thiên, Tập Địa và Tập Nhân.

Ngày nay đọc Hổ trướng khu cơ, chúng ta biết rằng sách này không chỉ riêng của một soạn giả; song chắc chắn Đào Duy Từ là tác giả đầu tiên và phần lớn các quan điểm lý luận và phương pháp thực hành được nêu lên là chủ yếu của ông.

Trong Hồ trướng khu cơ, tác giả đã tham bác nhiều binh thư, binh pháp trong và ngoài nước, đồng thời nêu lên những quan điểm lý luận của mình về binh pháp nói chung cũng như về các lĩnh vực cụ thể của phép dụng binh nói riêng. Như vấn đề sử dụng các loại quân và các đồ binh khí kỹ thuật trong các điều kiện địa hình, thời tiết, vai trò của các tướng lĩnh cùng các phép tắc chọn tướng, luyện quân….

Các tri thức quân sự trong Hổ trướng khu cơ vừa mang tính kế thừa các tri thức quân sự thời trước, vừa có những phần phát triển sáng tạo của bản thân tác giả.

Trong thiên Hoả công, Đào Duy Từ đã nêu lên các phương pháp chế tạo và sử dụng một số hoà khí vừa tinh vi hiện đại, lại rất thực tế, phù hợp với điều kiện của đất nước lúc đó. Có thể coi hỏa hổ, một thứ binh khí lợi hại của Đại Việt trong các thế kỷ XVII và XVIII đã được phát triển bắt đầu từ Đào Duy Từ. Đó là phép thể chế hoả đồng và hoả tiễn của ông mà sau này, như Ngô Tử Thông đã nói: Lửa của thứ binh khí ấy phun ra dữ dội như hổ nên gọi là hỏa hổ. Người đương thời cho rằng các phép hoả cầu, yêu cầu, hoả đồng, hoả lôi và hoả tiễn của Lộc Khê tiên sinh có tài không kém khi so với súng Phật - lang - cơ của người phương Tây. Trong Tổng luận về cơ yếu binh pháp có nói rằng: "Đến quốc triều ta, chính quan vệ uý nội tán Lộc Khê tiên sinh, đem tài lạ giúp vua, phát huy tinh tuý của tướng môn, lập ra các phép hoả cầu, yên cầu và phép thương lửa dưới đất, tên lửa chứa thuốc độc, dẫu người đời xưa sống lại cũng chẳng hơn đâu. (4)

Chiêu Dương Cao Khuê khi bàn về thiên Hoả công cũng nói: "Xem mấy điều ấy thì biết rằng cái tài của Lộc Khê tiên sinh có thể là trái cơ trời đất, trái tính ngũ hành, thực là cơ quỉ thần không ai làm được." (5)

Trong các thiên Thuỷ chiến và Bộ chiến, nhiều nội dung được Đào Duy Từ kế thừa, đúc kết từ những kinh nghiệm của cố nhân, nhưng đồng thời ông cũng đã phát triển và biến hoá để vận dụng có hiệu quả trong điều kiện mới, khi mà hoả khí đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến đấu. Chẳng hạn cũng là phép phá xích sắt trên sông, nhưng ở đây Đào Duy Từ đã sử dụng hợp chất bằng diêm tiêu, lưu hoàng, nao sa và than gỗ để đốt nóng và làm gãy xích sắt. Trước đến nay phép phục địa lôi dưới đất đã có, nhưng thuật phục thuỷ lôi dưới nước thì chưa từng có. Đào Duy Từ đã đưa ra phương pháp dùng thuốc súng chế thuỷ lôi đặt ngầm dưới nước để phá thuyền giặc.

Chính vì thế các đồng sự hoặc các môn sinh của ông đã khen ngợi 9 phép trong thuỷ chiến "thực là quỷ thần không lường được" (6).

Quan điểm của Đào Duy Từ về đạo lâm tướng cũng kế thừa và gần giống với quan điểm của Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi, coi đạo làm tướng phải lấy nhân nghĩa làm đầu. "Nhân là đức của lòng người. Tướng không đốc lòng nhân thì không thể có kết nhân tâm được… Nghĩa là lẽ phải của việc để cố kết lòng người. Không có nghĩa thì không có lẽ phải. Cho nên tướng tất trước hết phải biết nghĩa. Nghĩa đã rõ thì đốc lòng trung báo ơn nước, xử sự đúng lẽ phải thì duy trì được lòng người…" (7).

