Nguyễn Nhạc có hai cô con gái, người con đầu gả cho Vũ Văn Nhậm, cô thứ hai gả cho Trương Văn Đa (con thầy giáo Hiến). Trương Văn Đa vốn thông minh từ nhỏ, lại được cha rèn cặp hàng ngày nên văn võ toàn tài.
Lấy được đất Gia Định, vua Thái Đức nhận thấy vùng đất cực Nam cứ mất đi mất lại vì thiếu tướng giỏi trấn giữ. Nghe lời thầy giáo Hiến, rằng muốn giữ Gia Định được lâu bền thì phải biết thu phục lòng dân, nên đầu năm 1783, vua cử Trương Văn Đa cùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Lê Văn Hưng đem đại binh vào đánh đuổi Nguyễn Ánh. Dưới quyền cầm binh của Nguyễn Huệ, trên đường thủy, quân Tây Sơn tiêu diệt hoàn toàn thủy binh địch, trên bộ Trương Văn Đa bắt sống tướng giặc Dương Công Trừng. Truy đuổi giặc tới Định Tường, Trương Văn Đa lại chém chết tướng Nguyễn Văn Quý trên mình ngựa. Tướng chết, quân tan, cùng đường, Nguyễn Ánh trốn chạy thoát. Đất Gia Định lại thuộc về nhà Tây Sơn.
Trước khi rút đại quân về Quy Nhơn, Nguyễn Huệ cử Trương Văn Đa ở lại, giao trấn giữ Gia Định. Vua Thái Đức lại cử thêm hai đại học sĩ là Cao Tắc Tựu và Triệu Đình Tiệp giỏi việc chính sự, vào giúp sức. Trương Văn Đa một mặt điều quân canh phòng cẩn mật, một mặt dốc lòng chiêu hiền đãi sĩ, vỗ về dân chúng ổn định tình hình.
Đất Gia Định đang hồi sinh thì một năm sau, Nguyễn Ánh lại rước 5 vạn quân Xiêm ào ạt sang đánh chiếm. Thế giặc mạnh, quân Tây Sơn chỉ có 1 vạn, lại đóng rải rác ở các đạo, nên Trương Văn Đa đề ra chiến lược: vừa chặn đánh tiêu hao địch, vừa rút quân từng bước về Mỹ Tho, giữ vững hữu ngạn Tiền Giang; đồng thời, cho người về Quy Nhơn cấp báo. Trên đường rút quân, Trương Văn Đa cho quân phục kích, chém chết Châu Văn Tiếp - đại đô đốc của Nguyễn Ánh, đặt phục binh đánh địch ở Ba Lai. Nhờ vậy, khi Nguyễn Huệ đưa đại quân vào, có thể tiến thẳng xuống Mỹ Tho, làm nên đại thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Sau chiến thắng này, Trương Văn Đa cùng bộ tham mưu của mình lại ra sức an dân, khai khẩn thêm đất trồng trọt, cho binh sĩ thay phiên nhau canh tác cùng dân, mở mang việc học hành, trọng dụng nhân tài. Chỉ trong ba năm, đất Gia Định lại trù phú hẳn lên.
Đến khi Nguyễn Lữ được phong làm Đông Định Vương trấn thủ Gia Định, thì Trương Văn Đa được trở về thành Hoàng Đế. Từ đấy, qua bao biến cố của nhà Tây Sơn, không còn ai biết vị tướng toàn tài này ra sao nữa.
|