Quê ta nhân kiệt, địa linh,
Còn lưu dấu tích Sa Huỳnh, Chămpa.
Hai nghìn năm trước có dư
Dấu chân người Việt cổ xưa đã từng
In trên ven biển miền Trung
Nay còn dấu vết Động Cườm (1), Truông Xe, (2)
Đồi Điệp (3), lớp lớp vỏ sò
Là nguồn thực phẩm người xưa thường dùng.
Động Bàu Năng ở Ca Công, (1)
Gò Lồi,Chánh Trạch (2), Núi Ngang (3) các miền...
Qua bao di tích nói trên
Cho ta thấy rõ một nền văn minh
Đó là văn hoá Sa Huỳnh
Nghề gốm phát triển, nghề rèn mở mang;
Thuỷ tinh nấu luyện giỏi giang
Làm đồ trang sức, chuỗi vòng, hoa tai...
Mang ra bán ở kinh kỳ,
Theo đường biển đến Mã Lai, xứ Hồi,
Thái Lan, Phi Luật (4) xa xôi,
Nam Dương quần đảo, khắp nơi trong vùng...(4)
Công lao bao lớp tiền nhân
Âm thầm mở cõi, sử vàng còn ghi.
- # -
Chămpa, bao buổi thịnh suy
Trên vùng Bình Định, thị phi rõ ràng
Thành quay ngăn giặc Nguyên Mông
Tại đầm Thị Nại, chiến công lẫy lừng!
Trăm năm chống nạn ngoại xâm
Tây Nam Tổ quốc, bảo toàn biên cương.
Công trình thành cổ Đồ Bàn,
Đỉnh cao kiến trúc nghìn năm lưu truyền.
Hệ thống tháp cổ uy nghiêm:
Tháp vàng- Phú Lốc, Cánh Tiên-tháp đồng,
Tháp Đôi, Thủ Thiện, Dương Long,
Tháp bạc-Bánh Ít... theo dòng thời gian...
Nghìn năm cánh tháp dẫu mòn,
Chămpa, văn hoá vẫn còn sáng trưng!...
Bồng Nga tử trận Thăng Long (5 )
Đây là bước ngoặt suy vong Chiêm Thành
(1) Động Cườm, động Bàu Năng ở Tam Quan, Hoài Nhơn.
(2) Truông Xe, Gò Lồi, Chánh Trạch thuộc xã Mỹ Thắng, Phù Mỹ.
(3) Núi Ngang, Đồi Điệp thuộc Nhơn Hội, Quy Nhơn.
(4) Phi Luật là Philippines, Nam Dương là Indonesia.
(5) Năm 1390, Chế Bồng Nga đem quân đánh Thăng Long bị tử trận.
|