Cùng với Nhân và Nghĩa, người tướng còn phải có đủ sáu điều khác như: Tín, Trí, Minh, Tài năng, Cương dũng và Nghiêm minh. Đó là tám điều cốt yếu của đạo làm tướng theo quan niệm của Đào Duy Từ.

"Xã tắc còn hay mất, quốc quân vui hay lo đều quan hệ ở người tướng". Đào Duy Từ đánh giá rất cao vai trò người tướng; vì thế ông cũng hết sức khắt khe trong quan niệm chọn tướng luyện quân. Bởi vì, đối với ông, người giỏi dùng tướng trước hết phải giỏi chọn tướng. Theo ông, tướng là đồ quan trọng của nhà nước. Đồ cứng khi gãy, quyền trọng thì nguy; binh là hung khí, bất đắc dĩ mới dùng đến. Cho nên, binh quý tinh àm không quý nhiều; tướng cần mưu hơn là cần dũng. Người dũng thì dùng làm chân tay nanh vuốt, còn người mưu trí thì dùng làm chân tay nanh vuốt, còn người mưu trí thì dùng làm tai mắt lòng dạ. Phép dùng tướng phải tuỳ theo tài năng, tài lớn thì dùng vào việc lớn, tài nhỏ thì dùng vào việc nhỏ. Ví như dùng gỗ, gỗ tốt như kỷ tử dẫu chỉ cao vài thước người thợ giỏi cũng không bỏ sót. Nếu thưởng phạt không minh, dùng người không quyết thì tiểu nhân sẽ làm quan ở triều đình mà quân tử thì ẩn náu ở nơi đồng quê, vì thế tướng chẳng ra tướng, vị tất sẽ đem nước thao cho giặc…

Những quan điểm trên đây dẫn trong sách Hổ trướng khu cơ, là sự kế thừa có chọn lọc từ lý luận quân sự truyền thống của dân tộc, của binh pháp cổ xưa. Đó cũng là quan điểm tiến bộ của tác giả mà ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

Tuy nhiên cũng có những phần trong Hồ trướng khu cơ đã phỏng theo lý thuyết quân sự cổ của Trung Quốc, mà theo chúng tôi, nó không còn phù hợp với điều kiện địa hình cũng như nghệ thuật dụng binh truyền thống của dân tộc ta thuở ấy. Đó là phần Tập Địa - phần lý thuyết về trận pháp và phương pháp bày trận. Tác giả đã nêu lên gần hai chục trận thế. Nhưng với hoàn cảnh địa hình lâm sông núi như ở nước ta, hoặc trong điều kiện hoả khí đã phát triển mạnh như ở giai đoạn thế XVII - XVIII, thì cách bày trận theo lối cổ điển bằng đội hình khối vuông hay khối tròn không còn phù hợp nữa.

Những quan điểm lý luận quân sự của Đào Duy Từ trong Hổ trướng khu cơ phần lớn được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu hơn so với binh thư binh pháp trước đó. Về điều này, Kiêm Trai Ngô Tử Thông - một người tham gia giới thiệu Hổ trướng khu cơ đã nói: "Tôi đọc sách không phải không nhiều nhưng chật giá đầy hòm đều là hình trạng mây gió, dài dòng dãy sách đều là hình thể rắn chim. Duy có sách Hổ trướng khu cơ rất là tinh điệu, rất là giản dị. Nếu người ta học được thì trong lúc thảng thốt vẫn bàn nói như thường, dẫu có thần binh năm bộ cũng chẳng bằng cá, vỗ đùi (8), vận dụng một lòng mà có thể bẻ được mũi nhọn, đánh tan trận, không suy nghĩ cũng làm được, không miễn cưỡng mà đúng phép, hình như tạo hoá tự nhiên. Cho nên tôi cách Lộc Khê hơn một trăm năm, mà xem điệu pháp lưu truyền, thần cơ tạo hoá, còn khiến phải thè lưỡi lanh dạ, huống là người được thân gần học tập! Nay bốn thiên trong tập này cộng 36 điều, thật là then máy của hổ tướng, khoá chốt của tướng môn, thật xứng tên Hổ trướng khu cơ vậy" (9).

Hổ trướng khu cơ vừa là một tác phẩm lý luận vừa là một cuốn sách hướng dẫn thực hành. Đào Duy Từ soạn sách để dạy các tướng sĩ xứ Đàng Trong. Từ những hiểu biết về lý luận, Đào Duy Từ đã đem vận dụng vào thực tiễn và đã có cống hiến lớn trong việc tổ chức, huấn luyện và chế tạo vũ khí, chiến cụ trang bị cho quân đội. Chỉ tham gia triều chính, trông coi việc quân cơ trong một thời ngắn mà đã góp sức mình xây dựng cho chúa Nguyễn có quân hùng tướng mạnh.

Khi bàn về những đóng góp của Đào Duy Từ trên lĩnh vực quân sự đối với chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúng ta không thể không nói đến công lao của ông trong việc xây dựng hai chiến luỹ nổi tiếng Trường Dục và Đồng Hới. Chính hệ thống chiến luỹ phòng ngự kiên cố mà Đào Duy Từ là người đề xuất và tạo dựng nên, đã đóng một vai trò rất quan trọng, tạo nên một then khoá vững vàng giúp chúa Nguyễn có thời gian và lực lượng đánh bại các cuộc tiến công của quân Trịnh gần nửa thế kỷ, để rồi sông Gianh trở thành giới tuyến của hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài mãi đến cuối thế kỷ XVIII.

Chỉ có tám năm làm quan, một chặng đường ngắn ngủi, nhưng Đào Duy Từ đã kịp ghi lại những nét vàng son cho cuộc đời mình, xứng đáng được coi là một tài năng quân sự.

. Theo Tạp chí Lịch sử quân sự

 

(1) Đại Nam thực lục tiền biên. - Tập 1. Nhà xuất bản Sử học. - H.,. 1962, Tr.65.
(2) Tang thương ngẫu lục
(3) Dẫn theo Trần Đăng Đại. Thử tìm hiểu luỹ Trường Dục và luỹ Đồng Hới. Tập san Văn sử địa
(4),(5) Binh thư yếu lược, phụ Hổ trướng khu cơ, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. H. 1970. tr. 316. 317.
(6) Binh thư yếu lược, phụ Hổ trướng khu cơ, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. H. 1970. tr. 334.
(7) Binh thư yếu lược, phụ Hổ trướng khu cơ, sách dã dẫn, Tr.393.
(8) Theo lịch sử cổ đại Trung Quốc, Lỗ Ẩn Công đi xem đánh cờ ở Ấp Dưỡng; Hán Văn Đế ngồi xem cá nghe Phùng Đường nói chuyện Liêm Pha Lý Mục thì vỗ đùi mà nói: ta được Liêm Pha Lý Mục mà dùng thì sợ gì.
(9) Binh thư yếu lược, phụ Hổ trướng khu cơ, Sách đã dẫn tr. 352.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người “lập dị” đáng quý   (22/05/2006)
Tự học vẫn đoạt giải   (16/05/2006)
Đôi nét về tổ chức quân đội Tây Sơn   (15/05/2006)
Bãi Bàu cát trắng biển xanh  (12/05/2006)
Cần tìm giá trị mới cho cây tre !   (08/05/2006)
Lá huyết thư giữ vững thành trì   (05/05/2006)
Làng Lạc Giao (Buôn Ma Thuột) thờ Đào Duy Từ làm thành hoàng   (03/05/2006)
Làng đúc chậu kiểng   (03/05/2006)
Rủ nhau đi đánh bài chòi  (02/05/2006)
Bánh tráng Tư Nam  (02/05/2006)
Vị tướng Tây Sơn kỳ lạ  (28/04/2006)
"Bánh tráng trên lưng ngựa"  (27/04/2006)
Phong trào Tây Sơn trên đất Phú Yên   (24/04/2006)
Học trò trường huyện đi thi   (21/04/2006)
Hương quê Bình Định đến với người tiêu dùng trong nước  (19/04/2006)